Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam - EU: Đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững

Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn thể hiện tầm nhìn chung và mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong việc kiến tạo một tương lai dựa trên tri thức, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ06/05/2025

Ngày 06/5/2025 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Đại sứ quán Estonia tại Bắc Kinh thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm TAIEX tổ chức Hội thảo quốc tế "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Đây là một trong các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5).

KH, CN & ĐMST - động lực cốt lõi cho phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của sự kiện diễn ra trong tháng 5, tháng gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước. Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 là dịp để tái khẳng định cam kết mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy tiến bộ KH, CN & ĐMST.

img

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với EU. Thứ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ EU thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi chuyên gia và đối thoại chính sách. Hội thảo lần này, được tổ chức với sự hỗ trợ từ Chương trình TAIEX là minh chứng cụ thể cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy KH, CN & ĐMST như những động lực cốt lõi cho phát triển bền vững.

Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh Bộ KH&CN đang sửa đổi Luật KH&CN năm 2013, một bước đi có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 (tháng 12/2024) xác định KH, CN & ĐMST và chuyển đổi số là những trụ cột quyết định của phát triển quốc gia. Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được xác lập chính thức bên cạnh KH&CN như một lực lượng trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia.

img

Toàn cảnh Hội thảo.

Dự thảo Luật sửa đổi phản ánh định hướng chuyển từ mô hình quản lý dựa trên đầu vào sang quản lý theo kết quả; khuyến khích quyền tự chủ nghiên cứu đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình; cho phép các nhà khoa học sở hữu và thụ hưởng kết quả nghiên cứu; trao quyền lớn hơn cho doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu - phát triển thông qua các cơ chế ưu đãi và mô hình đầu tư đồng hành. Luật cũng ưu tiên làm chủ các công nghệ chiến lược, đề cao vai trò trung tâm của đại học trong nghiên cứu cơ bản, bảo đảm sự cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái KH, CN & ĐMST toàn diện và tăng tốc chuyển đổi số trong quản trị ngành.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, với 10 điểm mới trọng tâm, Luật KH, CN & ĐMST thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, gắn kết nghiên cứu với thực tiễn và đưa KH&CN trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển quốc gia.

"Chúng tôi tự hào khi Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về năng lực khoa học trong khu vực Đông Nam Á - một thành tựu có được nhờ phần lớn vào quan hệ hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt với EU", Thứ trưởng chia sẻ.

Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier cho biết, Hội thảo là thành quả trực tiếp của nỗ lực hợp tác giữa hai bên, thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy KH, CN & ĐMST như các động lực then chốt của phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sống.

Đại sứ nhấn mạnh, "EU rất vinh dự được đồng hành cùng khát vọng của Việt Nam trong việc xây dựng một khung pháp lý cởi mở, hướng đến tương lai cho những lĩnh vực trọng yếu này".

img

Ông Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tinh thần hợp tác này cũng là trọng tâm của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) - sáng kiến của EU nhằm đầu tư vào các kết nối thông minh, xanh và an toàn trong các lĩnh vực số, năng lượng và giao thông; đồng thời tăng cường hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới. Thông qua chiến lược này, EU mong muốn thúc đẩy đầu tư bền vững, mở ra cơ hội cho cả khu vực công và tư, khuyến khích hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và đối tác đổi mới sáng tạo giữa EU và Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo mang lại niềm tin và sự thích ứng

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Estonia tại Bắc Kinh, ông Hannes Hanso, chia sẻ về hành trình chuyển đổi số ấn tượng của đất nước mình. Chỉ với 1,3 triệu dân, Estonia đã trở thành quốc gia tiên phong toàn cầu về chính phủ điện tử và an ninh mạng nhờ quyết định chiến lược đầu tư vào công nghệ thông tin từ hơn 20 năm trước. Dù tài nguyên hạn chế và thị trường nhỏ, Estonia đã chọn phát triển giáo dục, công nghệ và hạ tầng số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng như Skype, Wise, Bolt ra đời từ đây. 99% dịch vụ công có thể truy cập trực tuyến, từ khai thuế, đăng ký doanh nghiệp đến bầu cử tại nhà – tất cả đều bảo mật nhờ định danh điện tử và blockchain.

Ông Hanso nhấn mạnh, đổi mới ở Estonia là sự kết hợp giữa công nghệ, niềm tin và khả năng thích ứng, với hệ sinh thái nghiên cứu - doanh nghiệp mạnh trong các lĩnh vực như AI, y tế, robot và năng lượng xanh. Ông cũng cho biết Estonia và Việt Nam đang mở rộng hợp tác, đặc biệt trong giáo dục, chính phủ số và đô thị thông minh.

img

Ông Hannes Hanso - Đại sứ Estonia tại Bắc Kinh chia sẻ tại Hội thảo.

Cùng quan điểm, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng khi các chuyên gia hàng đầu từ Estonia và Phần Lan đã cùng chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong xây dựng chính sách về KH, CN & ĐMST. Ông Keijo Norvanto kỳ vọng, thông qua Hội thảo, các bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa chính phủ các nước trong lĩnh vực quan trọng này.

img

Ông Keijo Norvanto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện từ Phần Lan và Estonia - hai quốc gia sở hữu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới - chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách KH, CN & ĐMST; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu - phát triển - thương mại hóa công nghệ và bảo hộ sở hữu trí tuệ; cũng như tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước với các đối tác toàn cầu.

img

Các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo.

Bên cạnh phần trình bày, các đại biểu cũng tích cực chia sẻ, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Những trao đổi cởi mở và mang tính xây dựng giữa Việt Nam và EU tại Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về KH,CN&ĐMST, hướng tới một hệ thống linh hoạt, toàn diện và định hướng tương lai. Qua đó, tạo nền tảng cho các cải cách sâu rộng và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư - kinh doanh mới giữa hai khu vực, trong bối cảnh Việt Nam và EU đang chuẩn bị nâng tầm quan hệ đối tác.

img

Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo.

Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/viet-nam-eu-day-manh-hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-de-phat-trien-ben-vung-197250506193604417.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm