Mô hình trồng cây quýt vòi tại thị trấn Ngọc Lặc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân nhằm phát triển những mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, xã Ngọc Liên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Phạm Phú Phục ở thôn 4, xã Ngọc Liên đã chuyển đổi 2ha trồng keo kém hiệu quả để xây dựng mô hình trồng măng tây, ớt, sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là các khu nhà lưới chuyên canh tác cây măng tây, được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt. Ông Phục chia sẻ: “Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi thấy rất hiệu quả, đất không bị bạc màu mà lại cho thu nhập tăng cao. Mỗi năm, các loại cây mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng”.
Đến nay, người dân xã Ngọc Liên đã chuyển đổi diện tích mía, sắn, ngô... sang trồng dong giềng, măng tây, củ từ, củ đậu, dứa... Một số loại cây được trồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, từ đó cho giá trị sản xuất đạt 180 triệu - 350 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ xã Ngọc Liên, nhiều địa phương khác trong huyện cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập của nông dân. Tiêu biểu như các xã Ngọc Trung, Cao Thịnh, Lam Sơn, Lộc Thịnh chuyển sang trồng dứa, ngô sinh khối... mang lại giá trị sản xuất đạt 150 - 350 triệu đồng/ha/năm. Xã Kiên Thọ, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn, Phùng Minh, Phùng Giáo đầu tư, thâm canh đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến vào sản xuất như mía, sắn, các loại cây ăn quả...
Theo báo cáo của huyện Ngọc Lặc, đến nay toàn huyện đã tích tụ, tập trung hơn 3.382ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, như Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đầu tư hơn 100ha (vải không hạt, thanh long ruột đỏ, bơ Israel, xoài keo...); Tập đoàn Xuân Thiện, Phú Gia, các HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, góp phần quan trọng trong nâng cao giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt; tăng giá trị ngành nông nghiệp và thu nhập của người dân nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Thị Lý cho biết: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với XDNTM; ưu tiên phát triển các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, giá trị lớn, có khả năng xuất khẩu, phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; chỉ đạo các địa phương thực hiện theo định hướng quy hoạch vùng huyện, kế hoạch sử dụng đất từ đó xây dựng, hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng xanh, an toàn”.
Huyện Ngọc Lặc cũng sẽ thực hiện xây dựng và số hóa bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp. Tập trung ở khu vực phía Nam gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm để sản xuất các cây ăn quả có giá trị như thanh long, bơ, xây dựng thương hiệu “vải Ngọc” gắn với xuất khẩu; các cây nguyên liệu như mía, sắn, các cây ăn quả giá trị khác. Khu vực phía Đông - Bắc tập trung phát triển các cây trồng lợi thế gắn với chế biến như dứa, mía; các cây trồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP như sắn dây, dong giềng, các loại cây ăn quả, ngô sinh khối...; chăn nuôi lợn, gia cầm, dê gắn với phát triển trồng rừng gỗ lớn. Khu vực phía Tây tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm canh gắn với chăn nuôi dưới tán rừng (lợn cỏ, gà đồi, dê, trâu, bò) và các cây trồng bản địa lợi thế gắn với thương hiệu sản phẩm OCOP như nếp hạt cau, khoai sáp ruột vàng...
Huyện Ngọc Lặc cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Tăng cường quản lý vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và chất lượng sản phẩm.
Bài và ảnh: Anh Tuân
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-theo-huong-hien-dai-xanh-ben-vung-246795.htm
Bình luận (0)