Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi số tại các bệnh viện: Tiết kiệm hàng trăm tỷ, người dân được lợi

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, để giải quyết các thách thức đối với ngành Y tế, ngành Y tế phải tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các BV và cơ sở y tế…

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân10/05/2025

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế, mà trọng điểm là chuyển đổi số tại các bệnh viện (BV). Tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, để giải quyết các thách thức đối với ngành Y tế, ngành Y tế phải tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các BV và cơ sở y tế…

Đến thời điểm này, các BV trên toàn quốc đều đã bắt tay vào chuyển đổi số, tạo ra nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số trong các BV không đồng đều, nơi chuyển đổi số mạnh mẽ, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nơi thì vẫn rất ì ạch, chậm trễ khiến nhiều mục tiêu được ngành Y tế đặt ra khó về đích. Vậy đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào giúp các BV chuyển đổi số toàn diện, hướng tới mô hình quản trị BV thông minh, chăm sóc sức khỏe toàn dân thông minh? Chuyên đề này của Báo CAND sẽ đi tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi số trong BV.

Bài 1: Công nghệ giúp chẩn đoán sớm nhiều ca bệnh hiểm nghèo, chống thất thoát, lãng phí

BV Bạch Mai là BV hạng đặc biệt của cả nước. Mỗi năm, nơi này khám và điều trị cho khoảng 2 triệu lượt người dân khiến BV phải đối mặt với vô vàn thách thức và áp lực. Nhưng giờ những áp lực và thách thức đó đang dần được tháo gỡ, giảm thiểu khi BV tiến hành chuyển đổi số một cách khẩn trương, quyết liệt. Những kết quả chuyển đổi số bước đầu tại BV hạng đặc biệt này đang lan tỏa, khích lệ nhiều cơ sở y tế khác chuyển mình, thoát khỏi sự trì trệ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe người dân.

z56868011685200207d943cde168f0a4cd7dee1e5358f7-17224361912771675432758.jpg -0
Nhờ chuyển đổi số, người bệnh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai được trả kết quả trong ngày.

Dành trọn vẹn một buổi sáng để chia sẻ với chúng tôi về chuyển đổi số nhưng PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai không bị “ách tắc” hồ sơ, giấy tờ phải giải quyết, bởi trong khi tiếp chúng tôi, ông vẫn thực hiện ký điện tử cả loạt hồ sơ. Trước đây, chỉ cần đi vắng nửa ngày thì khi ông trở về BV, hồ sơ ùn lại, chất đống.

PGS.TS Đào Xuân Cơ dẫn chúng tôi ra góc bàn làm việc, nơi có màn hình lớn đang nhấp nháy hiển thị số lượng bệnh nhân đến khám, bệnh nhân đang điều trị ở từng khoa, rồi số lượng xét nghiệm đã thực hiện xong, số lượng ca mổ đã kết thúc, ca mổ đang chờ đến phiên…

Ông nói vui, đây chính là “bảng chứng khoán” của BV! Nhìn vào đó, ông biết được khoa, phòng nào đang quá tải bệnh nhân nội trú, thì ngay lập tức, ông chỉ đạo đơn vị đó xem xét bệnh nhân nào tiến triển tốt rồi thì giải quyết cho xuất viện, hoặc cho về tuyến dưới điều trị tiếp, nhường chỗ cho bệnh nhân mới vào.

Cũng nhờ “bảng điện tử ” đó mà ông biết được bao nhiêu bệnh nhân đến cấp cứu, bao nhiêu bệnh nhân đang được can thiệp mạch não, mạch tim…, để chỉ đạo kịp thời. Những phần việc trước đây khiến ông mất rất nhiều thời gian thì nay mọi việc được giải quyết nhanh gọn, không ùn ứ.

Công nghệ đã giúp PGS Cơ cùng Ban giám đốc quản trị tốt về tài sản, vật tư, thuốc men và con người (trước, cán bộ y tế đăng ký đi làm nhưng họ có đi làm không thì Ban giám đốc cũng không nắm bắt được, nay nhờ quét mã ID, lãnh đạo BV nắm chuẩn xác số lượng cán bộ đi làm…). Ban giám đốc khẩn trương như vậy, đương nhiên các phòng, khoa ở dưới cũng cuốn theo nhịp độ khẩn trương đó.

Chia sẻ về hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh, PGS.TS Đào Xuân Cơ rộn ràng kể, cách đây 6, 7 tháng, bà con đến từ vùng sâu vùng xa Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang phải ăn trực nằm chờ, thậm chí phải nằm gầm cầu thang BV để chờ đến lượt được khám, được chụp chiếu thì nay đã đổi khác, người bệnh đến BV Bạch Mai sẽ được khám trong ngày. Sáu giờ sáng, cánh cửa BV đã mở đón tiếp bệnh nhân; 2 giờ chiều, toàn bộ bệnh nhân đã có kết quả chụp chiếu, xét nghiệm, bệnh nhân đã có đơn thuốc, để rồi 3 giờ chiều, người bệnh đã có thể về quê.

Chuyển đổi số tại các bệnh viện: Tiết kiệm hàng trăm tỷ, người dân được lợi -0
Chỉ cần ấn nút bảng điện tử ngay tại giường bệnh, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã biết tình trạng và quá trình điều trị của bệnh nhân để báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế.

“Như vậy, với giải pháp công nghệ, việc khám chữa bệnh chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, bà con rất phấn khởi vì đỡ nhiều chi phí và thời gian”, PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ. Hiện 100% hồ sơ dữ liệu của BV Bạch Mai đã được số hóa, bệnh nhân đến BV khám bệnh chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh.

Trước đây, mỗi năm, BV Bạch Mai phải in đến cả triệu phim XQ, phim cộng hưởng từ, in hàng triệu kết quả xét nghiệm, rồi hồ sơ, bệnh án giấy cũng lên đến hàng triệu bộ, phiền phức, tốn kém vô cùng, thì nay nhờ chuyển đổi số, BV không cần in phim, không cần in kết quả xét nghiệm, nên mỗi năm BV đã tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng do không phải in ấn, không phải thuê kho để chứa bệnh án và các hồ sơ đấu thầu mua sắm, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường.

Tại Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai, nơi khám và điều trị bệnh nhân với số lượng khá lớn (khoảng 10.000 bệnh nhân/năm), anh Đỗ Đức Ngọc, 60 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, điều trị bệnh suy gan cho chúng tôi biết, kết quả xét nghiệm của anh được bác sĩ gửi thẳng cho bệnh nhân qua zalo; rồi phim chẩn đoán hình ảnh cũng được bác sĩ xem trên mạng, quy trình nhanh gọn hơn nhiều.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới chia sẻ, chuyển đổi số giúp Viện của ông tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và minh bạch mọi quy trình. Ông và đồng nghiệp chỉ cần “ấn nút” là biết tiền sử bệnh tật của bệnh nhân. Ví dụ, bác sĩ muốn biết tình hình bệnh sởi như nào thì phần mền sẽ giúp hệ thống lại diễn biến bệnh sởi, từ nhiệt độ, bạch cầu, men gan, các chỉ số viêm nhiễm để từ đó, bác sĩ sẽ ra quyết định dùng thuốc như thế nào cho người bệnh.

“Trước chúng tôi cần tìm một xét nghiệm thôi đã rất khổ, phải giở đi giở lại hồ sơ bệnh án, đến lúc tổng kết bệnh án, phải ký rất nhiều chữ ký, tôi là người cuối cùng phải ký hồ sơ cho bệnh nhân ra viện, nhiều khi hồ sơ chất đống, phải giở từng tờ để ký. Nếu đi hội chẩn thì các cô điều dưỡng mỗi cô ôm một chồng bệnh án đi hội chẩn, khó quản lý, dễ thất lạc. Đó là chưa kể, bệnh án giấy rất lây nhiễm, lây lan vi khuẩn, virus.

Giờ BV triển khai bệnh án điện tử, chúng tôi nhàn lắm, đi đâu đi người không, không cần cầm cái phim rất to và một chồng bệnh án theo mà vẫn nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân. Bệnh nhân vào viện, chỉ cần chiếc điện thoại để thanh toán chuyển khoản, đỡ hẳn chuyện mất cắp. Một năm, riêng Viện Y học nhiệt đới đã khám, điều trị cho khoảng 10 ngàn bệnh nhân, nhờ công nghệ nên số tiền tiết kiệm không phải là nhỏ”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay.

Không dừng lại ở đó, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp BV Bạch Mai chẩn đoán sớm nhiều bệnh khó. “Với ung thư sớm ở đường tiêu hóa thì nhờ AI, chúng tôi phát hiện ngay người bệnh ung thư ở lớp niêm mạc, khi đó biện pháp điều trị là chỉ cần cắt niêm mạc, bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn, không phải điều trị hóa trị như trước đây”, PGS.TS Đào Xuân Cơ kể.

Còn PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ thêm rằng, BV Bạch Mai đang chủ trì đề tài cấp Nhà nước, cùng các thành viên đến từ Trường ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), BV K, BV ĐH Y Hà Nội, ứng dụng mô hình “học máy”, “học sâu” cùng AI giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm.

“Chúng tôi dựa trên dữ liệu của hàng ngàn bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và chúng tôi đã thành công bước đầu. Nhóm nghiên cứu chúng tôi nhớ mãi một bệnh nhân còn trẻ, 48 tuổi, bị tổn thương nốt mờ ở phổi, kích thước rất nhỏ. Bác sĩ phải đứng trước hai quyết định, lựa chọn giải pháp tiếp tục theo dõi nốt mờ đó thì bệnh nhân phải đối mặt với các nguy cơ tổn thương tăng lên, sẽ xâm lấn và di căn, hay là giải pháp tiến hành can thiệp ngay từ đầu.

Và khi chúng tôi đẩy dữ liệu lên hệ thống AI mà chúng tôi xây dựng thì AI đã dự đoán nguy cơ ác tính từ nốt mờ đó là trên 90%. Vì vậy, chúng tôi đã hội chẩn, quyết định cắt hết tổn thương đó, dù kích thước tổn thương rất nhỏ nhưng đấy là một tổn thương ác tính. Với sự trợ giúp của AI, chúng tôi đã ra quyết định chính xác là phẫu thuật ngay từ giai đoạn sớm.

Hiện bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn, không phải hóa chất, hóa trị, chỉ cần theo dõi, tái khám định kỳ. Đấy là thành tựu hết sức quan trọng của công nghệ, của AI, giúp cho các bác sĩ ra quyết định chính xác, tăng hiệu quả giải quyết công việc, không bỏ sót tổn thương”, PGS Vũ Văn Giáp cho biết và ông bày tỏ mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học, các BV, các viện nghiên cứu để xây dựng giải pháp đó hoàn thiện, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam ngày một tốt hơn.

Rõ ràng, chuyển đổi số đang thay đổi các BV ở mọi mặt, tạo một khí thế làm việc khẩn trương, hiệu quả. PGS.TS Đào Xuân Cơ thẳng thắn nói, chuyển đổi số còn giúp minh bạch mọi quy trình nên tình trạng thất thoát lãng phí trong BV cũng giảm mạnh. Khi bắt đầu minh bạch hóa bằng công nghệ, ông cũng gặp đủ trở ngại. Một số người bị động chạm lợi ích, lại do sự trì trệ bảo thủ, họ nêu đủ khó khăn để chưa bắt tay chuyển đổi số.

“Họ có 1.000 lí do để từ chối không làm, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được. Tôi cử cán bộ chuyên môn xuống từng phòng, khoa hướng dẫn. Ngoài làm công tác tư tưởng cho anh em thì sự quyết tâm quyết liệt của người đứng đầu rất quan trọng. Tôi có những khoa “chim mồi” để lôi cuốn các khoa khác, dần dần mọi người cũng nhận ra giá trị và lợi ích to lớn của chuyển đổi số nên cũng đã đồng thuận.

Thêm nữa, khi minh bạch hóa quy trình mới thấy những lỗ hổng, kẽ hở khiến nhiều vật tư từng bị tiêu hao mà trước đây lãnh đạo không thể nắm bắt, không lí giải được. Nhưng bây giờ với công nghệ hiện đại như này thì hằng ngày chúng tôi đã quản lý được chính xác đầu vào – đầu ra của thuốc men, vật tư, không còn bị thất thoát”, PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ.

Ông còn cho biết thêm, chuyển đổi số còn giúp ích rất lớn trong nghiên cứu khoa học khi tạo ra dữ liệu lớn. Trước đây, thực tiễn là hàng ngàn ca bệnh, các bác sĩ muốn làm đề tài về bệnh A, bệnh B, nhưng bác sĩ tổng kết được bao nhiêu ca, số liệu đấy có công bố được không. Nay thì câu chuyện đã đổi khác. Nhờ công nghệ, BV đã có kho dữ liệu lớn, từ đây sẽ có các công trình nghiên cứu lớn, đảm bảo độ tin cậy, các bác sĩ đủ tự tin nghiên cứu để công bố kết quả trên các tạp chí uy tín.

Nếu anh bảo bệnh A là bệnh hiếm thì tìm trong kho dữ liệu trong vòng 5 năm qua có bao nhiêu trường hợp mắc bệnh A thì sẽ biết được căn bệnh đó có phải bệnh hiếm hay không. Hay ví dụ, mỗi năm BV Bạch Mai có 2.000 ca nhồi máu cơ tim thì giám đốc BV sẽ phải lên kế hoạch mua máy móc đủ để điều trị bệnh; nếu có 1.000 ca đột quỵ trong đó có 500 ca nhồi máu não, 60 ca phải tiêu sợi huyết thì giám đốc BV cũng căn cứ vào đó để có kế hoạch đầu tư máy móc, thuốc men, đào tạo nhân lực.

“Mới đây, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia ra đời, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là Chủ tịch Hiệp hội sẽ là một chiến lược đột phá để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó, ngành Y tế sẽ được hưởng lợi rất nhiều trong quản lý nhà nước, ban hành chính sách vĩ mô chăm sóc sức khỏe người dân. Các nhà chuyên môn như bác sĩ chúng tôi rất cần kho dữ liệu đó, đặc biệt là liên thông dữ liệu. Chúng tôi sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu của BV Bạch Mai với đồng nghiệp và các BV để cùng nhau phát triển”, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ chia sẻ…

Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/chuyen-doi-so-tai-cac-benh-vien-tiet-kiem-hang-tram-ty-nguoi-dan-duoc-loi-i767849/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm