Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia tập đoàn đa quốc gia hiến kế định vị thương hiệu cho TPHCM

"Phở, áo dài, đường bờ biển... tất cả yếu tố này cần được chắt lọc và kết tinh thành một thông điệp rõ ràng, có sức lan tỏa để định vị thương hiệu quốc gia và đô thị” - bà Trần Tuệ Tri, thành viên của AVSE Global chia sẻ.

VietNamNetVietNamNet21/04/2025



Lời tòa soạn: 

Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Nơi đây, dòng chảy đổi mới không ngừng len lỏi vào từng lĩnh vực - từ hạ tầng, công nghệ cho đến cách người dân sống, làm việc và kết nối với thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những bài toán không dễ giải: áp lực dân số, hạ tầng quá tải, biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển giữa nội thành và vùng ven… 

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều quyết sách lớn để tạo thế và lực mới cho đất nước, TPHCM - với vai trò là đầu tàu - cũng cần nhanh chóng "giải” những bài toán của riêng mình với một tầm nhìn dài hạn, bao quát và thực tiễn.

VietNamNet giới thiệu loạt bài “TPHCM: Tháo gỡ những điểm nghẽn để vươn mình trong tương lai”. Đây là tập hợp các đề xuất và tư vấn chiến lược từ các chuyên gia làm việc lâu năm ở các quốc gia phát triển, có góc nhìn toàn cầu nhưng luôn đau đáu với tương lai của thành phố. Tất cả đều chung một mong muốn: TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh, đáng sống, hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc riêng trong dòng chảy toàn cầu hóa. 

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và xây dựng thương hiệu tại các tập đoàn đa quốc gia, bà Trần Tuệ Tri là một chuyên gia dày dạn trong quản lý thương hiệu tiêu dùng và bán lẻ. Bà từng điều hành các thương hiệu toàn cầu bao phủ hơn 40 quốc gia. 

Bà có 15 năm sinh sống và làm việc tại Philippines, Thái Lan và Singapore. Những kinh nghiệm quốc tế sâu sắc đã giúp bà Tri có cái nhìn toàn diện về vai trò của thương hiệu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là câu chuyện định vị thương hiệu cho TPHCM.

Bà Trần Tuệ Tri cho rằng việc xây dựng thương hiệu TPHCM có ảnh hưởng sâu sắc đến thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, và ngược lại. Ảnh: Hoàng Hà

Cần một ‘bản nhạc’ hài hòa cho thương hiệu quốc gia và đô thị

Theo bà Trần Tuệ Tri, thương hiệu quốc gia hay thương hiệu của một thành phố không chỉ là khái niệm mang tính biểu tượng mà còn là công cụ thiết yếu trong chiến lược phát triển dài hạn của một quốc gia. Bà cho rằng việc xây dựng thương hiệu TPHCM có ảnh hưởng sâu sắc đến thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, và ngược lại.

Hiện nay, cả Việt Nam và TPHCM đều đã có thương hiệu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, với câu hỏi quan trọng đặt ra là "Định vị thương hiệu đó là gì?" thì câu trả lời lại chưa rõ ràng.

Bà Tri dẫn ví dụ: Khi nhắc đến Mỹ, người ta sẽ nghĩ đến New York, Washington hay thung lũng Silicon - nơi khởi nguồn “giấc mơ Mỹ”. Singapore gắn liền với khẩu hiệu “Where passion makes possible” - nơi biến đam mê thành hiện thực. Hàn Quốc thì nổi bật với K-Pop.

“Còn khi nhắc đến Việt Nam hay TPHCM, người ta nhớ đến điều gì?” - bà Tri đặt vấn đề.

“Chúng ta có phở, có áo dài, có biển đẹp, có tốc độ phát triển nhanh, có cả Nghị quyết 57 định hướng đất nước bứt phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Tất cả yếu tố này cần được chắt lọc và kết tinh thành một thông điệp rõ ràng, có sức lan tỏa để định vị thương hiệu quốc gia và đô thị”.

Bà Trần Tuệ Tri cho rằng, TPHCM cần định vị thương hiệu rõ ràng. Ảnh: NVCC

Bà nhấn mạnh: “Hiện chúng ta làm thương hiệu rải rác ở nhiều nơi, mỗi bộ ngành một phần và rất nhiều về lượng nhưng chưa có được một chiến lược tổng thể về thương hiệu và tập trung về chất. Đã đến lúc cần một chiến lược và một tổ chức chịu trách nhiệm chỉ huy để ‘bản nhạc thương hiệu’ được hòa quyện và vang lên mạnh mẽ”.

Bài học từ Singapore và Thái Lan

Bà Tri chia sẻ 2 điển hình về cách các quốc gia lân cận xây dựng thương hiệu thành công.

Đó là tại Thái Lan, Chính phủ đã khởi xướng chiến lược “Mỗi gia đình là một sức mạnh mềm”, triển khai đào tạo cho 20 triệu người - tương ứng với 20 triệu hộ gia đình - nhằm nuôi dưỡng năng lực sáng tạo trong các lĩnh vực giải trí, kỹ thuật và công nghệ.

Singapore là một ví dụ điển hình khác. Khi xác định trở thành “đô thị thông minh”, chính phủ nước này không chỉ để các cơ quan công nghệ triển khai mà đã phổ cập kiến thức đến toàn dân. Câu chuyện SingPass là minh chứng: người già được dạy cách sử dụng điện thoại thông minh để truy cập dịch vụ công, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

“Chúng ta có VNeID, còn họ đã có SingPass từ lâu” - bà Tri nói. “Và để một đất nước thực sự phát triển, cần lấy người dân làm trọng tâm. Điều này cũng giống như trong marketing, nguyên tắc 'khách hàng là trọng tâm' là nền tảng”.

Định vị 'TPHCM - Thành phố của cơ hội đột phá'

Hiện tại, TPHCM đang sử dụng khẩu hiệu “Vibrant Ho Chi Minh City” (Sức sống TPHCM) trong các chương trình tiếp thị du lịch. Tuy nhiên, theo bà Tri, đó mới chỉ là định vị trong lĩnh vực du lịch chứ chưa phải là định vị toàn diện cho thành phố.

Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nơi bà Tri là thành viên, đề xuất định vị mới: “TPHCM - Thành phố của cơ hội đột phá”.

Bà lý giải: “Thành phố này, từ 300 năm trước, đã là nơi những người di cư tìm đến để khẩn hoang, tìm cơ hội mới. Khoảng 80% dân số TPHCM là người nhập cư. Điều đó cho thấy nơi đây từ lâu đã là mảnh đất hứa”.

TPHCM là điểm đến của những con người "dám nghĩ dám làm". Ảnh: Nguyễn Huế

“TPHCM là nơi luôn thử nghiệm những cái mới nhất. Khi là người đi sau, thành phố có thể học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và ‘nhảy cóc’ về phía trước” - bà Tri khẳng định. “Giống như Singapore có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại hơn vì họ đi sau các đô thị như New York, Tokyo, London”.

Và một khi đã có định vị thương hiệu, tất cả chính sách, chiến lược - từ kinh tế, văn hóa, du lịch đến công nghệ - đều phải xoay quanh định vị đó, tạo ra một tổng thể hài hòa và đồng nhất.

Cần một câu chuyện hấp dẫn để kể với thế giới

Theo bảng xếp hạng thương hiệu thành phố toàn cầu năm 2024, cả Hà Nội và TPHCM đều nằm trong top 100 dựa trên các tiêu chí về độ nhận biết, uy tín và ảnh hưởng. Hà Nội xếp thứ 82, còn TPHCM ở vị trí 90.

Bà Tri nhận định thứ hạng này phản ánh mức độ nhận diện thương hiệu TPHCM trên toàn cầu còn thấp. Vì vậy, thành phố cần chủ động truyền thông ra bên ngoài và “kể những câu chuyện mới, chứ không chỉ là câu chuyện chiến tranh”.

“TPHCM từng được biết đến với tên gọi Sài Gòn. Một thành phố có 2 cái tên, đó đã là một câu chuyện. Nhưng chúng ta cần thêm những câu chuyện về sáng tạo, đổi mới, vươn lên, để khắc họa một TPHCM năng động và phát triển”.

Ngoài ra, bà Tri nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong xây dựng bản sắc thương hiệu đô thị.

“Giống như Hàn Quốc có K-Pop, Mỹ có Hollywood, Nhật có anime vậy. TPHCM hoàn toàn có thể tạo dấu ấn riêng nếu biết phát huy văn hóa sáng tạo”.

Từ những ví dụ thành công như Singapore (phát triển thương hiệu dựa trên du lịch và kinh tế, có cơ quan điều phối chiến lược thương hiệu quốc gia) đến chiến dịch “I Seoul You” của Hàn Quốc, bà Tri cho rằng TPHCM cần học hỏi để có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản và bài ca thương hiệu có sức lan tỏa toàn cầu.

‘Megacity’ của tương lai và cơ hội từ mở rộng địa giới

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập các tỉnh, thành. Theo bà Tri, đây là cơ hội lớn để tạo ra một TPHCM - “megacity” với tiềm lực kinh tế và phát triển toàn diện hơn.

Việc sáp nhập các tỉnh, thành mở ra cơ hội lớn để TPHCM trở thành một "megacity" có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Ảnh: Hoàng Hà

Hiện tại, TPHCM vẫn chịu mức chi phí vận chuyển, cung ứng khá cao trong khu vực. Việc mở rộng sẽ tạo điều kiện để phát triển hạ tầng cảng biển - yếu tố then chốt giúp thành phố trở thành trung tâm logistics tầm cỡ.

Ngoài ra, khi mở rộng, TPHCM có thể phát triển thêm các loại hình du lịch biển, nghỉ dưỡng bên cạnh các hoạt động truyền thống như ăn uống, mua sắm, trải nghiệm. Nếu mở rộng sang các tỉnh công nghiệp lân cận, thành phố sẽ càng có thêm sức mạnh để cạnh tranh khu vực.

“Một TPHCM mở rộng sẽ không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là một thương hiệu mạnh mẽ hơn trong khu vực và trên thế giới” - bà Trần Tuệ Tri khẳng định.

Bà Trần Tuệ Tri hiện là đồng sáng lập, cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, là một thành viên của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).

Bà từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao của nhiều công ty lớn, công ty đa quốc gia như Unilever, Samsung, P&G, Pharmacity… Bà cũng là tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”. 

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-marketing-tap-doan-da-quoc-gia-hien-ke-dinh-vi-thuong-hieu-cho-tphcm-2390244.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm