Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện ít biết về tác giả ca khúc 'Đất nước trọn niềm vui'

(VTC News) - Khi viết ca khúc ''Đất nước trọn niềm vui'', nhạc sĩ Hoàng Hà đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 ông mới lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn.

VTC NewsVTC News29/04/2025

Đất nước trọn niềm vui là một trong những biểu tượng âm nhạc của ngày Đại thắng, nhưng ít ai biết, nó ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt, được viết nên từ "khát vọng trong tâm hồn" của người nhạc sĩ tài danh Hoàng Hà, thậm chí trước khi cảnh cờ hoa chiến thắng thực sự hiện hữu.

Những ngày cuối tháng 4/1975, không khí Hà Nội sôi động, người dân cả nước, đặc biệt là Thủ đô, theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam từng giờ, từng phút. Nhạc sĩ Hoàng Hà cũng như vậy.

Công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông có điều kiện tiếp cận tin tức nhanh chóng và đầy đủ. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan, cùng đồng nghiệp sống trong không khí "hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng".

Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" vào ngày 26/4/1975.

Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" vào ngày 26/4/1975.

Tin tức quân ta đang thẳng tiến như vũ bão về Sài Gòn dồn dập bay về. Khoảnh khắc nghe tin chiến thắng dồn dập báo hiệu ngày vui trọng đại của dân tộc đang đến rất gần đã tạo nên dòng chảy cảm xúc mạnh mẽ. Niềm xúc động và hạnh phúc vô biên dâng trào trong tâm hồn người nhạc sĩ.

Ngay trong đêm 26/4/1975, tại nhà riêng ở Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Hà đặt bút viết nên ca khúc "Đất nước trọn niềm vui". Bài hát là tiếng lòng chân thật nhất của ông, thể hiện trọn vẹn niềm hạnh phúc khi đất nước sắp hoàn toàn giải phóng, non sông sắp thu về một mối.

Giai điệu rộn ràng, tươi sáng, ca từ hân hoan, đầy khí thế như chính tên gọi của nó: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Nói về ''lai lịch'' ca khúc, sinh thời nhạc sĩ Hoàng Hà cho biết: "Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi rất xúc động, nghĩ một khi chiến dịch được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết "Đất nước trọn niềm vui" với những câu nghĩ về Bác: "Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân...".

Sáng 27/4/1975, nhạc sĩ Hoàng Hà đem bản thảo ca khúc Đất nước trọn niềm vui đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc lập tức được đón nhận. Nhạc sĩ Nguyễn An, Tổ trưởng Biên tập nhạc lúc đó, đã đọc, duyệt và giao ngay cho nhạc sĩ Triều Dâng, hòa âm phối khí gấp rút cho kịp lên sóng. Nghệ sĩ Trung Kiên (sau là NSND Trung Kiên) là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này.

Một điều đặc biệt về quá trình sáng tác là ở thời điểm đặt bút viết bài hát, nhạc sĩ Hoàng Hà vẫn chưa được tận mắt chứng kiến cảnh "rừng cờ chiến thắng hay cảnh muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay" trên phố phường Sài Gòn.

Niềm vui trong bài hát là niềm vui trong tâm hồn, là ước mơ, là khát vọng mãnh liệt của ông về ngày thống nhất non sông. Ông tin rằng, niềm vui chiến thắng này không chỉ riêng ông mà hàng triệu người dân Việt Nam cũng sẽ cùng cảm nhận trọn vẹn khi tin chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh đã dồn dập bay tới khắp mọi miền Tổ quốc.

Theo nhạc sĩ Hoàng Hà, thời điểm sáng tác ca khúc ấy chỉ có một ngày nhưng là kết tinh của cả một quá trình, một đời người. Khi viết, ông đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 mới... lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn.

Bản thu đầu tiên ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" do NSND Trung Kiên thể hiện.

Bản thu âm đầu tiên của Đất nước trọn niềm vui nhanh chóng được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, mang theo không khí hân hoan đến mọi miền đất nước. Sau đó, bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng ngày 1/5/1975, cùng với ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên lan tỏa niềm vui thống nhất khắp miền Nam vừa giải phóng.

Nếu Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là bài hát xuất sắc trong thể ca khúc quần chúng thì Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà cũng đạt được tiêu chuẩn đó trong thể ca khúc nghệ thuật.

Giai điệu bài hát như "niềm vui đã được dồn nén lâu lắm rồi", nay gặp thời khắc lịch sử hân hoan mà "vang lên từng nhịp". Ca từ như "nhảy múa hát ca", "reo rắc niềm vui" cho người nghe, người hát, với "niềm vui lấp lánh trên mỗi ca từ". Chính điều này giúp ca khúc dễ dàng đi vào lòng người và sống mãi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng (1929-2013), quê gốc Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông làm việc ở văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, Phúc Yên. Hoàng Hà gắn bó nhiều với công tác văn hóa ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1962, ông về học ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam – nơi ông cống hiến và cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc giá trị.

Trước Đất nước trọn niềm vui, nhạc sĩ Hoàng Hà nổi tiếng với nhiều bài hát như: Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn... Tuy nhiên, Đất nước trọn niềm vui càng khẳng định thêm tài năng của ông và chiếm trọn cảm tình của khán, thính giả cả nước, trở thành một trong những bài hát đồng hành cùng năm tháng và sống mãi trong lòng công chúng.

Ca khúc Đất nước trọn niềm vui không chỉ là tác phẩm âm nhạc, mà còn là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng âm thanh của ngày non sông thu về một mối. Tên bài hát về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về đề tài sự kiện 30/4/1975, cho thấy tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của tác phẩm.

Lê Chi - Vtcnews.vn

Nguồn:https://vtcnews.vn/chuyen-it-biet-ve-tac-gia-ca-khuc-dat-nuoc-tron-niem-vui-ar940401.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm