Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện kể Ngày Giải phóng Ðà Lạt : Một trang sử hòa bình

Những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến, Đà Lạt vẫn khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng, êm đềm và thơ mộng. Buổi sáng, chợ Đà Lạt vẫn tấp nập, quán cà phê vẫn tỏa hương thơm ngát, quyến rũ bước chân lữ khách. Đêm về, những phòng trà, vũ trường vẫn rộn rã tiếng đàn, tiếng hát. Nhưng đằng sau vẻ đẹp bình yên ấy, là những con sóng ngầm đang cuộn trào. Đà Lạt, không chỉ là một thành phố mộng mơ, mà còn là một thành phố của những trái tim quả cảm, sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho tự do và độc lập. Và rồi, ngày 3/4/1975, khúc ca hùng tráng ấy đã vang lên, giải phóng Đà Lạt, mở ra một trang sử mới cho thành phố ngàn hoa.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng29/04/2025

Đà Lạt vừa tổ chức thành công Festival Hoa lần thứ X
Đà Lạt vừa tổ chức thành công Festival Hoa lần thứ X

Đà Lạt mộng mơ nhỏ bé ẩn mình giữa cao nguyên Lâm Viên, trước năm 1975 là trung tâm văn hóa, giáo dục và nghỉ dưỡng lớn của miền Nam. Nhưng ẩn sau vẻ đẹp thơ mộng ấy là một Đà Lạt sục sôi tinh thần đấu tranh cách mạng, nơi những người con ưu tú - trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước đã âm thầm góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc.

Trong ký ức của ông Nguyễn Tri Diện - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cũng là một người con Đà Lạt đã từng tham gia hoạt động cách mạng trong Đội Công tác Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Đà Lạt thì những ngày tháng 3/1975 là một khúc tráng ca hào hùng. Từ ngày 20/3, ông và nhiều đồng đội được giao nhiệm vụ: Điều tra kho tàng địch, in và tổ chức rải truyền đơn kêu gọi vùng lên, tổ chức bảo vệ những mục tiêu sống còn của thành phố. Viện Pasteur, Trường Võ Bị, Nhà máy nước, kho xăng dầu, chợ Đà Lạt... tất cả đều nằm trong tầm mắt của những người con Đà Lạt kiên trung. Không chỉ vậy, họ cũng chính là đôi mắt, là đôi chân, sẵn sàng dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào Đà Lạt.

Sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ, Đà Lạt trở thành ốc đảo cô lập giữa vòng vây chiến thắng. Quân địch suy sụp, tinh thần tan rã. Chính vì vậy, trong những ngày 27, 28/3/1975, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng kêu gọi Nhân dân đứng lên khởi nghĩa được ta tung ra khắp thành phố. Những tờ truyền đơn của Mặt trận Giải phóng, như những cánh chim báo bão, bay khắp thành phố, kêu gọi người dân đứng lên. Người dân Đà Lạt bàng hoàng, nhưng trong tim họ, ngọn lửa hy vọng vẫn cháy rực, những người con của Đà Lạt vẫn kiên trung bám trụ, sẵn sàng cho giờ phút lịch sử.

Sáng 31/3, các cánh quân của ta tiến về giải phóng Nha Trang. Đêm 31/3, trước nguy cơ sụp đổ, ngụy quân, ngụy quyền vội vã tháo chạy khỏi Đà Lạt. Khuya 31/3, rạng sáng 1/4, người dân Đà Lạt bị đánh thức bởi những tiếng nổ và đám cháy lớn do địch tiến hành phá hủy tài liệu và một số kho tàng, vật tư, kho đạn ở Núi Bà, sân bay Cam Ly, Trường Võ Bị và rút chạy khỏi Đà Lạt. Tiếp đó là tiếng còi hú, tiếng gầm rú của đủ loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải, xe con nối đuôi nhau xuôi đèo Prenn tháo chạy về Ninh Thuận, Bình Thuận.

Vào ngày 1/4/1975, ở các ấp vùng ven, lực lượng vũ trang và các đội công tác khẩn trương vào tiếp quản, xúc tiến thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 1/4/1975, lực lượng vũ trang và các đội công tác nhanh chóng tiếp quản vùng ven, thành lập chính quyền cách mạng ở xã Xuân Trường, Trại Mát, Sào Nam, Tây Hồ, Tự Phước, Đa Thành, Đa Phú... Ngày 2/4, tại trung tâm thành phố, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc rạp Hòa Bình, giữa tiếng reo hò vang dội của người dân.

Sáng 3/4/1975, lúc 8 giờ 20 phút, lá cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên Tòa hành chính Tuyên Đức, thị xã Đà Lạt, đánh dấu giờ phút lịch sử: Đà Lạt hoàn toàn giải phóng. Đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố, được dẫn đường bởi những chàng trai, cô gái Đà Lạt, hình ảnh ấy thật hào hùng và xúc động.

Đà Lạt giải phóng, một chiến thắng đặc biệt bởi không đổ máu, không mất điện, mất nước. Các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh tế được tiếp quản nguyên vẹn.

Theo lời kể của ông Nguyễn Tri Diện và đồng đội của ông, trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, Đà Lạt không chỉ có những người con ưu tú đứng lên cầm súng, mà còn có biết bao người dân bình dị, âm thầm góp sức. Họ là những người mẹ, người chị, người bà, lặng lẽ nuôi giấu, bảo vệ những chiến sĩ cách mạng, những học sinh, sinh viên yêu nước. Họ là những người cha, người chú, âm thầm tiếp tế lương thực, thuốc men, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển.

Có những người đã ngã xuống, mang theo niềm tin và hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Cũng có cả những người dù đứng ở bên kia chiến tuyến, nhưng trái tim vẫn hướng về quê hương, âm thầm ủng hộ phong trào yêu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà về một mối. Tình yêu nước của họ, sự hy sinh thầm lặng của họ, là những đóa hoa không tên, tô điểm cho trang sử vàng của Đà Lạt. Công lao của họ, dù không được ghi danh trên những trang sách, nhưng sẽ mãi mãi được khắc ghi trong trái tim của những người yêu nước, yêu tự do. Họ là những người hùng thầm lặng, đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.

Sau giải phóng, Đà Lạt cùng cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình. 50 năm đã trôi qua, Đà Lạt đã vươn mình mạnh mẽ, từ một thành phố chủ yếu là nông nghiệp, nay đã trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, xóa bỏ thế "ốc đảo trên cao". Kinh tế phát triển vượt bậc, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nông nghiệp công nghệ cao đưa Đà Lạt trở thành "thủ phủ rau, hoa" của cả nước. Đà Lạt ngày nay cũng là nơi hội tụ của tri thức, với hơn 20 cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. 

Đà Lạt hôm nay, một thành phố yên bình, vẫn giữ được vẻ đẹp thơ mộng, nhưng năng động, hiện đại hơn, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của những người con của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/chuyen-ke-ngay-giai-phong-a-lat-mot-trang-su-hoa-binh-df10945/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm