Sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên địa bàn xã Thiệu Tiến.
Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, từ sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, đơn vị chức năng và người dân, ngành nông nghiệp huyện Thiệu Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Việc ứng dụng KHCN, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất được đẩy mạnh; nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành như: mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao tại thị trấn Thiệu Hóa với quy mô gần 220ha của Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng (115,8ha), Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng (86ha) và hộ gia đình ông Trần Hợp Cường (18ha); mô hình sản xuất mía nguyên liệu của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hợp (13ha), các hộ dân xã Thiệu Thịnh (50ha); mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình ông Vũ Đình Cung, xã Thiệu Long (3ha); mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (2ha), HTX hữu cơ Thiệu Trung (4ha)...
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo xã Thiệu Hợp, thực hiện chủ trương cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp của huyện, đến nay trên địa bàn xã đã có 16 máy cày, bừa lớn, 9 máy cấy ngồi, 12 máy gặt đập liên hợp và 1 thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là điều kiện, nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới những cánh đồng “không dấu chân”. Hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất sản xuất lúa của xã Thiệu Hợp đạt trên 95%; thu hoạch lúa trên 90%, trong đó máy gặt đập liên hợp 100%; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV đạt 30% diện tích. Đánh giá từ HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hợp cho thấy, việc sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều tiện ích, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... Ví như một máy cấy bốn hàng có thể cấy được 3ha/ngày, tương đương với 45 người cấy tay. Máy cấy giúp lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh, đồng thời làm lúa đẻ nhánh sớm và khỏe hơn, năng suất cao hơn so với cấy tay. Hay như việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/sào/lần phun, so với phun thủ công là 50 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, việc phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững...
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng KHCN, cơ giới hóa vào sản xuất, huyện Thiệu Hóa đã tập trung đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai sản xuất theo quy mô lớn. Đến nay diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất quy mô lớn trong toàn huyện đã đạt 942ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Viên, Thiệu Giao. Trong đó sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt gần 250ha; 42ha sản xuất rau an toàn; hơn 14ha nhà màng sản xuất các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao... Đối với việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, qua thống kê của phòng chuyên môn, hiện toàn huyện có 193 máy gặt đập liên hợp, 210 máy cấy; diện tích mạ khay đạt 3.375ha/vụ. Những địa phương tiêu biểu trong đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đưa cơ giới hóa vào sản xuất phải kể đến như, thị trấn Thiệu Hóa, thị trấn Hậu Hiền, các xã Thiệu Công, Thiệu Thành, Thiệu Hợp, Thiệu Trung, Thiệu Viên, Thiệu Chính...
Bên cạnh tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn, huyện Thiệu Hóa cũng đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng KHCN và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn và hoa trong nhà màng; hỗ trợ kích cầu mua máy gieo hạt, máy cấy và thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp... Tổng kinh phí hỗ trợ kích cầu cho sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện là từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thiệu Hóa, từ nguồn kinh phí này cùng với sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, sự vào cuộc của các hộ nông dân, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng và khẳng định ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của sản phẩm; góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bài và ảnh: Phong Sắc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/co-gioi-hoa-va-ung-dung-khcn-trong-nbsp-san-xuat-nong-nghiep-o-huyen-thieu-hoa-248556.htm
Bình luận (0)