Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội vàng để phát triển kinh tế nông nghiệp

Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) có 143.000 ha quế; 16.046 ha chè; 23.831 ha cây ăn quả, trong đó 5.993 cây ăn quả ôn đới; 8.875 ha cây dược liệu; gần 1.500 ha cây dâu tằm; tổng đàn gia súc chính trên 1,5 triệu con.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai04/07/2025

Nếu trục động lực sông Hồng là xương sống với các quy hoạch đô thị, giao thông, thương mại, công nghiệp thì phía tả ngạn sông Hồng (phía Đông Bắc) tỉnh Lào Cai (mới) có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Sau hợp nhất tỉnh, những lợi thế riêng về nông nghiệp hai địa phương được hội tụ, bổ trợ và tạo cơ hội lớn để tăng tốc, bứt phá bằng mô hình kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.

co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-1.png

Đối với tỉnh Lào Cai (cũ) xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu, cần thiết phải có chiến lược bài bản. Sau khi tập hợp trí tuệ tập thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai (cũ) đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 7 ngành hàng chủ lực (chè, cây dược liệu, chuối, quế, dứa, kinh tế đồi rừng, chăn nuôi lợn), 4 ngành hàng tiềm năng (cây ăn quả ôn đới, cây dâu tằm, cây quýt và chăn nuôi gia súc, gia cầm). Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu.

co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-2.png

Sau hơn 3 năm thực hiện, tỉnh Lào Cai (cũ) đã xây dựng các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung phục vụ chế biến với 8.620 ha chè, 2.445 chuối, 2.450 ha dứa, 4.755 ha cây dược liệu, trên 61.000 ha quế, 5.040 ha cây ăn quả ôn đới… hàng trăm mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi, ứng dụng kỹ thuật cao đã hình thành.

Ngành nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế Lào Cai, đóng góp trên 12% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 18.000 lao động ở khu vực nông thôn và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản hàng năm đạt 10.000 tỷ đồng.

Tỉnh Yên Bái (cũ) cũng đạt nhiều thành tựu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” thuần túy sang “kinh tế nông nghiệp” toàn diện.

Tỉnh đã xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chuyên canh, như: Gỗ rừng trồng, quế, sơn tra, măng tre Bát độ, chè, cây ăn quả, cây dâu tằm... Các hình thức tổ chức sản xuất không ngừng được đổi mới theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và liên doanh liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 620 cơ sở tham gia hoạt động thu mua, chế biến nông, lâm sản.

co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-3.png

Chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực và những chuỗi liên kết sản xuất được duy trì, hoạt động có hiệu quả, điển hình như: Các chuỗi trồng dâu, nuôi tằm; chuỗi sản xuất sản phẩm tre măng Bát độ; chuỗi sản xuất chè, chuỗi sản xuất quế hữu cơ...

Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của Yên Bái đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu… đã giúp người sản xuất tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,56%, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21,62% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

7.png

Trước hợp nhất, nhiều năm qua 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái đã đẩy mạnh hợp tác trong phát triển nông nghiệp, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vùng nguyên liệu (quế, chè, cây ăn quả...); sản xuất giống và phát triển thủy sản; quản lý, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn nước.

Giữa hai tỉnh luôn có sự phối hợp tốt trong công tác kết nối thông tin, đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Việc hợp nhất hai tỉnh giúp mở rộng diện tích đất canh tác, cho phép tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, đa dạng về chủng loại cây trồng, đồng bộ về chất lượng, có khả năng cung cấp nhiều loại nông sản khác nhau cho thị trường.

Theo đó, sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) có diện tích đất nông nghiệp 1.159.762 ha, chiếm 87,48% tổng diện tích đất tự nhiên. Các vùng nguyên liệu hàng hóa của tỉnh hiện nay cơ bản đã gắn với hệ thống cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gồm 858 hợp tác xã (Yên Bái 532 hợp tác xã, Lào Cai 326 hợp tác xã), 188 doanh nghiệp (Yên Bái 126 doanh nghiệp, Lào Cai 62 doanh nghiệp). Việc liên kết không chỉ góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông sản, mà còn tạo đà phát triển bền vững cho kinh tế nông thôn.

co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep.png

Để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng cao và bền vững; khai thác tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và đặc sản địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu, với những mặt hàng chuối, dứa, gỗ sau chế biến, dược liệu,… theo hình thức chính ngạch.

co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-4.png

Cùng với đó, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết qua hợp tác xã, doanh nghiệp, áp dụng số hóa, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, đầu tư vào chế biến sâu và xuất khẩu; xây dựng, triển khai các mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển chăn nuôi và trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và chủ động tham gia thị trường tín chỉ các-bon.

Trình bày: Hoàng Thu

Nguồn: https://baolaocai.vn/co-hoi-vang-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-post647899.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm