Theo dữ liệu cập nhật của CoinMarketCap ngày 2/7, tổng vốn hóa thị trường tài sản số toàn cầu đạt 3.270 tỷ USD, với hơn 500 triệu người dùng từng sở hữu hoặc giao dịch ít nhất một loại tài sản mã hóa. Dự báo quy mô tài sản thực được token hóa (chuyển đổi dữ liệu nhạy cảm hoặc quyền sở hữu tài sản thành một dạng ký hiệu kỹ thuật số - RWA) sẽ đạt gần 19.000 tỷ USD, chiếm tới 10% tổng GDP toàn cầu vào năm 2033 (theo báo cáo của Boston Consulting Group).
Những con số ấn tượng này phản ánh vị thế ngày càng quan trọng của tài sản số trong hệ thống tài chính quốc tế. Không chỉ là công cụ đầu tư, tài sản mã hóa đang định hình lại cách thức vận hành của thị trường vốn, tạo điều kiện tiếp cận tài chính rộng mở hơn và thúc đẩy làn sóng đổi mới trong nhiều lĩnh vực.
Tài sản số, tài sản mã hóa và tiền số được pháp luật công nhận tại Luật Công nghiệp Công nghệ số (Ảnh minh họa: National Economy Newspaper).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường tài sản mã hóa vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và là cơ hội “chia đều” cho mọi nền kinh tế, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bằng cách xây dựng một hành lang pháp lý cởi mở, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro và ổn định vĩ mô, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của tài sản số, tạo ra đột phá mạnh mẽ, thay đổi vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ - tài chính toàn cầu.
Từ quản lý hành chính sang thúc đẩy sáng tạo
Tính đến tháng 5, theo báo cáo của Atlantic Council - một tổ chức tư vấn chiến lược có trụ sở tại Mỹ, 45 trong số 75 quốc gia tham gia khảo sát (tương đương 60%) đã hợp pháp hóa tài sản số, tăng thêm 12 quốc gia so với thời điểm tháng 8/2024. Điều này phản ánh xu hướng luật hóa tài sản số đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một số nền kinh tế như Hồng Kông hay Thái Lan đều có khung pháp lý đầy đủ để quản lý thị trường tài sản mã hóa theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo hơn là quản lý hành chính đơn thuần.
Từ năm 2024, Thái Lan miễn thuế VAT với giao dịch tài sản mã hóa qua sàn hợp pháp, tiến tới miễn thuế thu nhập cá nhân nếu giao dịch qua nền tảng được cấp phép từ 2025–2029. Đây là minh chứng rõ ràng cho tư duy mở cửa và đánh giá cao vai trò của tài sản số như một kênh đầu tư chiến lược.
Trong khi đó, tại các trung tâm tài chính toàn cầu khác, tài sản mã hóa cũng nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt. Cụ thể, Singapore thực hiện chính sách không đánh thuế lãi vốn đối với tài sản số, tạo điều kiện ổn định cho nhà đầu tư cá nhân. Thụy Sĩ lại tiếp cận theo hướng phân loại tài sản số là tài sản chịu thuế tài sản, nhưng miễn thuế với các giao dịch không mang tính thương mại.
Việt Nam đi sau nên có cơ hội học hỏi, nghiên cứu các điểm mạnh từ những mô hình quản lý hiện tại. Nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng và tiếp cận theo hướng cởi mở, linh hoạt, trên cơ sở tham khảo các mô hình chính sách quốc tế, chắc chắn sẽ xây dựng được một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Bước tiến tích cực của hành lang pháp lý tài sản số Việt Nam
Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số vào ngày 14/6 là một dấu mốc có tính bước ngoặt. Đây là một trong những đạo luật đầu tiên trên thế giới được thiết kế riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số, bao trùm các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tài sản số. Tầm nhìn của đạo luật không chỉ nằm ở việc “điều chỉnh” mà còn định hướng cho việc “kiến tạo” – từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến các nền tảng công nghệ độc lập, bền vững và sẵn sàng hội nhập.
Cần phải kể thêm, ngày 12/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg về danh mục công nghệ và sản phẩm công nghệ chiến lược. Trong đó, blockchain và ba nhóm sản phẩm liên quan, bao gồm: Tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng mạng Blockchain; hệ thống truy xuất nguồn gốc được xác định là công nghệ chiến lược, sản phẩm công nghệ chiến lược.
Các văn bản này đều cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và quyết định số 1236 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Atlantic Council, mặc dù có 45 quốc gia trên thế giới đã hợp thức hóa tài sản số, nhưng chỉ 28 quốc gia trong số này có đủ bốn tiêu chí toàn diện, gồm: (1) thuế; (2) cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT); (3) bảo vệ người dùng và (4) cấp phép.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang có cơ hội để hoàn thiện khung pháp lý toàn diện và phù hợp ở giai đoạn sớm, không chỉ đảm bảo tính thực thi hiệu quả, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu xu hướng phát triển của thị trường tài sản mã hóa toàn cầu.
Đặc biệt, việc triển khai mô hình sàn giao dịch tài sản số thí điểm đang rất được cộng đồng blockchain quan tâm. Đây là bước đi tất yếu để kiểm nghiệm chính sách trong môi trường thực tế. Đơn cử như Thái Lan đã triển khai mô hình tương tự tại khu du lịch Phuket, cho phép sử dụng tài sản số trong các hoạt động du lịch dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ. Một số quốc gia khác như Thụy Sĩ cũng cho phép thanh toán bằng tài sản số tại một số khu vực nhất định theo mô hình “thí điểm quy mô nhỏ – kiểm soát chặt chẽ – từng bước mở rộng”, với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, thu hút dòng tiền quốc tế và tích lũy kinh nghiệm chính sách.
Tại Việt Nam, các địa phương có cơ chế đặc thù và tiềm lực công nghệ như TPHCM và Đà Nẵng - những nơi sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế - hoàn toàn có thể đóng vai trò “vùng thử nghiệm”, từ đó đúc rút kinh nghiệm để mở rộng quy mô trên cả nước. Sự tham gia chủ động từ phía chính quyền địa phương sẽ là yếu tố then chốt giúp mô hình thí điểm vận hành hiệu quả và tạo được sự tin tưởng từ phía người dân.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tài sản số là một lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Do đó, việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về blockchain, tài sản mã hóa và kinh tế số cần được xem là ưu tiên chiến lược trong giai đoạn tới.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp công nghệ, cũng cần chủ động nâng cao năng lực pháp lý, hiểu rõ và cập nhật thường xuyên các quy định có liên quan để từ đó điều chỉnh hoạt động một cách phù hợp. Điều này không những giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý mà còn tạo điều kiện để phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo trong khuôn khổ cho phép, góp phần thúc đẩy sự đổi mới, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xem việc tuân thủ là một phần trong chiến lược phát triển bền vững, chứ không chỉ là trách nhiệm bắt buộc.
Khi các yếu tố trên được triển khai đồng bộ, cộng hưởng với một khung pháp lý rõ ràng, thị trường tài sản số sẽ được thúc đẩy phát triển, góp phần định hình tương lai kinh tế số Việt Nam phát triển vững mạnh.
Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng – cơ hội để chuyển hóa tiềm năng tài sản số thành giá trị kinh tế thực tiễn, bền vững và đột phá, góp phần định hình tương lai tài chính – công nghệ và tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế số Việt Nam.
Tác giả: Ông Phan Đức Trung là người tiên phong về Ứng dụng Blockchain tại Việt Nam, đặc biệt trong Fintech và Tài sản thực được token hóa (RWA). Ông đã đóng góp các ý kiến quan trọng về tài sản số trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Hiện ông Trung là Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII. Ông còn là Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT DeCom Holdings, tổ chức chuyên đầu tư vào các ứng dụng blockchain và tài sản số. Ông cũng là người lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain với trên 35.000 thành viên, nhằm chia sẻ kiến thức blockchain đến cộng đồng. Trước đó, ông có hơn 20 năm là lãnh đạo cấp cao tại các định chế tài chính ngân hàng, quỹ đầu tư và tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, như Techcombank, GPBank, TPbank, FPT,…
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/co-hoi-vang-thi-diem-tai-san-so-o-viet-nam-20250704170745574.htm
Bình luận (0)