Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lý (80 tuổi), ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang cách bến đò C xưa chỉ vài trăm mét. Bà dẫn tôi theo con đường đất gồ ghề ra những thửa ruộng xanh mướt cạnh bờ sông. "Ngày trước có 4 bến đò nối hai bờ Nam - Bắc Bến Hải. Nhưng chỉ có bến đò C là không đưa người đi chiến đấu, mà chỉ đón người bị thương, hy sinh trở về lại Vĩnh Linh. Vì thế, bến đò này đau đáu hơn, buồn hơn, và cũng lặng lẽ hơn mọi bến đò khác", giọng bà Lý nghèn nghẹn cho biết.

Là một trong những người từng trực tiếp làm nhiệm vụ chèo đò, cõng cáng thương binh, đưa tử sĩ về hậu cứ, bà Lý vẫn còn nguyên ký ức về những chuyến đò trong bóng tối. "Đi đêm, không đèn, không tiếng động. Một ánh sáng le lói như đom đóm cũng đủ khiến địch bắn pháo từ Dốc Miếu", bà trầm ngâm nhớ lại: "Chúng tôi cứ thế, mò mẫm chân tay dưới bùn, lặng lẽ gọi nhau khi chạm được xác bộ đội, rồi cùng nhau đưa về Đồng Sỏi để chôn cất".
Giai đoạn 1972 là thời điểm thương vong lớn. Có đêm, bà Lý cùng hàng trăm dân quân, du kích được chia thành nhiều tốp, mỗi tốp cáng hàng chục lượt thương binh, tử sĩ. "Có hôm tôi đi đến 11 - 12 ca liền, người khỏe thì còn vác thêm ba lô. Có thương binh còn thoi thóp, chúng tôi cố đưa đến nơi có quân y. Còn tử sĩ thì đưa về chôn ngay tại địa phương để kịp rút lui trước pháo kích", bà kể, đôi mắt bà đau đáu với bờ sông.
Ông Nguyễn Văn Thi (86 tuổi), cùng ở xã Vĩnh Giang, nguyên Tổ trưởng Tổ đò bến C, vẫn khắc khoải nhắc về những ngày tháng khốc liệt. Ông từng trực tiếp chỉ huy những chuyến đò tải đạn, cáng thương và không ít lần cùng đồng đội vào các điểm nóng thu gom thi thể bộ đội. "Nhớ nhất là trận ở đồi 31, Gio Linh. Địch vây kín, phía ta hy sinh nhiều. Phải đến 4 ngày sau, chúng tôi mới gom được khoảng 40 - 50 thi thể. Có xác chôn rồi vẫn bị bom cày xới tung lên, đau xót lắm!", giọng chùng xuống, ông Thi kể.
Ở xã Vĩnh Giang còn có bà Ngô Thị Thọ, thương binh 1/4, cũng là người từng tham gia đưa đò qua Bến Hải, vẫn nhớ như in những khuôn mặt trẻ măng trở về bến đò C trong thinh lặng. "Bến A, bến B thì đưa người đi đánh giặc. Bến C thì đưa người về, mà toàn các anh mười tám, đôi mươi. Nhìn xót lắm", bà rưng rưng đôi mắt khi nhớ lại. Bà từng chèo tay hàng chục chuyến đò trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, giữa làn đạn và khói lửa.
Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Giang cho hay, sách lịch sử Đảng bộ địa phương ghi lại, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên tuyến sông từ Cửa Tùng, xã Vĩnh Quang qua Tùng Luật, xã Vĩnh Giang lên Hói Cụ, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) có 4 bến đò nối liền hai miền Nam - Bắc. Trong đó, bến A - Vĩnh Quang và B - Tùng Luật là trọng điểm, vì là nơi tập kết phần lớn lực lượng, vật tư từ miền Bắc vào Nam. Từ đây, hàng hóa, vũ khí, quân y, bộ đội… vượt sông trong đêm tối, bí mật băng qua chiến tuyến. Và cũng từ đây, thương binh, tử sĩ sau những trận đánh khốc liệt được đưa ngược trở lại miền Bắc, về hậu phương.
Đến tháng 5/1967, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt. Số lượng thương binh, tử sĩ từ mặt trận phía Nam chuyển ra ngày càng nhiều. Để giảm thiểu áp lực tâm lý cho lực lượng chiến đấu vượt sông, một bến đò mới được lập tại thôn Cổ Trai (nay là thôn Cổ Mỹ), cách bến Tùng Luật hơn 1km về phía Tây. Bến này mang tên bến đò C, chuyên biệt phục vụ việc tiếp nhận thương binh, tử sĩ. Một điểm đón không tiếng súng, không cờ xí, nhưng chất chứa bao khúc bi tráng.
Bến đò C được bố trí 3 trung đội tác chiến, có sự phân công rõ ràng. Các đơn vị Tân Sơn, Tân Mỹ, Cổ Mỹ, Di Loan đảm trách tải thương; đơn vị Tùng Luật trực tiếp vận hành bến đò B và C. Trong khoảng thời gian từ 1968 - 1972, hai bến này đã đưa đón hơn 1.382 lượt bộ đội, dân quân, dân công hỏa tuyến, tiếp nhận và vận chuyển 8.112 thương binh, tử sĩ, giúp hơn 2.000 dân vượt sông lánh nạn, thực hiện 251 chuyến tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ…

Theo ông An, hiện nay, nhiều địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt "Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải" đã được đầu tư tu bổ, trong khi bến đò C vẫn chưa được phục dựng, là điều đáng buồn.
Rời bến đò C, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vĩnh Giang. Tấm bia Tổ quốc ghi công cao hơn 16 mét, một mặt vẫn giữ nguyên dấu vết bom đạn loang lổ, là chứng tích của chiến tranh. Bà Lý bước đi chậm rãi, giọng trầm buồn khi nhắc lại chuyện xưa: "Vào cao điểm, nơi đây từng có hơn 2.000 liệt sĩ yên nghỉ. Tất cả đều chiến đấu, hy sinh ở bờ Nam, sau đó được đưa về đây qua bến đò C. Ngoài bến đò B, thì bến đò C cũng là nơi ghi dấu những câu chuyện bi tráng của quân dân Vĩnh Giang. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn sớm tập hợp tư liệu, phục dựng lại di tích này, để không bị lãng quên theo thời gian".
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, theo Quyết định 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bến đò C là một trong 6 điểm thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt "Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải". Tuy nhiên, khi cầu Hiền Lương được trùng tu khang trang, khi bến Tùng Luật được đầu tư phục dựng, thì bến đò C vẫn đang là một… "khoảng trắng" trong bản đồ ký ức. Nhiều đoàn khách, kể cả học sinh địa phương đi qua mà không biết nơi đây từng là một trong những điểm tiếp nhận thương binh, tử sĩ lớn nhất của tuyến lửa Vĩnh Linh. Hiện, đơn vị đã đưa vào quy hoạch phục hồi bến đò này và đang chờ cấp trên phê duyệt…
Nếu một ngày bến đò C được dựng lại, không chỉ bằng vật liệu xây dựng, mà còn bằng ký ức và lòng tri ân, thì đó sẽ không chỉ là phục dựng một di tích, mà còn nối lại nhân tâm đã từng âm thầm giữ lấy nghĩa đồng bào giữa lòng sông chia cắt!
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/co-mot-ben-do-c-ben-dong-ben-hai-i767719/
Bình luận (0)