Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Có những mùa tri ân

Ở xóm nhỏ của tôi, tháng Bảy không có tiếng ve, không có phượng vĩ đỏ rực như trong sân trường. Tháng Bảy ở đây bắt đầu bằng những trận mưa đổ về thấm đẫm lối mòn đất đỏ.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh22/07/2025

Mưa cũng làm dịu đi cái nóng hầm hập sau những ngày mùa, để những con đường đất dẫn ra cánh đồng bỗng trở nên mềm mại hơn. Và cứ thế, năm nào cũng vậy, khi cơn mưa đầu mùa dội xuống, mẹ tôi lại nhắc: “Sắp đến ngày thắp hương ông rồi đấy”.

Ngày ấy - 27/7 - với tôi, hồi nhỏ chẳng gợi lên điều gì to tát. Tôi chỉ biết đó là ngày mà cả xóm rủ nhau lên nghĩa trang nằm nép bên triền đồi cuối làng. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác bàn tay mẹ nắm chặt tay tôi len qua đám cỏ dại ướt sương, tay kia ôm bó hoa huệ còn dính nhựa. Những đứa trẻ như tôi chỉ háo hức vì sau buổi viếng mộ, thể nào cũng được chia cho cái kẹo, cái bánh nhét vào túi áo như một cách thưởng công ngoan ngoãn.

Ngày ấy tôi chẳng hiểu gì về hai chữ “liệt sĩ”. Tôi chỉ nhớ ông ngoại tôi - người mà tôi chưa từng được gặp - nằm ở một trong những nấm mộ trên đồi. Tên ông khắc sâu trên tấm bia đá, dòng quê quán còn rõ, nhưng năm hy sinh đã bị rêu xanh bám kín. Bà ngoại tôi thường ngồi rất lâu trước bia, tay vuốt mấy bông cỏ lau mọc chơ vơ bên cạnh. Có năm mưa lớn, đường trơn, bà ngã, nhưng vẫn gắng gượng bám gậy chống, chỉ để được lên đồi thắp nén nhang.

Lớn lên thêm chút nữa, tôi mới hiểu vì sao mẹ hay dặn tôi đi cùng. Mẹ nói: “Để con nhớ mình còn nợ một lời cảm ơn”. Hóa ra, sự bình yên mà tôi thở, tôi đi học, tôi lớn lên êm đềm - đều mang ơn những người đã nằm xuống. Những người thanh niên năm ấy ra đi với lời hẹn quay về, nhưng hẹn ước chỉ còn lại trong ký ức của người ở lại.

Đoàn viên, thanh niên phường Tân Ninh (tỉnh Tây Ninh) thành kính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Tố Tuấn)

Những chiều 27/7, khi phố thị đã lên đèn, ở xóm tôi, thanh niên mặc áo xanh tình nguyện cầm theo đuốc tre đi từng con hẻm nhỏ, gõ cửa từng nhà, mời các cụ già ra tham dự lễ tri ân liệt sĩ. Áo ai cũng ướt sũng mồ hôi, tay đen nhẻm vì khói đuốc nhưng mắt long lanh. Trong ánh lửa leo lét, tôi nghe tiếng bác trưởng thôn kể chuyện những ngày hành quân, chuyện gạo độn bo bo, chuyện vết thương không băng kịp máu đã loang áo trận. Chuyện nghe mãi, năm nào cũng nghe, vậy mà không cũ.

Ngày nay, phố xá thay đổi nhanh lắm. Ở đầu làng tôi, con đường đất năm nào đã được đổ bê tông phẳng lỳ. Những ngôi nhà mái tôn cũ kỹ được thay bằng mái ngói đỏ tươi, những chiếc xe máy dựng san sát. Nhưng mỗi dịp tháng Bảy, những bước chân tri ân vẫn còn đó. Nghĩa trang liệt sĩ vẫn nằm khiêm nhường trên đồi, vẫn là nơi để những người như mẹ tôi, bà tôi và thế hệ của tôi - dắt theo con cái mình - bày tỏ một lời hứa thầm: Sẽ không quên.

Có năm tôi về quê muộn, đêm 27/7, nghĩa trang đã vắng, chỉ còn lác đác vài nén nhang đỏ lụi. Tôi ngồi xuống bên mộ ông ngoại, bâng quơ nhặt cỏ dại quanh bia, lòng tự dưng ấm lên vì mùi nhang trầm còn vương. Tôi nghĩ, dù bận rộn đến mấy, chúng ta cũng sẽ tìm về. Có thể không cùng một ngày, không cùng một giờ, nhưng có hương khói là có người nhớ. Tri ân, đôi khi chỉ cần thế.

Và với tôi, tri ân còn là để nhắc mình sống sao cho xứng đáng với phần đời họ đã gửi lại trong đất. Để ta hiểu mỗi bữa cơm, mỗi bước chân, mỗi tiếng cười - không chỉ là của riêng ta, mà còn là của những người chưa kịp trở về.

Ngày 27/7 không phải ngày lễ hội, không có pháo hoa rực rỡ, càng không có những bài hát nhộn nhịp. Đó là ngày của những nén nhang nghi ngút khói, của mùi hoa cúc, hoa huệ trắng ngần. Là ngày của những cụ già run run bàn tay xếp lại chân nhang, của những đứa trẻ ngơ ngác nhìn hàng bia khuyết tên, của những thanh niên lặng lẽ cúi đầu trước tấm bia đã sẫm màu thời gian. Là ngày mà ký ức được gói lại, trao từ người này sang người khác, chẳng cần ồn ào mà vẫn đủ đầy.

Ngày mai, ngày kia, rồi tháng Bảy cũng qua, mưa cũng dứt, nắng sẽ lên và phố xá lại nhộn nhịp như chưa từng có cơn mưa nào ghé qua. Nhưng ở xóm nhỏ tôi, sẽ còn đó một ngọn đồi im lặng, một nghĩa trang nằm lẫn trong rặng phi lao, sẽ còn những nén nhang cắm vội, cháy đỏ trong gió chiều. Và tôi tin, dù 50 năm hay 100 năm nữa, sẽ vẫn còn những bước chân không tiếng, những lời khấn không thành câu - nhưng ấm hơn bất cứ bài ca nào về lòng biết ơn.

Có một mùa tri ân như thế, lặng lẽ, bền bỉ, thấm vào đất, vào người. Và sẽ không bao giờ mất đi./.

Đức Anh

Nguồn: https://baotayninh.vn/co-nhung-mua-tri-an-a192390.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm