Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Liên kết thúc đẩy phát triển du lịch địa phương

Liên kết được xem là một trong những chìa khóa thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch vừa kết nối, mở rộng thị trường du khách. Trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi về không gian phát triển, các địa phương cũng tăng cường hoạt động liên kết du lịch. Trong tiến trình hội nhập, TP Cần Thơ đẩy mạnh liên kết du lịch với nhiều hình thức đa dạng, có trọng điểm.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ23/07/2025

Liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch

Quảng bá, xúc tiến là hoạt động thường xuyên mà ngành du lịch địa phương thực hiện để kết nối và mở rộng thị trường du khách hằng năm. Theo đó, các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp được chia sẻ, kết nối.

Quảng bá, xúc tiến du lịch trước khi hợp nhất của TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng tại Huế vào tháng 5.

Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó tạo kết nối hữu ích cho doanh nghiệp và địa phương trong cụm du lịch vùng. Nổi bật là hoạt động xúc tiến, quảng bá tại Huế của TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng trước khi hợp nhất; hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch trong không gian mới khi TP Cần Thơ hợp nhất.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ, cho biết: “Tháng 5 vừa qua, chúng tôi có cuộc quảng bá, xúc tiến du lịch tại Huế. Đây là tiền đề để chúng tôi nắm bắt và đánh giá các tiềm năng du lịch của địa phương cũng như sự quan tâm của thị trường miền Trung đối với miền Tây. Trong tháng 7, chúng tôi có buổi trưng bày sản phẩm mới của các địa phương khi đã hợp nhất thành TP Cần Thơ. Tại đây, các doanh nghiệp du lịch có cơ hội gặp gỡ, kết nối và chia sẻ để cùng gắn kết xây dựng sản phẩm mới cho du lịch thành phố”.

Những hoạt động trên diễn ra trước và sau khi TP Cần Thơ hợp nhất, đều có sự tham gia của cả 3 địa phương, cho thấy sự chủ động của ngành Du lịch thành phố nhằm thích ứng với tình hình mới. Theo đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng đổi mới, năng động hơn, chuyển quyền chủ động cho các doanh nghiệp du lịch địa phương nhiều hơn.

Cụ thể, hoạt động B2B (gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) được kết hợp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu chia sẻ giới thiệu sản phẩm cùng nhau, từ đó thúc đẩy liên kết hợp tác hiệu quả.

Bà Ngô Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty du lịch Ngô Phương Đông (Cần Thơ), nhìn nhận: “Hoạt động B2B trong hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch của TP Cần Thơ tại Huế là sự đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch chúng tôi kết nối và chia sẻ nhiều sản phẩm, dịch vụ cùng nhau, truyền tải điểm mới ở Huế, miền Trung đến ĐBSCL và ngược lại”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Thùy, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kỳ Như (Hậu Giang cũ), nói: “Đây là lần đầu tôi tham gia hội nghị xúc tiến, quảng bá về du lịch, trong đó có hoạt động thiết thực là để các doanh nghiệp chúng tôi được tự giới thiệu, giao lưu và kết nối với nhau”.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Sự vào cuộc, thống nhất của TP Cần Thơ trong công tác xúc tiến, quảng bá tại Huế cho thấy sự chủ động trong các hoạt động du lịch của các địa phương. Nhiều cơ hội mở ra, huy động nguồn lực tập trung hơn, tạo nên sức mạnh tổng hợp và truyền thông quảng bá điểm đến đa dạng, hiệu quả. Qua đó, từng bước đẩy mạnh kết nối thị trường, chuỗi liên kết điểm đến giữa hai khu vực ĐBSCL và Bắc Trung Bộ, trong đó Cần Thơ và Huế đóng vai trò trung tâm”.

Như vậy, sự hợp lực liên kết trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp vừa phát huy tối đa nguồn lực, đồng thời làm mới, đa dạng cách thức quảng bá, tiếp cận thị trường hiệu quả hơn trong bối cảnh mới, không gian mở rộng.

Liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, chia sẻ: “TP Cần Thơ hiện nay có không gian mở rộng về quy mô, diện tích, cơ sở hạ tầng… là lợi thế và điều kiện để phát triển du lịch. TP Cần Thơ hiện nay có nhiều khu, điểm du lịch, lưu trú, làng nghề đa dạng, theo đó sản phẩm du lịch sẽ có nhiều điểm nhấn hơn. Chúng tôi đang rà soát tổng hợp lại sản phẩm du lịch của các địa phương, trên cơ sở đó xem điểm nổi bật là gì để chuẩn bị cho công tác xây dựng sản phẩm mới, phát huy giá trị tài nguyên du lịch mỗi địa phương, tạo sản phẩm liên kết đặc trưng thu hút du khách”.

Ông Trần Thanh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Nụ Cười Mê Kông (TP Cần Thơ), cho rằng: “Trong không gian mới, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng về du lịch. Việc khảo sát và xây dựng lại sản phẩm du lịch là phải làm, nhất là với các đơn vị lữ hành như chúng tôi. Tuy nhiên quá trình xây dựng và đưa ra sản phẩm đến du khách thường phải có thời gian để nghiên cứu và đánh giá. Khi hợp nhất, Cần Thơ hiện nổi bật với các tài nguyên về sinh thái, văn hóa, biển, như vậy việc xây dựng sản phẩm sẽ dễ hơn và có nhiều trải nghiệm cho du khách khám phá. Tuy nhiên để làm được hệ thống sản phẩm mới thì cần sự chung tay của nhiều phía: chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân làm du lịch”.

Ông Trần Thanh Thái ví dụ cụ thể về quá trình xây dựng sản phẩm du lịch tour Đám giỗ bên cồn ở cồn Sơn. Với sản phẩm này, công ty ông đã khảo sát và kết nối với nhiều hộ dân làm du lịch cồn Sơn trong hơn 6 tháng, từng bước hoàn thiện và đưa tour ra thị trường. Sản phẩm này được hình thành dựa trên phân tích thị trường, xu hướng “đám giỗ bên cồn” từ mạng xã hội kết hợp khai thác giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, đồng thời dựa trên phản hồi của du khách. Như vậy, sản phẩm vừa mang màu sắc riêng vừa tiếp cận được du khách.

“Tương tự với Cù Lao Dung hay Lung Ngọc Hoàng, chúng tôi cũng thấy nhận thấy tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch mang màu sắc độc đáo nhưng hiện nay việc tiếp cận các điểm này còn hạn chế về hạ tầng cơ sở, cách quản lý điểm đến. Do đó, chúng tôi cũng cần các cơ chế hỗ trợ từ chính quyền. Việc xây dựng sản phẩm du lịch là phải dựa trên cộng đồng liên kết mới phát huy hiệu quả”, ông Trần Thanh Thái nói thêm.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Không gian du lịch của các địa phương ở ĐBSCL đã thay đổi khi có sự thay đổi về địa giới hành chính. Do đó, các địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống quy hoạch du lịch tương thích với không gian phát triển của tỉnh, thành mới, từ đó định hình các tuyến, điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của vùng, khu vực. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành mới, trong đó ưu tiên du lịch xanh, sinh thái, cộng đồng; chú trọng xây dựng chương trình hành động chung, thúc đẩy liên kết vùng”.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, thông tin ngành Du lịch thành phố đang tham mưu và xây dựng chương trình du lịch năm 2025-2026, trong đó chú trọng hoàn thiện các sản phẩm du lịch, các điểm đến, đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, thu hút khách. Hiện ngành Du lịch Cần Thơ đã vận động, liên kết cùng các doanh nghiệp du lịch xây dựng và đưa ra 150 gói kích cầu, đồng thời xây dựng kế hoạch khảo sát sản phẩm mới, hướng tới xây dựng liên tuyến sản phẩm ngày, đêm trong không gian du lịch mới.

Liên kết luôn là một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn để thúc đẩy phát triển du lịch. Không chỉ giúp đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, liên kết còn là tiền đề mở ra nhiều cơ hội kết nối thị trường, các cơ chế thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng thông qua du lịch.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lien-ket-thuc-day-phat-trien-du-lich-dia-phuong-a188775.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm