Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội từ gian khó vươn lên

BDK.VN - Theo “Khát vọng Bến Tre 2025” của nhóm tác giả Võ Thành Hạo (chủ biên), Phan Văn Mãi và Trần Ngọc Hải, sau ngày giải phóng, Bến Tre trong hoang tàn, đổ nát; cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội bị bom đạn tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, tỉnh đã vận dụng kinh nghiệm và bài học từ Đồng khởi 1960 để khơi dậy và huy động toàn lực lượng vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương, xây dựng, phát triển kinh tế sau chiến tranh. Để lập thành tích kỷ niệm 17 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 2-1-1977, phát động phong trào Đồng khởi mới.

Báo Bến TreBáo Bến Tre27/04/2025

Chất lượng hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên.

Từ phong trào Đồng khởi mới

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU (1977-1979), tỉnh đã giành được thắng lợi to lớn toàn diện trên các mặt; cơ bản giải quyết tốt các vấn đề khó khăn, phức tạp lúc bấy giờ. Giai đoạn này, tỉnh đã tập trung cao cho việc sản xuất, cứu đói, chăm lo đời sống nhân dân. Các công trình thủy lợi ngăn mặn, tiêu nước, tiêu úng đảm bảo cho tăng vụ, thâm canh cây trồng, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh. Để giải quyết kịp thời nạn đói (1977 - 1978), tỉnh khuyến khích người dân tận dụng đất trồng cao lương, khoai mì, cây màu. Đồng thời, khôi phục lại vườn dừa và đẩy mạnh đánh bắt thủy sản. Kết quả, tỉnh không những đáp ứng được nhu cầu nạn thiếu đói cho nhân dân mà còn làm nghĩa vụ nộp về Trung ương trên 7 ngàn tấn lương thực.

Bên cạnh đó, tỉnh còn cố gắng rất nhiều trong chăm lo các mặt đời sống văn hóa, tinh thần và các vấn đề xã hội sau chiến tranh. Tỉnh đã thực hiện tốt việc phân phối thuốc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, học hành, tổ chức vui chơi, giải trí cho trẻ em và người lớn…thông qua các phong trào bình dân học vụ, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp; cũng như thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ đều đạt kết quả tích cực trong điều kiện cụ thể lúc bấy giờ.

“Khát vọng Bến Tre 2025” nhận định: Cuộc Đồng khởi mới giai đoạn 1977 - 1997 là bước khôi phục lại sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, tạo tiền đề ban đầu về cơ sở vật chất, tinh thần cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành tựu có ý nghĩa lớn nhất là khôi phục lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, vượt qua nạn đói 1977-1978, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, giai đoạn này đã tạo nền tảng cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội (giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm xá), an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm. Hệ thống chính trị, nhất là công tác xây dựng Đảng không ngừng lớn mạnh. Cuộc Đồng khởi mới đã tạo nền tảng vật chất, chính trị, tinh thần quan trọng cho giai đoạn tiếp theo”.

Đến những công trình thế kỷ

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong cuộc Đồng khởi mới giai đoạn 1977 - 1997, Tỉnh ủy khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 5-12-1997 về tổ chức kỷ niệm những ngày lịch sử năm 2000, phát động phong trào thi đua Đồng khởi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Nhiều công trình dự án được đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Từ năm 1989, bằng sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh, sự đầu tư của Trung ương, lưới điện quốc gia đã vượt sông Tiền, rồi vượt sông Hàm Luông về 3 dãy cù lao. Đây được xem là công trình thế kỷ. Với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mạng lưới điện từng bước phủ khắp các địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Đến cuối năm 2014, có 99,8% hộ sử dụng điện sinh hoạt (Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2015), góp phần quan trọng trong làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của hàng triệu người dân Bến Tre.

Cũng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã tiếp tục làm nên cuộc Đồng khởi về giao thông. Cả tỉnh đã trở thành một công trường làm giao thông nông thôn rộng lớn. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn phát triển và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Hơn 300 ngàn km đường đá đỏ, đường bê-tông, đường nhựa được xây dựng. Hàng ngàn cây cầu bê-tông cốt thép đã thay thế “cầu khỉ”. Điểm nhấn trong giai đoạn này là ngày 19-1-2009, cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền nối liền đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre được khánh thành.

Một năm sau, ngày 17-1-2010, cầu Hàm Luông nối liền hai cù lao Bảo - Minh được thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng đúng dịp 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-2010).

Năm 2014, cầu Cổ Chiên hoàn thành, nối liền Bến Tre - Trà Vinh, mở ra tuyến đường giao thông ven biển phía Đông, nối Bến Tre với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc nhựa hóa, bê-tông hóa; cầu yếu được xóa, tháo nút cổ chai trên tuyến đường 883, 884…. “Thành tựu Đồng khởi mới trên lĩnh vực giao thông là vô cùng lớn, tạo điều kiện cho tỉnh hội nhập, thu hút đầu tư và phát triển nhanh cùng các tỉnh trong khu vực”, “Khát vọng Bến Tre 2045” khẳng định.

Phát triển nông nghiệp toàn diện

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, tỉnh đã sớm xác định mục tiêu phấn đấu là lấy nông nghiệp phát triển toàn diện làm cơ sở, đẩy nhanh việc mở rộng diện tích, tăng năng suất lương thực, kiên quyết duy trì, giữ vững diện tích dừa, cây ăn quả. Đồng thời, phát triển chăn nuôi, ngư nghiệp, lâm nghiệp gắn nông nghiệp với công nghiệp và thủ công nghiệp; ra sức phát triển thủy lợi; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa sản xuất đi dần vào chiều sâu, nhằm đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao trên mảnh đất tương đối hẹp của tỉnh.

Qua 10 năm phấn đấu gian khổ (1975 - 1985), nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành quả khá cơ bản. Diện tích trồng lúa từ 60.000ha đã tăng lên 90.000ha; sản lượng từ 180 ngàn tấn tăng lên 450 ngàn tấn. Bình quân lương thực tính theo đầu người tăng từ 260kg (1975) lên 380kg (1984).

Diện tích dừa từ 18.000ha (1976) tăng lên 40.000ha (1985); sản lượng từ 20 triệu trái/năm tăng lên 120 triệu trái/năm. Song song đó, phong trào nuôi xen, trồng xen trên vườn, tạo hệ thống canh tác nhiều tầng để tăng thêm thu nhập, hiệu quả trên một diện tích.

Sau cây dừa, cây mía đã có bước phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này. Bến Tre trở thành một trong những tỉnh có diện tích mía lớn của đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 9.300ha (1983).

Cây ăn trái cũng là một nguồn lợi quan trọng của tỉnh, ước khoảng 9.000ha, chiếm 6% diện tích đất canh tác. Cây ăn trái không những phong phú về chủng loại mà có giá trị về chất lượng. Riêng chuối có diện tích gần 5.000ha, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh.

Từ sau giải phóng, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và tăng về số lượng. Đàn trâu bò từ 35 ngàn con (1975) tăng lên 66 ngàn con (1984), đàn heo từ 60 ngàn con tăng lên 220 ngàn con, gia cầm từ 1,28 triệu con tăng lên 2,17 triệu con.

Trong quan hệ sản xuất dần dần bộc lộ những dấu hiệu không phù hợp với lực lượng sản xuất, nên trong giai đoạn 1985 - 1990, nông nghiệp Bến Tre nói riêng cũng như bức tranh kinh tế của tỉnh đã bộc lộ những yếu kém, tốc độ phát triển chựng lại.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới được đề ra trong Đại hội Đảng cộng sản lần thứ VI, tỉnh đã đề ra những biện pháp khắc phục hạn chế, nhược điểm cùng cả nước có những đổi mới về chủ trương, chính sách, hướng đi, xây dựng lại quy hoạch phát triển thời kỳ 1996 - 2000, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với việc cải tiến và nâng cao trình độ quản lý. Từ đổi mới về chính sách, cơ chế đã thúc đẩy nông nghiệp tỉnh phát triển tương đối toàn diện, với tốc độ nhanh hơn, kết hợp hài hòa và cân đối giữa kinh tế ruộng, kinh tế vườn, kinh tế biển gắn với chăn nuôi, gắn nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu.

Sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây, kinh tế được đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo công bố của Cục Thống kê tỉnh về số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát huy những thành tựu trong gần 40 năm đổi mới, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục trong xu hướng phục hồi tích cực và đạt một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Năm 2024, GRDP ước tăng 5,68% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,6% của năm 2023. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng 10,59%, đóng góp 2,24 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng 6,29%, đóng góp 2,29 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 2,12%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,73%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 4,25%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,96 điểm phần trăm. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tăng 6,29%, cao hơn mức tăng 5,13% của năm 2023.

Năm 2024, kinh tế đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa. Cụ thể: Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 33,79%. Khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 20,76%. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,93%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,52% (Cơ cấu của năm 2023: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 34,46%; khu vực công nghiệp xây dựng 20,20%; dịch vụ 41,76% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,57%). GRDP bình quân đầu người trong năm 2024 ước 56,8 triệu đồng/người, tăng 9,16% so năm 2023.

Thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, hiện toàn tỉnh có 118 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (TC), 8 xã đạt 10 - 14 TC và không còn xã đạt dưới 10 TC, trung bình đạt 18,7 TC. Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ước đến tháng 6-2025 (lũy kế từ đầu năm), tỉnh công nhận được 13 xã đạt chuẩn NTM (đạt 260% so kế hoạch), 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 100% so kế hoạch), 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 200% so kế hoạch).

Trong 118 xã đã đạt chuẩn NTM, có 49 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục trong xu hướng phục hồi tích cực và đạt một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: Các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn được triển khai hiệu quả, bảo vệ được thành quả sản xuất và góp phần duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ đạt khá. Kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, lượng khách và doanh thu du lịch đều tăng so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt khá cao so với năm trước. Các hoạt động văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được nâng chất. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Bài, ảnh: Trần Quốc

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/co-so-ha-tang-kinh-te-xa-hoi-tu-gian-kho-vuon-len-27042025-a145840.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm