Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người giữ tiếng chiêng cho buôn làng

Suốt 20 năm qua, bằng tình yêu, niềm đam mê với tiếng chiêng của đồng bào Ê đê, nghệ nhân Y Hy (thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) đã miệt mài thực hiện nhiều việc làm cụ thể nhằm giữ gìn, phát huy giá trị của nhạc cụ cồng chiêng. Để đến hôm nay, số lượng người biết sử dụng cồng chiêng trong các buôn làng ở xã Ninh Tây ngày càng nhiều hơn. Tiếng chiêng lại ngân vang, lan xa từ buôn làng đến núi rừng đại ngàn.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa27/04/2025

Tâm huyết với văn hóa truyền thống dân tộc

Ở xã Ninh Tây, nghệ nhân Y Hy là người có chức sắc, uy tín đối với đồng bào Ê đê. Đó không chỉ đơn thuần bởi ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, mà còn bởi ông là người rất có tâm huyết với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Từng nhiều lần đến nhà ông Y Hy, mỗi lần chúng tôi lại bất ngờ với những việc ông làm, cách ông trân quý những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Còn nhớ, đầu năm 2020, nghệ nhân Y Hy đã rất vui khi thành lập được đội cồng chiêng tập hợp những người có niềm yêu thích nhạc cụ này để cùng nhau tập luyện, biểu diễn những bài chiêng truyền thống của đồng bào Ê đê. Ông cũng sưu tầm, giữ gìn được những bộ chiêng đồng có giá trị và chất lượng âm thanh tốt. Tháng 11-2024, sau nhiều năm tích cóp, nghệ nhân Y Hy đã dựng xong ngôi nhà dài theo kiểu truyền thống của người dân Ê đê. Ngôi nhà là nơi để ông trưng bày những vật dụng, dụng cụ lao động, nhạc cụ của đồng bào Ê đê như: Gùi, nỏ, xà gạc, ché rượu cần, cồng chiêng, kèn đinh năm… Đặc biệt, nơi đây đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân ở các buôn làng trong xã Ninh Tây. Mỗi dịp cuối tuần hay vào ngày lễ, Tết, người ta lại nghe tiếng cồng chiêng vang vọng, ngân nga và lan tỏa từ chính ngôi nhà dài này. “Từ nhỏ, tôi đã được ama (cha) truyền dạy cho những bài chiêng, cách nhận biết một bộ chiêng tốt và điều đó đã thấm vào tâm hồn tôi. Sau này, khi ama không còn, tôi vẫn tự tập luyện những bài chiêng, kỹ năng sử dụng chiêng để hiểu rõ hơn những cung bậc, âm sắc, tiết tấu của từng chiếc chiêng”, nghệ nhân Y Hy cho biết.

Nghệ nhân Y Hy dành tình cảm sâu sắc đối với nhạc cụ cồng chiêng của dân tộc mình.
Nghệ nhân Y Hy dành tình cảm sâu sắc đối với nhạc cụ cồng chiêng của dân tộc mình.

Đặc điểm nổi bật trong cách diễn tấu cồng chiêng đó là có sự tham gia của nhiều người, mỗi người sử dụng một chiếc chiêng riêng và cùng nhau ngồi trên Kpan (ghế dài truyền thống của người Ê đê) để tấu lên những thanh âm khác nhau. Mỗi tiếng chiêng phát ra từ những chiếc chiêng như một lời đối thoại, tâm tình của người đánh thông qua sự va đập của các nhóm tiết tấu khác nhau. Bộ chiêng của người Ê đê thường có 5 chiếc bằng, tượng trưng cho các thành viên trong gia đình và có trình tự từ lớn đến nhỏ, gồm: Bõh knăh phun (chiêng ông), bõh knăh hleang (chiêng cha), bõh điết hluoe khơk (chiêng con trai), bõh điết hluoe hliang (chiêng cháu) phối hợp cùng với 2 chiếc chiêng có núm mà người Ê đê gọi là mđũ ana hong mung. Bộ chiêng gồm 7 chiếc như trên cùng hòa thanh với tiếng trống H’gơr tạo nên những bản hòa tấu trầm hùng, bay bổng. “Người Ê đê thường diễn tấu chiêng trong nhà dài. Hiện nay, tôi đang nắm giữ những bài chiêng truyền thống của đồng bào Ê đê như: “Tông hong klei drai êa” (tiếng vọng của thác nước); “Tông hong klei ứ êpa, ứ êpa”, “Bơ yơh, bơ yơh”, “Kơtap dum anăn” (những bài chiêng có nội dung động viên mọi người vươn lên trong cuộc sống)…”, nghệ nhân Y Hy chia sẻ. 

Phát huy những giai điệu cồng chiêng

Không chỉ tự mình nắm giữ, rèn luyện những bài chiêng, nghệ nhân Y Hy còn tìm đến những già làng, người có uy tín ở các buôn làng trong xã Ninh Tây để mời gọi mọi người cùng động viên dân làng học đánh chiêng, sử dụng một số loại nhạc cụ khác của dân tộc Ê đê. Từ đó, số lượng người biết sử dụng cồng chiêng ngày càng tăng, đây cũng là điều kiện cần thiết để nghệ nhân Y Hy cùng các già làng thực hiện phục dựng lại một số lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi… Trong những lễ hội đó, không thể thiếu màn biểu diễn hòa tấu cồng chiêng. Nhờ đó, trong mấy năm gần đây, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê đê trên địa bàn xã Ninh Tây có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, một số loại chiêng đặc trưng của người Ê đê ở tỉnh Khánh Hòa như chiêng kok, chiêng gông đã được khôi phục, biểu diễn trở lại.

“Hồi trẻ tôi cũng từng được học đánh chiêng, thổi kèn đinh năm. Nhưng sau này, do điều kiện cuộc sống nên cũng bỏ bê một thời gian dài. Gần đây, tôi được nghệ nhân Y Hy động viên, mời tham gia đội chiêng, vừa được sống lại với sở thích một thời, vừa góp sức trong việc giữ gìn nhạc cụ của dân tộc mình”, ông Y Ty (thôn Buôn Đung) cho biết. Với anh Y Suk (thôn Buôn Lác), từ lúc theo học nghệ nhân Y Hy cách sử dụng chiêng kok đã trở nên yêu thích nhạc cụ này. “Tôi được nghệ nhân Y Hy động viên tham gia đội cồng chiêng của xã, được tập luyện, đi biểu diễn phục vụ mọi người. Sau này, tôi học thêm cách sử dụng chiêng kok và thấy yêu thích ngay. Tiếng chiêng kok không ngân nga, vang vọng như chiêng đồng, nhưng lại gần gũi, giản dị”, anh Y Suk chia sẻ.

Một bộ chiêng có giá trị của nghệ nhân Y Hy.
Một bộ chiêng có giá trị của nghệ nhân Y Hy.

Với những nỗ lực của mình, nghệ nhân Y Hy đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những giai điệu cồng chiêng trong cuộc sống hôm nay. Thông qua việc tổ chức được đội cồng chiêng, đến nay nghệ nhân Y Hy đã vận động thành lập được đội văn nghệ ở một số thôn. Các thành viên trong đội văn nghệ không chỉ trình diễn hòa tấu cồng chiêng mà còn biểu diễn kèn đinh năm, đinh tút, hát dân ca, múa truyền thống của đồng bào Ê đê… Mỗi thanh âm của tiếng chiêng và các loại nhạc cụ khác hòa với tiếng hát, điệu múa như sợi dây gắn kết tình cảm của người dân lại với nhau. Để từ đó những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Ê đê tiếp tục được trao truyền, gìn giữ. Với nghệ nhân Y Hy, ông đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân của tỉnh thống nhất đề xuất lên Hội đồng cấp bộ để xét danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

GIANG ĐÌNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/nguoi-giu-tieng-chieng-cho-buon-lang-b5a32fc/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm