Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Con đường trỗi dậy kinh tế của Hàn Quốc - một số vấn đề gợi mở từ phương diện chính sách

TCCS - Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, việc nghiên cứu, tham khảo và vận dụng kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa quan trọng phục vụ yêu cầu phát triển thời gian tới. Việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm Hàn Quốc, một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc là cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản23/07/2025

Một số khía cạnh lý thuyết về con đường phát triển kinh tế quốc gia

Để tìm hiểu quá trình phát triển vượt bậc của nền kinh tế Hàn Quốc từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, từ đó gợi mở một số vấn đề về phương diện chính sách, trước hết cần làm rõ một số khía cạnh lý thuyết về phát triển kinh tế liên quan mật thiết đến cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Về cơ bản, sự phát triển của một nền kinh tế quốc gia có thể trải qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 ứng với tình trạng kém phát triển của nền kinh tế, thường đi cùng bối cảnh lịch sử - xã hội lạc hậu. Lúc này, một nền kinh tế có thể vướng phải bẫy nghèo khiến tình trạng nghèo đói kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Giai đoạn 2 diễn ra sau khi nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy nghèo. Trong thời gian này, nền kinh tế thị trường phát triển nhanh theo hướng chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, với tỷ trọng ngày càng tăng của các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong tổng sản lượng và việc làm. Giai đoạn 3 ứng với sự vươn lên mạnh mẽ và trở thành nền kinh tế phát triển với thu nhập cao. Để đạt được sự bứt phá này, các nền kinh tế cần tiếp tục thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều yếu tố then chốt liên quan đến năng suất các nhân tố tổng hợp, như đổi mới mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực điều tiết của nhà nước và quản lý của doanh nghiệp,...

Kiểu tăng trưởng 1 là tăng trưởng do công nghiệp hóa dẫn dắt hoặc tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn. Nếu một nền kinh tế quá phụ thuộc vào kiểu tăng trưởng này và không chịu đổi mới để tăng năng suất, nó có thể sa vào kiểu tăng trưởng 2, nghĩa là bị mắc kẹt trong bẫy tăng trưởng chậm do việc sử dụng vốn ngày càng trở nên kém hiệu quả. Không xét tới kiểu tăng trưởng 3 (phi công nghiệp hóa) do ít có giá trị liên hệ với Hàn Quốc, kiểu tăng trưởng 4 là hướng đi giúp các nền kinh tế tránh được bẫy tăng trưởng chậm để vươn lên thành nền kinh tế phát triển theo mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp tăng nhanh đi cùng với việc sử dụng vốn hiệu quả để tạo nên sự tăng trưởng cân bằng, bền vững cho nền kinh tế(1)

Về lý thuyết, sau khi đã đạt mức thu nhập trung bình cao, các quốc gia có thể chỉ cần một khoảng thời gian không dài (khoảng 15 năm) để đạt được mức thu nhập cao nếu tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt từ 5% trở lên. Trên thực tế, việc bứt phá để trở thành nền kinh tế phát triển có thu nhập cao là thách thức với rất nhiều quốc gia(2). Từ năm 1950 đến năm 2011, xác suất một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp bị mắc kẹt ở cấp độ này trong ít nhất 20 năm lên tới 90%, xác suất tương ứng với một nền kinh tế thu nhập trung bình cao cũng lên tới 65% và chỉ một số ít có thể trở thành nền kinh tế phát triển(3)

Ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc_Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nhìn lại con đường phát triển kinh tế của Hàn Quốc

Từ đầu thập niên 1960 đến cuối thế kỷ XX: Chủ nghĩa phát triển với sự dẫn dắt của nhà nước và tập đoàn kinh tế lớn.

Để có được sự phát triển kinh tế vượt bậc, Hàn Quốc đã phải trải qua lịch sử phát triển với nhiều thăng trầm. Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dù Hàn Quốc vẫn giữ được độc lập về chính trị, nhưng về kinh tế, nước này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như nền tảng khoa học kỹ thuật lạc hậu, trình độ sản xuất và giáo dục yếu kém, sự tàn phá nặng nề của chiến tranh,...

Bước sang thập niên 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc bắt đầu đạt được tiến bộ nhanh chóng. Việc Tổng thống Park Chung-hee lên nắm quyền năm 1961 được coi là dấu mốc khởi đầu cho quá trình phát triển vượt bật của nước này. Thời kỳ 1961 - 1979, chính quyền của Tổng thống Park Chung-hee đã có đóng góp đặc biệt quan trọng trong kỳ tích chung của nền kinh tế Hàn Quốc. Các chính quyền tiếp theo đều nhất quán duy trì khát vọng và nỗ lực vươn lên theo chủ nghĩa phát triển, giúp Hàn Quốc đạt trình độ thu nhập trung bình cao từ nửa sau thập niên 70 của thế kỷ XX và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao từ năm 1995 trở đi.

Được khái quát hóa bằng nhiều tên gọi khác nhau(4), con đường phát triển mà Hàn Quốc theo đuổi trong thời kỳ này được diễn ra với tốc độ “thần kỳ” thông qua rất nhiều chính sách khác nhau, nổi bật nhất là các Kế hoạch kinh tế 5 năm do chính phủ đề ra trong thời kỳ 1962-1995, với nội dung khái quát như sau:

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966) có mục tiêu tập trung vào công nghiệp dệt may, giúp Hàn Quốc có khả năng tự cung tự cấp với các chính sách tiêu biểu, như quốc hữu hóa tất cả ngân hàng thương mại và cho phép hệ thống ngân hàng kiểm soát tín dụng; cung cấp khoản vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp nhẹ để phục vụ xuất khẩu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1967-1971) chuyển hướng sang công nghiệp nặng, thu hút FDI và cải thiện kết cấu hạ tầng cơ bản. Chính sách tiêu biểu là hiện đại hóa cơ cấu công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp thay thế, ngành thép, máy móc, các ngành công nghiệp hóa chất.

Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1972-1976) định hướng xuất khẩu, tập trung vào khu vực kém phát triển và chú trọng công nghiệp nặng hóa chất với các chính sách tiêu biểu, như  thúc đẩy các ngành sắt thép, giao thông vận tải, điện tử gia dụng, đóng tàu và hóa dầu; cung cấp nguyên liệu thô và vốn cho ngành công nghiệp mới; phát triển ngành công nghiệp mới ở phía nam đất nước.

Kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1977-1981) định hướng phát triển các ngành công nghiệp cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu công nghiệp thế giới với các chính sách tiêu biểu, như tập trung vào các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ và lao động có tay nghề cao, như chế tạo máy, điện tử và đóng tàu; tiếp tục chú trọng các ngành công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng quy mô lớn, như sắt, thép, hóa dầu và kim loại màu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1982-1986) hướng đến chuyển đổi trọng tâm từ các ngành công nghiệp nặng và hóa chất sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Kế hoạch này đã dồn lực cho việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi độ chính xác cao, như gia công cơ khí, thiết bị viễn thông,...

Kế hoạch 5 năm lần thứ sáu (1987-1991) tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển hướng sang các ngành công nghệ cao. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc đẩy nhanh tự do hóa nhập khẩu thông qua việc loại bỏ nhiều hạn chế, rào cản phi thuế quan đối với nhập khẩu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy (1992-1995) tạo đà quan trọng để Hàn Quốc bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới đối với các ngành công nghệ cao tiêu biểu, như vi điện tử, hóa chất tinh chế, vật liệu mới, công nghệ sinh học, quang học, hàng không vũ trụ,... Sự hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp đã giúp phát triển rộng ngành công nghiệp mũi nhọn tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc(5).

Các kế hoạch 5 năm của Hàn Quốc cho thấy vai trò rất lớn của nhà nước trong việc khởi xướng và theo đuổi chủ nghĩa phát triển. Trong mô hình nhà nước phát triển của Hàn Quốc, nhà nước đã tạo ra và đơn phương dẫn dắt một “kế hoạch tổng thể” độc lập với nhà đầu tư từ khu vực tư nhân(6).

Về tổng thể, những năm 1961-1996 chứng kiến sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc chủ yếu dựa vào kiểu tăng trưởng 1 do công nghiệp hóa dẫn dắt với đặc trưng là thâm dụng vốn (hệ số sử dụng vốn(7) tăng 4,4 lần, trong khi năng suất các nhân tố tổng hợp tăng 1,9 lần trong toàn bộ quá trình). Tuy nhiên, với việc Hàn Quốc ngày một chú trọng hơn vào phát triển công nghiệp nặng (từ thập niên 70 của thế kỷ XX) và công nghiệp công nghệ cao (từ thập niên 1980), liên tục chứng kiến các giai đoạn (tiêu biểu là các giai đoạn 1968-1976, 1980-1988, 1990-1996) có sự đi lên song hành của cả hệ số sử dụng vốn và năng suất các nhân tố tổng hợp theo kiểu tăng trưởng 4. Điều này cho thấy sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Hàn Quốc sang hướng tăng trưởng dựa trên năng suất, trong đó đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cùng với hiệu quả sử dụng vốn đều ngày càng cao hơn, tạo động lực then chốt giúp Hàn Quốc vượt qua mức thu nhập trung bình và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao từ năm 1995(8)

Để đạt được sự chuyển đổi thần tốc và quyết đoán như vậy, cùng với vai trò kiến tạo của nhà nước, chủ nghĩa phát triển ở Hàn Quốc trong thời kỳ này còn có đặc trưng là “ít chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vào đó tập trung vốn vào các tập đoàn lớn”(9), trong đó nổi tiếng toàn thế giới và là niềm tự hào của Hàn Quốc có thể kể đến Samsung, Huyndai, LG, Lotte, Kia,...

Từ cuối thế kỷ XX đến nay: Chủ nghĩa nhà nước phát triển mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sau khi trở thành nước có thu nhập cao vào năm 1995, nền kinh tế Hàn Quốc sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trước sự tàn phá nghiêm trọng của sự cuộc khủng hoảng, chủ nghĩa phát triển thời kỳ trước của Hàn Quốc tỏ ra không còn phù hợp, đòi hỏi nước này tiếp tục chuyển đổi mô hình để vượt qua khủng hoảng, tiếp tục vươn lên. Mô hình mới này có thể được gọi là chủ nghĩa nhà nước phát triển mới xác định rõ hướng phát triển tiếp theo của Hàn Quốc trước xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa.

Trong khu vực công, cùng với việc giảm dần can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế (đặc biệt là lĩnh vực tài chính), chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực(10). Kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển ưu tiên chính sách từ hỗ trợ các tập đoàn lớn trước đây sang dồn lực vào nghiên cứu và phát triển. Bằng hướng đi mới này, Hàn Quốc đã rất thành công trong việc đổi mới hệ thống sản xuất trong nước. Nước này đã từng bước xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới công nghiệp mạnh mẽ, bao gồm cả mạng lưới đổi mới chính thức quốc gia cũng như mạng lưới đổi mới không chính thức giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân và cơ sở nghiên cứu, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho toàn bộ hệ sinh thái đổi mới(11)

Với khu vực tư nhân, hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong nước, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã từng bước vượt qua khó khăn khi mới tham gia toàn cầu hóa trong bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh trên thế giới đã có mạng lưới đối tác quốc tế khá ổn định. Nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hệ sinh thái công nghiệp nội địa, các công ty xuyên quốc gia của Hàn Quốc đã dần xây dựng thành công mạng lưới sản xuất toàn cầu với nền tảng là sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác (nhà thầu, nhà sản xuất phụ tùng,...) đáng tin cậy ngay ở thị trường trong nước. Mặt khác, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản trị, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đầu tư một phần lợi nhuận đáng kể cho nghiên cứu và phát triển. Điều này cộng hưởng với nỗ lực chung của chính phủ, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế phát triển đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển xét theo tương quan với quy mô GDP. Thống kê cho thấy, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc so với quy mô GDP chỉ khoảng 1,7% cho đến năm 1991, nhưng đã tăng lên 4,3% vào năm 2014, mức cao nhất trong số các nước OECD. Con số này tăng lên thành 4,83% vào năm 2018 (đứng thứ hai thế giới sau I-xra-en)(12) và tiếp tục đạt tới 4,93% tính đến năm 2021(13).

Vai trò chủ đạo của kiểu tăng trưởng 1 do công nghiệp hóa dẫn dắt của thời kỳ trước, sau khi từng bước chuyển đổi mô hình và vượt qua khủng hoảng tài chính năm 1997, nền kinh tế Hàn Quốc nhìn chung đã nhất quán đi lên theo kiểu kiểu tăng trưởng 4 từ năm 2000 trở đi. Điều này chứng minh sự chuyển đổi quyết liệt của nền kinh tế nước này sang hướng tăng trưởng dựa trên năng suất với đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp chiếm phần lớn trong thành công chung của nền kinh tế(14). “Hàn Quốc đã thành công trong việc tăng cường năng lực đổi mới trong nước và khả năng cạnh tranh quốc tế dựa trên chủ nghĩa nhà nước phát triển mới với sự chú trọng vào việc học tập lẫn nhau và nâng cao khả năng đổi mới thông qua mạng lưới hợp tác toàn diện”(15). Thay vì tự thỏa mãn với thành công của thời kỳ trước, chủ nghĩa phát triển mới của Hàn Quốc đã tiếp tục tận dụng cơ hội mở ra từ thời cuộc khủng hoảng năm 1997 để thực hiện thay đổi căn bản trong con đường phát triển, chuyển hướng thành công sang một nền kinh tế sáng tạo dựa vào tri thức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Tổ hợp bán dẫn Samsung tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, tháng 7-2024_Ảnh: TTXVN

Một số vấn đề gợi mở về phương diện chính sách để tạo sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế

Kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển kinh tế vượt bậc là điều đáng quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu đối với nhiều quốc gia khác về nhiều phương diện, như vai trò dẫn dắt, kiến tạo của nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia, việc định hình phát triển quốc gia qua từng kế hoạch 5 năm.

Thứ nhất, về kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình, Hàn Quốc là trường hợp điển hình của việc thực hiện thành công Chiến lược 3i Đầu tư (Investment), Truyền dẫn (Infusion) và Đổi mới sáng tạo (Innovation), giúp nền kinh tế chuyển đổi thành công từ mức thu nhập thấp lên thu nhập cao. Theo đó, trong giai đoạn phát triển đầu của các nước thu nhập thấp, tăng trưởng được kích thích thông qua xúc tiến đầu tư. Khi một quốc gia đạt đến giai đoạn thu nhập trung bình, chỉ mở rộng đầu tư là không đủ để tiếp tục tăng trưởng, cần nâng cao năng suất thông qua truyền dẫn công nghệ nước ngoài vào nền kinh tế nội địa. Sau đó, để đạt được thu nhập cao đi cùng với sự cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới trong công nghệ và nhiều khía cạnh then chốt của nền kinh tế là yêu cầu tối quan trọng(16)

Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả Chiến lược 3i này (dù tên gọi của các chính sách cụ thể có thể được diễn đạt bằng cách khác) để tăng GNI bình quân đầu người từ 120 USD năm 1962 lên 11.820 USD năm 1995 và 33.490 USD tính đến hết năm 2023(17). Từ thập niên 1960, Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư hạ tầng thông qua tự do hóa thị trường tài chính, thu hút vốn nước ngoài (tương ứng với yếu tố Đầu tư), tiếp theo là cải thiện hiệu quả năng suất bằng cách áp dụng công nghệ nước ngoài (tương ứng với yếu tố Pha trộn), sau đó là xác định trọng tâm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, giáo dục, thúc đẩy thị trường cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước (tương ứng với yếu tố Đổi mới). Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, để tạo sự bứt phá vượt bậc về phát triển kinh tế, cần có bước đi đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo lập vai trò dẫn dắt, kiến tạo của nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia, phát triển khu vực công và khu vực tư...

Thứ hai, sự kết hợp chặt chẽ, nhất quán vai trò dẫn dắt của nhà nước với sự năng động, lớn mạnh, đổi mới không ngừng của khu vực tư nhân trong việc tạo xung lực phát triển đột phá tại các nền kinh tế có xuất phát điểm thấp được thể hiện rõ trong trường hợp Hàn Quốc. Cả trước và sau khi trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 1995, Hàn Quốc vẫn nhất quán theo đuổi chủ nghĩa phát triển do nhà nước dẫn dắt với  điều chỉnh thích ứng tùy theo bối cảnh từng thời kỳ. Trong đó, để qua mức thu nhập trung bình, từ nửa sau thập niên 80 của thế kỷ XX, chính sách của Hàn Quốc đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, khu vực tư nhân của Hàn Quốc cũng không ngừng trưởng thành cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng tăng mạnh đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp, tạo nên sự tăng trưởng cân bằng và vững mạnh cho nền kinh tế. Như vậy, “sự tăng trưởng của Hàn Quốc về quy mô chi tiêu nghiên cứu và phát triển phản ánh định hướng chính sách của chính phủ trong việc thiết lập một hệ thống công nghiệp dựa trên đổi mới... Khả năng đổi mới sản xuất trong nước của Hàn Quốc đã được củng cố và liên tục tái tạo thay vì mất đi trong quá trình toàn cầu hóa, nhờ nỗ lực của nhà nước nhằm tăng cường năng lực công nghiệp và sự thích ứng của chủ thể khu vực tư nhân đối với cách thức triển khai của nhà nước”(18)

Thứ ba, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, nhiều thách thức cần được giải quyết với một quốc gia đang phát triển để đạt được vượt phát triển vượt bậc về kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao, như việc hài hóa mối quan hệ giữa nhà nước với tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia, xử lý quan hệ thân hữu, các vấn đề lớn, như già hóa dân số, tạo động lực, giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước, thị trường, xã hội... Điều này đặt ra yêu cầu về chủ trương, chính sách đột phá, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.../.

-------------

(1) Xem: 김용균: “베트남의 정치구조와 경제발전의 성격”, in: 2024 글로벌 미래전략 최고위과정 in 베트남, 서울대학교 - 하노이 인문사회과학대학 (Tạm dịch: Kim Yong Kyun: “Cấu trúc chính trị và đặc điểm phát triển kinh tế ở Việt Nam”, trong Chương trình điều hành chiến lược tương lai toàn cầu năm 2024 tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Xơ-un - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội), Xơ-un, 2024, tr. 239
(2) Tran Van Tho: “The Middle-Income Trap: Issues for Members of the Association of Southeast Asian Nations” (Tạm dịch: Bẫy thu nhập trung bình: Các vấn đề đối với các quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), Asian Development Bank  Asian Development Bank, tháng 5 - 2013,, http://www.adbi.org/working-paper/2013/05/16/5667.middle.income.trap.issues.asean/
(3) Hee Gab Choi: “­Status of South Korea’s Economy: A Middle-income or a High-income Country?” (Tạm dịch: Tình hình kinh tế của Hàn Quốc: Một quốc gia có thu nhập trung bình hay thu nhập cao?), EAF Policy Debates, Vol. 126, 2019, tr. 3
(4) Như chủ nghĩa nhà nước phát triển (statist developmentalism), chủ nghĩa tư bản hỗn hợp (mixed capitalism), chủ nghĩa tư bản có định hướng (guided capitalism), công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu (export-led industrialization),...
(5) Nguyen Minh Trang: “The Middle Income Trap: A Case Study of Korea and Lesson for Vietnam” (Tạm dịch: Bẫy thu nhập trung bình: Nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam), VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 37, No. 2 (2021), tr. 96
(6) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Palgrave Macmillan, Xin-ga-po, 2024, tr. 128
(7) Hệ số sử dụng vốn còn được gọi là hệ số đầu tư tăng trưởng hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm
(8) 김용균: “베트남의 정치구조와 경제발전의 성격”, in: 2024 글로벌 미래전략 최고위과정 in 베트남, 서울대학교 - 하노이 인문사회과학대학 (Kim Yong Kyun: “Cấu trúc chính trị và đặc điểm phát triển kinh tế ở Việt Nam”, trong: Chương trình điều hành chiến lược tương lai toàn cầu năm 2024 tại Việt Nam, Tlđd, tr. 239
(9) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Tlđd, tr. 261
(10) 김용균: “베트남의 정치구조와 경제발전의 성격”, in: 2024 글로벌 미래전략 최고위과정 in 베트남, 서울대학교 - 하노이 인문사회과학대학 (Kim Yong Kyun: “Cấu trúc chính trị và đặc điểm phát triển kinh tế ở Việt Nam”, trong: Chương trình điều hành chiến lược tương lai toàn cầu năm 2024 tại Việt Nam, Tlđd, tr. 240
(11) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Tlđd, tr. 150 – 152
(12) Statistics & Data: “Top Countries by Research and Development Expenditure - 1996/2019” (Tạm dịch: Các quốc gia hàng đầu về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển - 1996/2019 ), Statistics & Data, 2019, https://statisticsanddata.org/data/top-countries-by-research-and-development-expenditure/
(13) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Tlđd, tr. 66
(14) Xem: 김용균: “베트남의 정치구조와 경제발전의 성격”, in: 2024 글로벌 미래전략 최고위과정 in 베트남, 서울대학교 - 하노이 인문사회과학대학, (Kim Yong Kyun: “Cấu trúc chính trị và đặc điểm phát triển kinh tế ở Việt Nam”, trong: Chương trình điều hành chiến lược tương lai toàn cầu năm 2024 tại Việt Nam, Tlđd, tr. 239
(15) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Tlđd, tr. 261
(16) Development Finance Bureau - Development Finance Division: “WB Releases ‘World Development Report 2024: The Middle-Income Trap’” (Tạm dịch: Ngân hàng Thế giới công bố ‘Báo cáo phát triển thế giới 2024: Bẫy thu nhập trung bình’), ROK Ministry of Economy and Finance, ngày 1-8-2024, https://english.moef.go.kr/pc/selectTbPressCenterDtl.do?boardCd=N0001&seq=5932
(17) World Bank: “GNI per capita, Atlas method (current US$) - Korea, Rep.” (Tạm dịch: Bình quân đầu người của Hàn Quốc), World Bank Group, 2025, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GNP.PCAP.CD?locations=KR
(18) Hyeong-ki Kwon: Openness and Coordination: National Economies of the U.S., Japan, and Germany in a Globalized World (Tạm dịch: Sự cởi mở và phối hợp: Nền kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức trong một thế giới toàn cầu hóa), Tlđd, tr. 151 - 152

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1109702/con-duong-troi-day-kinh-te-cua-han-quoc---mot-so-van-de-goi-mo-tu-phuong-dien-chinh-sach.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm