“Chiến thần” sa ngã
Màn đấu tố giữa hai tài khoản V.T.N.N. (2,2 triệu lượt theo dõi trên Facebook) và T.T.B.N. (hơn 806.000 lượt theo dõi trên Facebook) thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi hai bên đều kinh doanh các sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe như: viên uống giảm cân, kem dưỡng da, nước uống bổ sung collagen… Mỗi bên đều đưa ra bằng chứng sản phẩm của đối phương kém chất lượng, thậm chí chứa chất cấm. Điều này khiến người dùng “đau tim” khi theo dõi sự việc, bởi nhiều người đã mua dùng sản phẩm của cả hai với niềm tin “người nhiều lượt theo dõi là có uy tín”.
Dù các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa ra cảnh báo đến người dùng khi chọn mua sản phẩm qua các phiên livestream (phát trực tiếp) của các “chiến thần” (chỉ người nổi tiếng trên mạng chuyên livestream bán hàng hoặc trực tiếp kinh doanh - PV), nhưng thực tế các buổi “chốt đơn” tiền tỷ vẫn chưa hạ nhiệt.
Để đẩy nhanh doanh số, các đơn vị kinh doanh tung mã giảm giá độc quyền trong phiên live của “chiến thần” đang nổi, điều này lợi đến mấy đường: doanh số bán hàng cho doanh nghiệp, hoa hồng cho “chiến thần” và người dùng mua được hàng giá rẻ. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng sản phẩm lại không được chú ý, nhất là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Câu chuyện của hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs có thể xem là điển hình, trước khi người trong cuộc trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật, đã có hơn 135.000 hộp kẹo rau không đảm bảo chất lượng bán ra thị trường (thu về 18 tỷ đồng), và trong số đó, không ít người chọn mua sản phẩm chỉ do tin tưởng người nổi tiếng.

Công thức gây dựng niềm tin cho người dùng chính là ai nhiều lượt like (thích), lượt theo dõi (follow) thì người đó thắng. Và mỗi “chiến thần” có một cách khác nhau để thu hút người xem. Tài khoản V.T.N.N. thu hút bằng việc khoe những đường cong cơ thể trong các buổi chơi nhạc (DJ); T.T.B.N. thể hiện sự xa hoa của phú bà với nhà biệt thự ngàn tỷ, siêu xe…
Hay mới nhất, cơ quan chức năng ra yêu cầu thu hồi sản phẩm kem chống nắng, dầu gội đầu kém chất lượng do tài khoản Đ.D.B. kinh doanh. Trước đó, Đ.D.B. vốn nổi tiếng với các video siêu xe, nghỉ dưỡng phòng tổng thống, biệt thự… thu hút hơn 1,9 triệu lượt theo dõi trên nền tảng Facebook.
TS-BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM:
Cẩn trọng với các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Khi lớn tuổi, do quá trình lão hóa, da trở nên nhão và xuất hiện nhiều nếp nhăn do mất đi các mô liên kết, sợi đàn hồi và collagen. Vì vậy, nhiều người uống collagen với mong muốn bổ sung lượng mất đi. Để thuận tiện, các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất collagen từ thịt và hải sản thành các chế phẩm uống, ở dạng thuốc viên hoặc dạng bột hòa tan trong nước.
Tuy nhiên, trên những người có chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý, hiện chưa đủ dữ liệu khoa học chứng minh vai trò làm đẹp da của collagen đường uống. Việc sử dụng collagen uống cần tham khảo ý kiến các bác sĩ da liễu hoặc dinh dưỡng. Khi sử dụng, phải chú ý thận trọng trên những người có cơ địa nhạy cảm, vì collagen uống có khả năng gây dị ứng.
Đồng thời, người sử dụng cần chú ý đến chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra về tính pháp lý cũng như những tiêu chuẩn của nhà sản xuất, lựa chọn sản phẩm đã được nghiên cứu và công bố về tính hiệu quả, an toàn. Không sử dụng sản phẩm chưa được kiểm chứng chất lượng từ cơ quan chức năng hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chiêu bài né tránh
Để bảo vệ người dùng, các nền tảng mạng xã hội cũng đặt tiêu chuẩn cộng đồng về kinh doanh, livestream bán hàng. Mới đây, TikTok đưa ra chính sách về quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tăng giảm cân phải ưu tiên lời tuyên bố có trách nhiệm, chỉ dành cho người trên 18 tuổi, có các thông tin khuyến khích lối sống lành mạnh và nhất là không được quảng bá sản phẩm đó là giải pháp duy nhất cho việc giảm hoặc tăng cân.
Bên cạnh đó, nền tảng này cũng cấm quảng cáo các nội dung, như: phẫu thuật giảm cân, dịch vụ tiêm thuốc giảm cân, viên thuốc tiêu mỡ, kem tan mỡ...
Nhằm lách quy định trên, nhiều tài khoản dùng câu chữ và từ ngữ thay thế để quảng cáo như: giảm ký thành “giảm ki”, “thổi bay vài ki”, “suôn đuột”,… Và khi nền tảng dùng thuật toán cùng công nghệ AI quét kiểm tra nội dung đăng tải, thì các “chiến thần” vẫn chốt đơn đều đều, trót lọt.
Anh Duy Mạnh (Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ truyền thông Alpha X) chia sẻ: “Hiện tại, để đăng tải video bán hàng liên quan đến việc tăng giảm cân, nhiều TikToker đã đổi cách dùng từ để giới thiệu, để lại số điện thoại dưới bài viết cho khách liên lạc và chốt đơn qua kênh khác…”.
Nhằm tăng cường bảo vệ người dùng, nhiều nền tảng mạng xã hội đồng loạt bóp tương tác (giảm số người tiếp cận nội dung) với các bài viết có nội dung buôn bán bất kể sản phẩm hay dịch vụ gì. Điều này góp phần thúc đẩy người dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến ở những sàn thương mại uy tín, đơn vị kinh doanh rõ ràng, thay vì các “chiến thần” trôi nổi trên mạng…
Nhưng các “chiến thần” chốt đơn vẫn có đủ chiêu để tung hoành, thay vì để giá tiền theo đơn vị VNĐ thì chuyển thành xu, ghi dãy các số điện thoại để khách liên lạc qua Zalo sẽ bị nền tảng khóa vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nên các “chiến thần” ghi rõ từng chữ, khách quan tâm sẽ biết cách liên lạc riêng.
Mua hàng vì “idol”, ai chịu thiệt thòi?
Không biết từ bao giờ, KOL (người có sức ảnh hưởng) lại trở thành những chuyên gia uy tín về sức khỏe được nhiều người tiêu dùng tin tưởng còn hơn cả bác sĩ chính quy. Qua một phiên livestream bán hàng của người nổi tiếng, các sản phẩm như thực phẩm chức năng, sữa giảm đau xương khớp, sữa non, thuốc giảm cân, collagen, kẹo rau củ… dễ dàng bán ra với số lượng khủng.
Tuy nhiên, rất nhiều người sẵn sàng mua hàng chỉ vì yêu mến idol - thần tượng, chứ không vì chất lượng sản phẩm. Sự thật này được chính Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người vừa bị khởi tố liên quan đến sản phẩm kẹo Kera, xác nhận tại cơ quan điều tra.
Dễ dàng bắt gặp sự mơ hồ của người tiêu dùng trên mạng xã hội, như trong vụ tranh cãi về sản phẩm giảm cân trên mạng vừa qua, nhiều người tiêu dùng đã nhầm lẫn khi cho rằng sản phẩm do các “chiến thần” rao bán là thuốc, trong khi đó thực chất chỉ là thực phẩm chức năng.
Hiện ở Việt Nam chỉ có 2 loại thuốc giảm cân là Orlistat và Saxenda được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Hai loại thuốc trên dùng trong phác đồ điều trị béo phì và bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, chứ không phải “chỉ định” của người bán hàng.
Nguyên tắc khoa học của giảm cân là kết hợp giữa vận động và điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp, đòi hỏi quá trình và sự kiên trì. Đánh vào tâm lý ham “cấp tốc” và lười vận động của nhiều người, các sản phẩm giảm cân nhan nhản trên thị trường, từ viên uống đến trà túi lọc, đủ mọi thành phần thượng vàng hạ cám.
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm được phối trộn chất cấm khiến cơ thể tăng bài tiết, tạo cảm giác chán ăn, mất nước, kết cục là giảm cân kèm theo suy kiệt. Thực tế ghi nhận, nhiều bệnh nhân đang khỏe mạnh đã rơi vào suy thận, phải lọc máu suốt đời vì dùng sản phẩm giảm cân trôi nổi.
Dù rất nhiều bác sĩ kiên trì khuyến cáo phải cực kỳ cẩn trọng khi sử dụng mọi loại thuốc và thực phẩm chức năng, nhưng các ý kiến chuyên môn dễ dàng thất bại sau mỗi phiên livestream bán hàng của các KOL. Và nguy cơ bất ổn về sức khỏe hoàn toàn bị đẩy về phía người mua hàng.
Là cầu nối giữa nhãn hàng và khách hàng, người nổi tiếng kiếm tiền từ sức ảnh hưởng là quyền chính đáng. Nhưng đi kèm với đó phải là trách nhiệm: trách nhiệm với người tiêu dùng và trách nhiệm với danh dự bản thân.
Đặc biệt, với sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đòi hỏi người nổi tiếng phải luôn đặt một chữ tâm trước khi chọn chữ tiền. Bởi lẽ, một khi ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người thì bao nhiêu tiền cũng không thể đổi lại được.
Câu chuyện về vụ việc kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, Nguyễn Thúc Thùy Tiên là lời cảnh tỉnh cần thiết đến người tiêu dùng, hãy trân trọng sức khỏe của bản thân.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cong-thuc-chot-don-post796132.html
Bình luận (0)