Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc đua đầu tư các khu thương mại tự do

Tại Việt Nam, khu thương mại tự do (TMTD) là mô hình mới đang được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, thương mại, logistics tăng trưởng nhanh và bền vững. Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước quan tâm định hướng chủ trương và nhiều địa phương ưu tiên nghiên cứu, đầu tư khu TMTD.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai24/05/2025

Khu vực Cảng Phước An và hậu cần cảng (huyện Nhơn Trạch) có tiềm năng để phát triển khu thương mại tự do (ảnh minh họa).
Khu vực Cảng Phước An và hậu cần cảng (huyện Nhơn Trạch) có tiềm năng để phát triển khu thương mại tự do (ảnh minh họa).

Với sự phát triển năng động, các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương đang từng bước thực hiện các nội dung để xây dựng khu TMTD do dựa trên lợi thế của mình.

Cơ hội phát triển mới

Theo Báo cáo logistics 2024 của Bộ Công thương, khu TMTD là mô hình đã quen thuộc trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận mô hình này thông qua việc phát triển những loại hình có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan trong khu kinh tế, các kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế...

Các chuyên gia cho biết, đây là giai đoạn Việt Nam cần và có cơ sở để phát triển các khu TMTD.

Ông Trần Thoang, Giám đốc Công ty CT - Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược hải quan - thương mại CT Strategies, Hoa Kỳ), khu TMTD thúc đẩy tăng trưởng và hóa giải xu hướng bảo hộ thương mại. Đây là mô hình đã chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng địa phương và thúc đẩy xuất khẩu. Phát triển các khu TMTD cũng có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, hướng tới định vị như một trung tâm thương mại, tài chính, đổi mới sáng tạo và logistics hiện đại quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tương tự, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có dịch vụ logistics. Khu TMTD là một động lực mới để giúp các địa phương thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu, tăng trưởng dịch vụ logistics.

Ông Hải cho rằng, các địa phương có cảng biển, sân bay, cửa khẩu với lưu lượng hàng hóa lưu thông, xuất nhập khẩu lớn nên xem xét việc thành lập khu TMTD và đưa vào quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Việc phát triển mô hình này cần có nhìn nhận, đánh giá đúng về tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để có đề xuất thích hợp.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được thí điểm phát triển các khu TMTD và từ đó, một số địa phương khác đã và đang nghiên cứu, đề xuất phát triển nhằm góp phần thúc đẩy đột phá lĩnh vực logistics nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

Nhiều tỉnh, thành đã được chấp thuận cho phép xây dựng đề án và phát triển khu TMTD, vì thế cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách chuyên biệt phát triển bởi đây là mô hình mới tại Việt Nam.

Vào cuộc đua xây dựng các khu thương mại tự do

Hiện các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ đang bước vào “cuộc đua” phát triển khu TMTD.

Ngày 14-5, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức họp lấy ý kiến về Đề án Nghiên cứu khu TMTD gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Dự thảo đề án do Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình. Khu TMTD gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ sẽ là mô hình thí điểm tích hợp các thể chế chính sách đổi mới, cơ chế ưu đãi cạnh tranh và môi trường đầu tư thông thoáng. Mục tiêu tổng quát là xây dựng nơi đây trở thành không gian phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế cho vùng Đông Nam Bộ, góp phần tích lũy kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.

Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh có khu TMTD gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có hướng phát triển là mô hình của “khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu”. Hay như tỉnh Bình Dương đề xuất quy hoạch xây dựng 2 khu TMTD tại thành phố Dĩ An và huyện Bàu Bàng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu TMTD An Bình ở thành phố Dĩ An có diện tích quy hoạch 100 hécta gắn với đường sắt An Bình - Sóng Thần. Khu TMTD Bàu Bàng gắn với tuyến đường sắt đi qua địa bàn huyện khi có đủ điều kiện.

Với Đồng Nai, Đề án Phát triển khu TMTD cũng đang được tỉnh gấp rút thực hiện. Có 6 khu vực mà Đồng Nai có thể nghiên cứu để xây dựng khu TMTD trong thời gian tới là: Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp; Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu đổi mới sáng tạo; Khu logistics (huyện Long Thành); Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Khu Cảng Phước An và hậu cần cảng (huyện Nhơn Trạch).

Không chỉ từ chính quyền mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Ngày 15-5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và đại diện các sở, ngành đã làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương về việc đầu tư khu TMTD. Qua rà soát, Đồng Nai đề xuất vị trí một số khu đất giáp Sân bay Long Thành để công ty tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cùng doanh nghiệp rà soát các vấn đề liên quan, tạo cơ sở thuận lợi để có thể đầu tư và sớm đưa vào hoạt động nhằm khai thác tốt lợi thế từ sân bay.

Văn Gia

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202505/cuoc-dua-dau-tu-cac-khu-thuong-mai-tu-do-4da1b5c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm