Ký ức thời hoa lửa

Những ngày tháng 4 lịch sử, tôi tìm về xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), gặp cựu chiến binh Nguyễn Danh Hiến (sinh năm 1953). Bên ly trà ấm, ông say sưa kể về những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông nội, bố và anh trai của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp; bố ông từng bị địch bắn trọng thương trên chiến trường. Tháng 1-1972, chàng thanh niên Nguyễn Danh Hiến lên đường nhập ngũ, tiếp bước cha anh bảo vệ Tổ quốc và được biên chế về Tiểu đoàn 620, Sư đoàn 338. Đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho Quân khu 3, sẵn sàng nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau 5 tháng huấn luyện tân binh, đơn vị của ông hành quân vào chiến trường miền Nam. Ngày 16-7-1972, khi đến Quảng Trị, ông được biên chế về Trung đội thông tin của Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2).

 

Giữa những ký ức của một thời chiến trận ùa về, ông Hiến bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ nhất là trận đánh đêm 12, rạng sáng 13-9-1972 tại Cao điểm 138, dãy Trường Phước, Quảng Trị. Hôm đó, tôi được tăng cường làm nhiệm vụ thông tin cho Đại đội 9. Khi đơn vị tiếp cận mục tiêu, tôi nằm gần đại đội trưởng sau ụ mối, duy trì liên lạc. Bất ngờ, địch bắn cối M19, một quả rơi trúng vị trí của đại đội trưởng khiến anh hy sinh tại chỗ. Đau xót, bàng hoàng, bản thân tôi thì bị mảnh đạn găm vào tay nhưng vẫn cố gắng báo cáo tình hình về tiểu đoàn. Sau trận đánh, tôi được chuyển về tuyến sau điều trị. Cuối năm 1972, vết thương lành, tôi trở lại đơn vị, tiếp tục huấn luyện, sẵn sàng cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”. 

Trong tác chiến vận động tiến công ở rừng núi, từ đại đội đến sư đoàn, chiến sĩ thông tin cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ giỏi, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, truyền đạt mệnh lệnh chính xác, kịp thời hai chiều. Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên chiến trường, ngày 16-1-1975, chiến sĩ Nguyễn Danh Hiến vinh dự được kết nạp Đảng.

Đầu tháng 3-1975, sau khi hành quân về đóng quân tại xã Cam Chính (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), chiến sĩ thông tin Nguyễn Danh Hiến của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 cùng đơn vị tiến quân thần tốc theo trục đường 14B, 15B, áp sát Thừa Thiên Huế, sẵn sàng chờ lệnh giải phóng thành phố.

Ngày 25-3, sau khi Huế được giải phóng, đơn vị ông tiến công Đà Nẵng. Rạng sáng 29-3, Đà Nẵng rung chuyển bởi tiếng pháo. Ông Hiến cùng đơn vị đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, làm chủ hệ thống radar trọng yếu.

 

Sau thắng lợi tại Đà Nẵng, đầu tháng 4-1975, đơn vị ông Hiến đi bằng đường biển vào thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) làm công tác dân vận. Sau đó, đơn vị vượt đèo, băng rừng, đi qua các địa bàn như: Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Long Thành, Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)… Đến 17 giờ ngày 27-4, ông cùng đồng đội mở đợt tấn công vào Trường Bộ binh Long Thành và làm chủ chiến trường. 

Rạng sáng 30-4-1975, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) của ông Hiến nhận mệnh lệnh xuất kích, với hướng tiến công là Trường Sĩ quan ngụy ở Thủ Đức. Khi tiến vào khu vực này, ông Hiến là một trong những người đầu tiên xông vào bên trong, quân ngụy vẫn còn đang ngủ, luống cuống giơ tay xin hàng.

Ông Hiến xúc động chia sẻ: “11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, đứng giữa nắng trưa rực lửa, nghẹn ngào đến lặng người: Không thể tin được mình còn sống để thấy ngày này. Ngoài đường, nhân dân ùa ra ôm chầm lấy bộ đội, cờ đỏ sao vàng rợp cả một góc trời… Suốt đời tôi không bao giờ quên khoảnh khắc ấy”. 

Cựu chiến binh Nguyễn Danh Hiến (ngoài cùng bên phải) hội ngộ đồng đội (tháng 7-2020). Ảnh: NVCC 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với người lính Cụ Hồ như ông Hiến, ký ức về những ngày tháng lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Đó không chỉ là những trận đánh ác liệt mà còn là niềm hạnh phúc vỡ òa khi đất nước sạch bóng quân thù. Cảm xúc thiêng liêng ấy đã tiếp thêm sức mạnh để họ sống trọn vẹn với lý tưởng phụng sự Tổ quốc, dù trong thời chiến hay thời bình.

Chất lính giữa thời bình

“Trở về sau chiến tranh, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Hòa bình rồi thì mình phải làm gì để sống có ích cho xã hội? Từ suy nghĩ đó, tôi nỗ lực vượt khó, vươn lên trên các mặt trận, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, hỗ trợ đồng đội, góp phần giữ vững tinh thần người lính Cụ Hồ trong thời bình”, ông Hiến tự hào. 

Năm 1977, từ chiến trường trở về, người cựu chiến binh, bệnh binh mang thương tật 61% Nguyễn Danh Hiến đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, thư ký đội sản xuất của thôn Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Với những kiến thức có được, cùng tinh thần “thép” của người lính, ông Hiến nhanh chóng bắt nhịp với công tác địa phương, dốc lòng thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất tại quê nhà. 

Hiện nay, cựu chiến binh Nguyễn Danh Hiến tiếp tục giữ vai trò Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Áng, tích cực tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho hội viên, đặc biệt là khám miễn phí các bệnh về mắt và xương khớp cho người cao tuổi. 

Đến năm 1993, ông Hiến được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, sau đó giữ chức Chủ tịch Hội vào năm 1994. Ở cương vị này, ông phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình cấy mạ non, giúp tăng năng suất lúa gấp đôi so với phương pháp truyền thống. Nhờ đó, xã Đại Áng từng bước vươn lên trở thành điểm sáng về ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, được nhiều địa phương đến học tập, tham quan. 

“Xuất ngũ về quê, được nhân dân tín nhiệm cử tham gia nhiều hoạt động của địa phương đã giúp tôi thêm yêu cuộc sống, vượt qua những lúc khó khăn, nản chí vì bệnh tật”, ông Hiến cho biết.

Giai đoạn 1995-2004, ông Hiến là Ủy viên Ủy ban nhân dân xã Đại Áng, đồng thời giữ chức Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Từ năm 2011 đến năm 2024, ông là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã. Trong thời gian này, ông cùng Ban Thường trực MTTQ xã triển khai nhiều hoạt động xã hội tại địa phương. Cụ thể, vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng số tiền 152 triệu đồng; quỹ “Vì người nghèo” đạt 694 triệu đồng; quỹ “Trường Sa thân yêu” vận động được 137 triệu đồng; hỗ trợ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá 381 triệu đồng cả tiền mặt và hiện vật… 

Cùng với đó, ông Hiến cũng tham gia vận động xây dựng nhà ở cho các hộ khó khăn. Từ năm 2014 đến năm 2023, xã Đại Áng đã xây dựng được 20 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 945 triệu đồng và 12 nhà chính sách với tổng trị giá 990 triệu đồng. 

Nói về điều quan trọng nhất mà người lính cần có được trong thời bình, ông Hiến đúc kết: “Cái gốc là giữ được phẩm chất người lính: Cương trực, thẳng thắn, biết thay đổi để thích nghi nhưng không mất đi bản lĩnh. Và khi nào Tổ quốc cần, dù ở bất kỳ cương vị gì, chúng ta cũng sẵn sàng cống hiến”.

Cựu chiến binh Nguyễn Danh Hiến (thứ 5 từ trái sang, hàng trên) cùng đồng đội năm xưa và chính quyền huyện Thanh Trì thăm Dinh Độc Lập (tháng 11-2023). Ảnh: NVCC 

Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) tự hào: “Ông Nguyễn Danh Hiến là một trong những cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương. Trở về từ chiến trường, ông không chọn nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia công tác xã hội bằng tinh thần trách nhiệm cao. Ở mỗi cương vị, ông đều nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là trong công tác vận động, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách. Tấm gương của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều cựu chiến binh khác”. 

Từ chiến trường năm xưa đến những công việc đời thường nơi quê nhà, ông Nguyễn Danh Hiến tiếp tục khẳng định phẩm chất người lính bằng sự tận tụy và trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi cương vị đều ghi dấu những đóng góp âm thầm nhưng thiết thực. Câu chuyện của ông không chỉ khơi lại ký ức một thời gian khó, mà còn nhắn gửi tới thế hệ trẻ hôm nay: Sống trách nhiệm, hành động vì tập thể là cách trân trọng và tiếp nối xứng đáng những giá trị hòa bình mà cha ông đã đánh đổi bằng cả máu xương. 

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/cuu-chien-binh-nguyen-danh-hien-xong-pha-thoi-chien-cong-hien-thoi-binh-824440