Những ngày giữa tháng 5/2025, dưới ánh nắng chói chang của mùa hạ, chúng tôi có mặt tại thôn Khòn Tẩư, xã Liên Hội, trong khu rừng hồi rộng hơn 2 ha, ông Hoàng Văn Khìm đang tất bật chăm sóc đàn gà thả dưới tán rừng của gia đình. Vừa dẫn chúng tôi tham quan mô hình, ông Khìm vừa kể cho chúng tôi nghe về những cơ duyên đến với mô hình kinh tế này. Theo đó, năm 1983, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ, đến năm 1986, ông Khìm xuất ngũ trở về quê hương.
Ông Khìm tâm sự: Khi mới trở về địa phương, cuộc sống gia đình tôi rất vất vả, chỉ có mấy sào ruộng làm không đủ ăn, không có thu nhập ổn định. Không cam chịu đói nghèo, tôi luôn trăn trở, nỗ lực tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1987, tôi vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với số tiền dành dụm được để đầu tư trồng hồi và chăn nuôi trâu bò vỗ béo.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên ông Khìm gặp không ít khó khăn và đầu ra chưa ổn định. Đến năm 1992, ông chuyển sang chăn nuôi gà với quy mô nhỏ chỉ vài chục con. Để có thêm kiến thức về chăn nuôi, ông đã tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà trên mạng Internet và học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Bên cạnh đó, ông còn chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức để có thêm kiến thức trong chăn nuôi. Nhờ đó, việc chăn nuôi của gia đình dần phát triển, ông mạnh dạn tăng đàn theo từng năm.
Ông Khìm cho biết thêm: Nhận thấy tiềm năng đất đồi rừng sẵn có của gia đình thuận lợi để nuôi gà thả dưới tán rừng hồi, tôi đã tận dụng diện tích rừng xung quanh nhà để chăn nuôi gà và đầu tư chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, công tác phòng, chống dịch bệnh được tôi đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, đàn gà có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bị bệnh. Đến nay, gia đình luôn duy trì đàn gà với quy mô hơn 300 con, cứ bán hết lại tán đàn để nuôi tiếp. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán ra thị trường từ 300 đến 350 con gà thịt.
Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm gia đình thu về từ 1,5 - 2 tấn hồi, với giá từ 30 đến 35 triệu đồng/tấn. Với sự nhanh nhạy, cần cù, dám nghĩ, dám làm, từ mô hình chăn nuôi và trồng hồi, gia đình có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống gia đình từng bước ổn định, vươn lên khá giả.
Với nguồn thu ổn định từ chăn nuôi và để tận dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, năm 2021, gia đình ông Khìm đã đầu tư trồng thêm 300 cây bưởi và 200 cây thanh long, vườn cây đến nay phát triển rất tốt, mỗi năm cho thu hoạch từ 1 đến 2 tạ quả.
Ông Ngô Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Liên Hội nhận xét: Không chỉ làm kinh tế giỏi, những năm qua, ông Hoàng Văn Khìm luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân khi có nhu cầu đến tham quan, học tập mô hình của gia đình, vì thế, ông luôn được mọi người tin tưởng, yêu quý. Cùng với đó, ông luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông xứng đáng là tấm gương sáng CCB trong phát triển kinh tế để người dân trên địa bàn xã học tập và noi theo.
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm cùng với nỗ lực không ngừng của bản thân trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, năm 2025, ông Khìm vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Nguồn: https://baolangson.vn/vuon-len-tu-nuoi-ga-duoi-tan-rung-hoi-5047054.html
Bình luận (0)