NHANH NHƯ SÓC
Ngồi với tôi ở một quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM), ông Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí) bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khó quên của đời mình 40 năm trước, khi ông còn lăn lộn với bóng đá. Ông chia sẻ với giọng xúc động: "Đến giờ tôi vẫn rất vui và tự hào với biệt danh Minh nhí mà người hâm mộ và anh em trong đội bóng Hải Quan đặt cho tôi từ năm 1978. Vì tôi nhỏ con, cao chưa đến 1,6 m, dáng chạy tất tả, luồn lách như con sóc và hay lao về phía trước nên mọi người cứ nói ông nhí này lanh lẹ và lợi hại quá. Cái tên Minh nhí ra đời từ đó. Và trong suốt thời gian chơi bóng của tôi cho đến tận giờ, ai cũng gọi một cách thân quen và trìu mến như vậy".
Cựu danh thủ Minh nhí
Minh nhí (cầm cờ) cùng đội Hải Quan giành ngôi á quân giải vô địch quốc gia 1982 - 1983
ẢNH: TƯ LIỆU
Cũng như nhiều cầu thủ khác, Minh nhí đi lên từ bóng đá học đường ở quê Cao Lãnh (Đồng Tháp). Suốt sự nghiệp của mình, ông luôn tạo ấn tượng bởi sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, sức bền rất tốt, kỹ thuật cá nhân vô cùng khéo léo, bước chạy thoăn thoắt và kỹ năng qua người thì khỏi chê. Trước khi khoác áo đội Hải Quan, ông từng đá cho đội bóng Xa Cảng miền Tây thuộc Sở GTVT TP.HCM. Đó là một tập thể trẻ trung, thi đấu rất "máu lửa" ở giải hạng B TP.HCM. Cùng với lứa cầu thủ rất hay lúc đó như Hứa Hiền Triết, Hoa Đình Dũng, Phan Văn Tần, Minh nhí đã sớm tỏa sáng trong vai trò tiền vệ tấn công, một vị trí rất phù hợp với những cầu thủ có vóc dáng nhỏ bé.
Bàn thắng để đời của Minh nhí
Ông Minh nhí bồi hồi nhớ lại: "Hồi đó được khoác áo đội Hải Quan là vinh dự lắm. Tôi chưa bao giờ quên được cảm giác xúc động và sung sướng khi lần đầu tiên được bước vào sân Thống Nhất, thậm chí đêm trước còn hồi hộp không tài nào ngủ được. Khi được xếp đá chính bên cạnh các tên tuổi lớn như Hồ Thanh Cang, Lê Văn Sang (Sang tiều), Lê Kim Thanh (Bình lùn), Khánh Hùng, tôi tự hào vô cùng". Ngay mùa bóng đầu tiên chơi cho Hải Quan, Minh nhí nhanh chóng tạo được niềm tin cho đồng đội và được đẩy lên đá tiền đạo phải. Ông điều khiển trái bóng rất hay, rất dẻo, có những cú đảo người đầy tốc độ để thoát đối thủ một cách dễ dàng. Cựu danh thủ Minh nhí chia sẻ: "Nhờ năng khiếu và cũng nhờ tôi nhỏ con nên xoay trở lẹ, động tác xử lý nhanh, gọn gàng".
Minh nhí (hàng giữa, bìa trái) trong màu áo đội tuyển TP.HCM
ẢNH: TƯ LIỆU
Cho đến giờ những ai yêu bóng đá TP.HCM đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hẳn không thể không nhớ bàn thắng quyết định mà Minh nhí ghi vào lưới Sở Công nghiệp trong trận chung kết giải A1 TP.HCM, để mang về ngôi vô địch cho Hải Quan. Đó là một cú solo sát biên với kỹ thuật siêu hạng và tốc độ kinh hồn. Có bóng ở biên trái ngay trước khán đài A3, cách cầu môn gần 30 m, Minh nhí nhanh như sóc dẫn bóng như chỗ không người, qua một loạt hậu vệ trứ danh thời đó là Trần Lương, Võ Văn Biển, Nguyễn Văn Em và cuối cùng qua luôn cả thủ môn Minh Lý để ghi bàn. Cả cầu trường sân Thống Nhất như nổ tung với bàn thắng quá tuyệt này. Một bàn thắng như một kiệt tác thể hiện sự tự tin, khôn khéo, nhanh nhạy và đẳng cấp của Minh nhí. Sau trận, ông đã được đồng đội công kênh chạy khắp sân.
Minh nhí rưng rưng nhớ lại: "Khi đó tôi sướng như phát điên, đầu óc lùng bùng như không nghe thấy những tiếng reo hò vang dậy trên khắp khán đài. Đến giờ cảm giác lâng lâng, hạnh phúc vẫn như vẹn nguyên trong ký ức của tôi. Bởi đó là một bàn thắng để đời, một dấu ấn không thể nào quên".
KIỆN TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA BÓNG ĐÁ TP.HCM
Minh nhí đã có vinh dự lớn khi trở thành kiện tướng đầu tiên của bóng đá TP.HCM vào năm 1980. Thời đó quy định của ngành thể thao là trong tập thể của đội bóng giành HCĐ chỉ 1 người được phong kiện tướng. Giành hạng ba giải vô địch quốc gia sau đội Tổng cục Đường sắt và đội Công an Hà Nội nên đội Hải Quan chỉ có 1 suất kiện tướng. Minh nhí đã được lãnh đạo và đồng đội tín nhiệm tiến cử nhận danh hiệu này.
Minh nhí (trái) trong một pha tranh chấp với đối thủ
ẢNH: TƯ LIỆU
Thời điểm đó, kiện tướng bóng đá là một danh hiệu vô cùng đáng trân trọng, tôn vinh đóng góp của cầu thủ không chỉ cho bóng đá TP.HCM mà còn thể hiện tầm ảnh hưởng về phong cách, hiệu quả trong thi đấu, khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị văn hóa đến người hâm mộ cũng như thế hệ kế cận. Đi đến đâu ông cũng được vinh danh, ca ngợi, được nhiều đội bóng và đồng nghiệp kiêng nể. Ông từng được khoác áo đội tuyển VN 1 (với nòng cốt là các cầu thủ TP.HCM và ngoài Quân đội), thi đấu giải SKDA năm 1984, có những trận đấu oanh liệt với các đội bóng đến từ Đông Âu và Liên Xô. Minh nhí kể lại: "Dù không được ra nước ngoài chơi bóng, nhưng được thi đấu với các cầu thủ đến từ các nền bóng đá tiên tiến, chúng tôi dần tự tin, càng đá càng học hỏi được nhiều và tiến bộ hơn. Thời đó đội Hải Quan của tôi đá với các đội quốc tế cũng rất hay. Có nhiều trận như đá với các đội CLB Bông lúa, Giangirit hay Quân đội Bulgaria, Angola, chúng tôi vẫn luôn cống hiến nhiều đường bóng hay làm nức lòng người xem".
Hơn 10 năm đá bóng đỉnh cao từ năm 1978 đến khi giải nghệ (do chấn thương vào năm 1989), Minh nhí cùng với Nguyễn Văn Thành và Lưu Tấn Liêm hợp thành "bộ tam sát" tung hoành từ nam chí bắc. Ông tâm sự: "Sự nghiệp bóng đá của tôi tuy không dài như nhiều anh em khác nhưng tôi vẫn luôn tự hào là mình đã tận tâm, cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ và công sức của mình. Chỉ tiếc là do chấn thương phải giải nghệ sớm ở tuổi 31 nên tôi không được xỏ giày bước vào các đấu trường quốc tế để sát cánh với thế hệ cùng thời". Cựu tiền đạo Minh nhí nhấn mạnh, ông không có gì phải hối tiếc vì cũng đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trên sân cỏ.
Chia tay sân chơi đỉnh cao, Minh nhí vẫn gắn bó với bóng đá phong trào, vẫn đều đặn chơi bóng và tham gia làm công tác huấn luyện, sinh hoạt với các đội cựu tuyển thủ. So với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa khác, trong gần 20 năm qua, Minh nhí vẫn đều đặn ra sân chơi cho rất nhiều đội bóng từ U.50 đến U.60 và gần đây là U.70. Trong trận đấu giữa thế hệ vàng VN với cựu danh thủ Pháp trên sân Thống Nhất cách đây 13 năm, Minh nhí dù lớn tuổi nhất trên sân nhưng chạy khỏe và mỗi lần chạm bóng vẫn gây được hứng thú cho người xem. Chính nhờ thể lực tốt và sự tận tụy mà Minh nhí luôn được các bạn bè ở nước ngoài mời sang tham gia thi đấu. Trong nhiều năm qua, ông đã sang Mỹ thi đấu các giải ở Dallas, San Diego hay Los Angeles. Đi đến đâu, ông đều được mến mộ bởi thi đấu hết mình, tạo nên nguồn động lực to lớn, truyền cảm hứng cho mọi người. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuu-danh-thu-viet-nam-mot-thoi-vang-bong-minh-nhi-nho-ma-co-vo-185250424220351077.htm
Bình luận (0)