Đại sứ Lý Quốc Tuấn trao hàng cứu trợ ngày 30/3. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Myanmar) |
Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lý Quốc Tuấn chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về công tác bảo hộ công dân sau thảm họa động đất kinh hoàng tại Myanmar ngày 28/3 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều người mất tích.
Xin ông cho biết tình hình hiện nay tại Myanmar sau trận động đất, cũng như cuộc sống, tâm lý của cộng đồng người Việt Nam ở sở tại sau thảm họa thiên nhiên gây hậu quả nghiêm trọng này?
Ngày 28/3/2025, hồi 12h50', một cơn địa chấn 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar, tâm chấn ở phía Nam vùng Sagaing, cách thủ phủ vùng Mandalay 16 km, Yangon 640 km và thủ đô Naypyidaw 200 km về phía Bắc. Đây là trận động đất mạnh nhất trong vòng 100 năm qua tại Myanmar.
Đến ngày 31/3, chính quyền Myanmar cho biết đã ghi nhận khoảng 1.700 người thiệt mạng tại các khu vực bị ảnh hưởng. Các nguồn tin khác đánh giá có 2.056 người thiệt mạng. Dự báo số người thiệt mạng, thương vong sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới.
Trận động đất lịch sử cũng gây ra thiệt hại rất lớn về người và nhà cửa, đường sá, cầu cống, chùa chiền, trường học... Tuy nhiên, chính quyền sở tại chưa đưa ra con số thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Nắm bắt tình hình cộng đồng là ưu tiên số một trong thảm họa, ngay trưa ngày 28/3, Đại sứ quán đã khẩn trương liên hệ với người Việt ở 6 bang/vùng chịu ảnh hưởng mạnh trên toàn lãnh thổ Myanmar.
Các doanh nghiệp như Công ty liên doanh viễn thông quốc tế (gọi tắt là Mytel), StreamNet, Viettel Construction (VCM) và chi nhánh tại các bang/vùng; cộng đồng và doanh nghiệp tập trung đông ở bang/vùng: Yangon, Mandalay, Naypyidaw, Magway, Bago, Shan... đến ngày 1/4 đều an toàn về người, không ai bị thiệt mạng hoặc chấn thương.
680 người Việt ở khu vực biên giới giữa Myanmar với Thái Lan bị dư chấn nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số doanh nghiệp có kho bãi, nhà ở Mandalay bị nứt tường nhà, đổ tường rào. Ảnh hưởng nhiều nhất là cột trạm phát sóng, dây dẫn viễn thông của công ty Mytel.
Ngoài ra, một đoàn 9 người Việt Nam đi Mandalay du lịch tự do đã an toàn quay lại Yangon vào ngày 30/3.
Về cơ bản, trận động đất lớn này chưa tác động ngay đến an ninh, an toàn công dân và doanh nghiệp Việt Nam ở Myanmar.
Người dân tìm kiếm tài sản trên đống đổ nát của một tòa nhà bị sập do động đất mạnh 7,7 độ richter ở Mandalay, Myanmar. (Nguồn: Getty Images) |
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đang triển khai các biện pháp, kế hoạch gì nhằm hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng này?
Ngay sau khi xảy ra động đất, Đại sứ quán đã khẩn trương triển khai một loạt biện pháp.
Thứ nhất, nắm chắc và thường xuyên cập nhật tình hình kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam ở các nơi, kể cả số 680 người Việt đang bị tạm giữ tại Myawaddy, sát biên giới với Thái Lan; báo cáo đề xuất Bộ Ngoại giao kế hoạch hồi hương số người ở Myawaddy.
Thứ hai, chia sẻ thông tin động đất cho cộng đồng, cập nhật tình hình, diễn biến và nhắc nhở các cá nhân, cộng đồng, tập thể chú ý bảo đảm an toàn về người, tài sản trong lúc khó khăn này.
Thứ ba, báo cáo ngay lập tức Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng trong nước về thảm họa.
Đại sứ Lý Quốc Tuấn cùng đoàn Việt Nam sang cứu trợ động đất tại Myanmar. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Myanmar) |
Đại sứ có khuyến nghị, khuyến cáo gì gửi tới cộng đồng và doanh nghiệp Việt đang sinh sống, làm ăn tại Myanmar?
Ngày 29/3, Đại sứ quán đã thông báo khuyến cáo công dân và doanh nghiệp đang có mặt tại Myanmar ngay lập tức tránh những điểm đang diễn ra dư chấn, không để nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, kể cả những người đang đi du lịch lẻ, tự do tại đây. Khuyến cáo được gửi qua điện thoại ngày 29/3, bằng văn bản ngày 30/3 để cộng đồng dễ dàng và kịp thời tiếp cận.
Đồng thời, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng có khuyến cáo tới công dân, tổ chức về việc đi lại tới Myanmar.
Trong bối cảnh hậu quả nặng nề do động đất gây nên hiện nay tại các vùng chịu ảnh hưởng, xin đề nghị bà con, doanh nghiệp đang ở Myanmar bình tĩnh, quan tâm đến an ninh, an toàn trong đi lại và sinh hoạt; không nên đi đến khu vực chính quyền sở tại tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đối với các cá nhân, tập thể trong nước, không nên tự tổ chức tham quan, du lịch vào thời điểm hiện nay; trừ những trường hợp công tác theo yêu cầu.
Cán bộ Đại sứ quán hướng dẫn công dân Việt Nam ở Kayin, Myanmar hoàn tất thủ tục hồi hương. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Myanmar) |
Trận động đất lớn này ắt hẳn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, nhưng vượt lên mọi khó khăn, trách nhiệm bảo hộ công dân luôn được ưu tiên hàng đầu… Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ trong quá trình triển khai công tác bảo hộ công dân sau vụ động đất?
Trong những năm qua, Đại sứ quán đã trải qua khó khăn chưa từng có tiền lệ, như đại dịch Covid-19 lan đến Myanmar từ tháng 3/2020 và sự thay đổi chính trị vào tháng 2/2021. Trong bối cảnh đó, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từ sinh hoạt đến công tác mọi mặt với trách nhiệm cao nhất, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc công tác.
Có thể thấy, trận động đất kinh hoàng vừa qua gây thiệt hại và khó khăn rất lớn cho đất nước và nhân dân Myanmar. Là những cán bộ ngoại giao Việt Nam đang ở địa bàn gặp khó khăn nhiều mặt, lần này lại là thiên tai lớn, tôi và tập thể Đại sứ quán xác định tư tưởng vững vàng; quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ và các cơ quan trong nước.
Từ năm 2020 đến nay, tại Myanmar đã diễn ra ba sự kiện lớn tác động toàn diện đến sở tại, Ngoại giao đoàn và Đại sứ quán, đó là dịch Covid-19, thay đổi chính trị và động đất, thiên tai.
Ngoài các nhiệm vụ chính trị - đối ngoại, công tác bảo hộ công dân luôn là một trọng tâm thực thi nhiệm vụ. Đại sứ quán đã thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tận tâm, tận lực với công dân và doanh nghiệp.
Những năm qua, Đại sứ quán và cá nhân tôi luôn nắm tình hình cộng đồng và doanh nghiệp mỗi khi có biến động về chính trị và xã hội. Đồng thời, Đại sứ quán cố gắng hết sức giải quyết các yêu cầu thường xuyên của công dân; bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thấu đáo. Đối với các sự kiện khủng hoảng, Đại sứ quán cũng nhanh chóng, khẩn trương xử lý.
Kết quả công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar trong những năm qua được thể hiện phần nào qua những con số "biết nói": Sơ tán 1.962 công dân bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19 năm 2020-2021; sơ tán khẩn trương, an toàn về nước 1.399 công dân bị mắc kẹt trong giao tranh tại thị trấn Laukkai, bang Shan năm 2023; và hiện nay tiếp tục khẩn trương phối hợp giải quyết đưa về nước 680 người đang bị tạm giữ tại bang Kayin ở biên giới giữa Myanmar và Thái Lan.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ!
Từ phải sang: Bí thư thứ nhất Nguyễn Công Sơn và Bí thư thứ nhất Nguyễn Xuân Lộc của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar làm việc với cơ quan chức năng sở tại về công dân Việt Nam bị tạm giữ ở bang Kayin, Myanmar ngày 27/3. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-ly-quoc-tuan-tan-tam-tan-luc-bao-ho-cong-dan-viet-nam-sau-dong-dat-tai-myanmar-309641.html
Bình luận (0)