Bộ Công Thương đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chính sách thuế của Mỹ công bố ngày 2/4 (theo giờ địa phương) sẽ tác động trực tiếp tới nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trước các biến động của thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp cần chủ động để thích ứng, đặc biệt việc khai thác các thị trường mới cũng là giải pháp tối ưu để có thể giảm thiểu thiệt hại khi căng thẳng thương mại đang ngày càng diễn biến khó lường.
Chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường
Chiều 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế và có hiệu lực từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%.
Với chính sách này, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công Thương), mức thuế của Mỹ với Việt Nam là mức cao đáng kể (chỉ đứng sau Campuchia 49%). Mức thuế với Việt Nam thậm chí cao hơn cả Trung Quốc 34%, EU 20%, Ấn Độ 26%, Nhật Bản 24%. Mức thuế này nếu áp dụng sẽ rất bất lợi với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế đối ứng bao gồm: các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép/nhôm và ôtô/phụ tùng ôtô đã chịu thuế theo Mục 232. Ngoài ra, các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Hoa Kỳ.
Ông Hưng thông tin, theo cách hiểu của một số chuyên gia sau khi nghiên cứu Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, hiện chưa rõ liệu sau khi Hoa Kỳ áp dụng thuế quan chung với tất cả các quốc gia 10% vào ngày 05/4/2025 có cộng gộp với thuế đối ứng với từng đối tác (60 quốc gia) vào ngày 09/4/2025 hay không.
Bên cạnh đó, Sắc lệnh thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm tập trung việc áp dụng các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ với mục đích giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian dài không còn chỉ là vấn đề kinh tế mà đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và cuộc sống của người dân Mỹ. Các mức thuế quan này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không có đi có lại cơ bản được giải quyết hoặc giảm thiểu.
Ông Hưng cho biết Sắc lệnh cũng nêu việc Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên phòng Hoa Kỳ (CBP) sẽ đưa ra hướng dẫn về cách đánh thuế đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Hoa Kỳ (theo đó, căn cứ hàm lượng Hoa Kỳ trong hàng hoá nhập khẩu ít nhất là 20%).
"Ngay sau khi Mỹ ban hành bảng thuế, Thương vụ đã liên hệ với đại diện USTR (Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) để tìm hiểu kỹ hơn các căn cứ để tính toán và một số thông tin liên quan khác," ông Hưng cho hay.
Đối với ngành gỗ, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên 9 tỷ USD sản phẩm gỗ, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp. Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 332 triệu USD, trong đó 301 triệu USD là gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu với mức thuế bằng 0%, còn lại trên 20 triệu USD sản phẩm gỗ với mức thuế từ 15-25%.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho hay việc Chính phủ ban hành nghị định 73/CP ngày 31/3 vừa qua về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế hơn.
“Giải pháp chủ động của doanh nghiệp là quan tâm tới đa dạng hóa thị trường, đề phòng bất trắc xảy ra trên thị trường trong bối cảnh mà có xu hướng thương mại tự do hóa, vừa có xu hướng bảo hộ, tăng cường rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại của các thị trường lớn, đồng thời ứng phó thêm là tăng cường năng lực phòng vệ thương mại," ông Hoài nói.
Doanh nghiệp dệt may đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Với ngành dệt may, thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ tương đối lớn, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 40%. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Hưng Yên việc áp thuế đối với dệt may như tuyên bố của Tổng thống Mỹ cũng là vấn đề đáng báo động đối với nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Dương cho biết mặc dù Mỹ không phải là nước trực tiếp sản xuất ra sản phẩm may mặc, chủ yếu nhập khẩu song các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với vấn đề tăng thuế từ thị trường này.
“Doanh nghiệp đang định hướng chuyển dịch dần sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng như: Nga, Australia, NewZealand, cũng như tận dụng lộ trình giảm thuế thông qua FTA đã ký với châu Âu để tăng cường xuất khẩu…,” ông Dương thông tin.
Cơ cấu hàng hóa có tính bổ trợ cho nhau
Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995), 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và 2 năm nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang phát triển ngày một tích cực, vững chắc trên tất cả lĩnh vực, trong đó, trụ cột kinh tế-thương mại-đầu tư đóng vai trò là động lực chủ chốt thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam và đang dần trở thành nguồn cung về các sản phẩm máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ, năng lượng cho Việt Nam.
Về đầu tư, Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam, với hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, trong khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.
Ký kết biên bản ghi nhớ về việc mua sắm thiết bị và dịch vụ phục vụ các nhà máy điện khí giữa PVPower và GE Vernova ngày 13/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đặc biệt, ngày 13/3 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ Năng lượng (DOE) và các cơ quan liên quan, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và chứng kiến buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo đó, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước, trong đó các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết và sẽ triển khai từ năm 2025 là 50,15 tỷ USD tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu.
Ngoài ra, các hợp đồng, thỏa thuận ký kết ngày 13/3 trị giá 4,15 tỷ USD và các thỏa thuận đang được doanh nghiệp hai bên đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian tới trị giá khoảng 36 tỷ USD.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy nền kinh tế và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam-Hoa Kỳ có tính bổ trợ cho nhau nên kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh, ổn định nhiều năm qua, bảo đảm các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn xây dựng mối quan hệ quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ, đồng thời không có ý định tạo ra bất cứ cản trở nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh kinh tế, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang chủ động triển khai nhiều nhóm giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ một cách toàn diện, hài hòa và bền vững.
Đặc biệt trong ngày hôm qua (1/4), Bộ trưởng Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi cũng như tạo hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy thương mại với các đối tác chiến lược.
Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, trong thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Để đảm bảo các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, thí dụ như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu EU. Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay về phía Bộ Công Thương đã kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp để nắm được những biến động của thị trường và các chính sách lớn của các thị trường nhập khẩu, qua đó doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất-kinh doanh của mình.
“Bộ cũng mong các doanh nghiệp có sự chủ động, linh hoạt và đặc biệt trong sản xuất, xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, cụ thể là sản xuất theo các tín hiệu của các thị trường,” bà Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị./.
(Vietnam+)
Bình luận (0)