Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đánh giá: "Doanh nghiệp tự do và cạnh tranh đã đặt nền tảng cho thành công của phương Tây. Đây là lý do vì sao người Mỹ có thể nghe nhạc trên Spotify của Thụy Điển và chúng tôi, những người Thụy Điển, có thể nghe cùng một bản nhạc trên iPhone của Mỹ... Tôi vô cùng tiếc nuối về cách thức mà Mỹ đã lựa chọn khi tìm cách hạn chế thương mại thông qua việc áp thuế quan cao hơn”.
Cũng trên trang mạng X, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đăng dòng trạng thái: "Tình bạn đồng nghĩa với quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác bao gồm thuế quan ương ứng. Cần có những quyết định phù hợp”.
Từ Đan Mạch, Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen bình luận: "Tôi thấy bối rối... Không có ai thắng, mà tất cả đều thua. Thay vì xây tường, chúng ta nên phá bỏ rào cản. Châu Âu cần đoàn kết. Châu Âu sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ và tương xứng”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài NRK, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth nói: “Chúng tôi đang tính toán và phân tích tình hình. Nhưng rõ ràng là tình hình hiện nay rất nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và có ý nghĩa sống còn đối với Na Uy”.
Quang cảnh cảng container ở thị trấn Felixstowe, Suffolk, Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Từ London, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh: "Chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai". Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Thủ tướng Starmer cam kết sẽ có cách tiếp cận thận trọng với chính sách thuế của Chính quyền Tổng thống Trump và tránh để bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh cũng nói rõ London đã chuẩn bị cho mọi tình huống và không loại trừ "bất cứ điều gì".
Thủ tướng Starmer cũng cho biết Anh và Mỹ đang có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về một thỏa thuận kinh tế tiềm năng mà ông hy vọng sẽ có thể kéo giảm mức thuế của Mỹ đối với Anh. Trong các cuộc đàm phán, Anh đề nghị bãi bỏ hoặc giảm thuế dịch vụ kỹ thuật số và chỉ áp mức thuế 2% đối với doanh thu của một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm các "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ như Google, Amazon và Microsoft.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Sir Ed Davey kêu gọi Thủ tướng Starmer hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác để xây dựng các biện pháp trả đũa trong cái mà ông gọi là "liên minh kinh tế của những người sẵn sàng".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves, trong một phát biểu tại Ủy ban Tài chính của Quốc hội, lại cho rằng không nên vội vàng đáp trả thuế quan của Mỹ khi xét đến những nỗ lực liên tục của Anh trong thời gian qua nhằm đạt được một thỏa thuận kinh tế với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bà Reeves cũng cho biết đã trao đổi với Ủy viên kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis trong khuôn khổ các cuộc thảo luận với nhiều quốc gia khác cũng như với EU về cách ứng phó thuế quan của Mỹ. Người đứng đầu ngành tài chính Anh nhắc lại mong muốn các rào cản thương mại sẽ được hạ thấp, đồng thời cảnh báo Anh có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ những hậu quả toàn cầu rộng lớn hơn từ bất kỳ mức thuế nào của Mỹ.
Nguồn:https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-sach-thue-cua-my-lanh-dao-nhieu-nuoc-chau-au-bay-to-lo-ngai-20250403090422492.htm
Bình luận (0)