Liên kết chặt chẽ
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhấn mạnh công nghiệp là động lực tăng trưởng đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – nhôm và sau nhôm của quốc gia.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong ngắn hạn, Đắk Nông tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít - alumin - nhôm. Trước mắt, tỉnh sẽ phát triển chuỗi bô xít nhôm kết hợp với các ngành công nghiệp phụ trợ.
.jpg)
Đối với phát triển sâu sản phẩm bô xít, nhôm, địa phương đầu tư nâng cấp công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong giai đoạn tới. Tỉnh hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan để đưa dự án sản xuất nhôm của doanh nghiệp Trần Hồng Quân đi vào hoạt động, sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm.
Việc hoàn tất hồ sơ đưa thủ tục, đưa các tổ hợp dự án bô xít - alumin - nhôm mới và các dự án liên quan khác đi vào hoạt động sẽ được tính toán.
Đắk Nông tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất sau nhôm và sản phẩm sau nhôm, từng bước đưa tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Về chế biến quặng bô xít alumin nhôm, trong giai đoạn 2021 - 2030, địa phương đầu tư công suất các Nhà máy Alumin Nhân Cơ từ 650.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm.
Đắk Nông hướng đến đầu tư Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 khu vực tại huyện Đắk Glong, với công suất từ 1,5 - 2 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn này, Đắk Nông sẽ song song đầu tư các nhà máy alumin Đắk Nông 3, Đắk Nông 4 và Đắk Nông 5.
.jpg)
Sau 2030, tuỳ theo khả năng tiêu thụ của thị trường, tỉnh xem xét đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án alumin Nhân Cơ, Đắk Nông 2, Đắk Nông 3, Đắk Nông 4, Đắk Nông 5.
Riêng đối với tổ hợp điện phân nhôm, Đắk Nông phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào sản xuất Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, với công suất 0,3 triệu tấn nhôm kim loại/năm. Địa phương sử dụng alumin của các nhà máy trong khu vực để phát triển thành sản phẩm nhôm.
Đắk Nông đầu tư mới từ 1 - 2 dự án sản xuất nhôm kim loại gắn với tự đầu tư, bảo đảm nguồn nguyên liệu. Tổng công suất dự kiến từ 450.000 - 900.000 tấn/năm.
Cùng với phát triển nhôm, các ngành công nghiệp phụ trợ khác như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, các ngành công nghiệp tiềm năng sẽ được Đắk Nông chú trọng đầu tư. Tất cả đều hướng đến nền công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.
Về công nghiệp năng lượng, Đắk Nông đẩy mạnh phát triển, trong đó, ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời gắn với quy hoạch phát triển điện quốc gia. Sử dụng công nghệ hiện đại theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Đối với các ngành công nghiệp tiềm năng như: công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí…, Đắk Nông duy trì, bảo đảm công suất các dự án. Việc khuyến khích các nhà máy đổi mới công nghệ khai thác. Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ được chú trọng.
.jpg)
Cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ, Đắk Nông hợp tác với các địa phương khác trong vùng để chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển phục vụ cho công nghiệp bô xít nhôm và cho vùng Tây Nguyên.
Tỉnh điều phối các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sản xuất bô xít, nhôm, luyện kim và công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.
Tất cả tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ trong cung ứng nguyên liệu, năng lượng và chế tạo sản phẩm. Từ đây, hình thành một tổ hợp công nghiệp có tính hệ thống và phát triển vững mạnh.
Hài hòa lợi ích
Phát triển công nghiệp bô xít - nhôm - luyện kim và năng lượng phục vụ công nghiệp là trụ cột chính cho sự phát triển của Đắk Nông trong tương lai.
Vì vậy, Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tổ hợp. Tuy nhiên, sự phát triển này trên định hướng bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo Quyền Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông Trần Đình Ninh, trong quá trình phát triển, tỉnh tập trung thu hút các dự án khai thác bô xít, sản xuất nhôm, sản phẩm sau nhôm.
Đắk Nông mở rộng đầu tư mới các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin phù hợp với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.
Việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh vào các dự án chế biến sau nhôm, với công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường sẽ được tỉnh ưu tiên. Đắk Nông khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu đầu tư về công nghệ xử lý bùn đỏ và tái chế sử dụng bùn đỏ.
.jpg)
Vấn đề hoàn thổ và phương án sử dụng đất sau hoàn thổ có hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của sản xuất bô xít - nhôm đến môi trường và người dân trong vùng sẽ được chú trọng.
“Định hướng của tỉnh khuyến khích các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn cung cấp tại chỗ năng lượng điện cho công nghiệp điện phân nhôm, chế biến các sản phẩm sau nhôm. Hệ thống tổ hợp sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp sản xuất nhôm trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh”, ông Ninh cho biết.
Về mặt bằng, thủ tục cho thuê đất, giá đất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bô xít, nhôm và sau nhôm sẽ được Đắk Nông ưu tiên.
Địa phương tập trung thực hiện dịch vụ hành chính công liên thông, trọn gói đối với các dự án đầu tư quan trọng, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông xác định công nghiệp bô xít – alumin – nhôm và các ngành sau nhôm là ngành mũi nhọn. Tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp Nhà máy Alumin Nhân Cơ, xây dựng thêm các tổ hợp alumin, phát triển công nghiệp điện phân nhôm và các ngành phụ trợ.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-huong-toi-chuoi-san-xuat-nhom-khep-kin-250539.html
Bình luận (0)