Từ vùng đất đỏ giàu tiềm năng bô xít, Đắk Nông đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia, với mục tiêu hình thành chuỗi sản xuất hiện...
Báo Đắk Nông•29/04/2025
Từ vùng đất đỏ giàu tiềm năng bô xít, Đắk Nông đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia, với mục tiêu hình thành chuỗi sản xuất hiện đại – từ khai thác, chế biến đến tạo ra sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đắk Nông đang từng bước xác lập vai trò chiến lược của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam, với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của cả nước.
Mục tiêu này được xác định trong định hướng phát triển của tỉnh và được Trung ương đưa vào quy hoạch quốc gia, mở ra một chương mới cho vùng đất đỏ bazan giàu tiềm năng.
Đắk Nông là “hạt nhân” trọng điểm, với nhiều lợi thế vượt trội cả về trữ lượng quặng bô xít, điều kiện khai thác lẫn vị trí chiến lược
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Việt Nam sở hữu tiềm năng bô xít lớn, tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, Đắk Nông, Lâm Đồng là những địa phương có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển ngành bô xít.
Giai đoạn 2021-2030, Đắk Nông đầu tư công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ từ 650.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm
Về thăm dò bô xít, giai đoạn đến năm 2030 thực hiện 19 đề án, trong đó, 2 tỉnh Tây Nguyên có số dự án nhiều: Đắk Nông 7 dự án, Lâm Đồng 8 dự án.
Đối với khai thác bô xít, giai đoạn đến năm 2030 duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có, mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ; đầu tư mới 4-5 dự án khai thác mỏ tại Đắk Nông, 2-3 dự án khai thác mỏ tại Lâm Đồng.
Về chế biến, đến năm 2030, nâng công suất chế biến 2 nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2 triệu tấn/năm; hoàn thành thí điểm Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông và đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước...
Giai đoạn 2031 - 2050, kỳ vọng đạt 12 – 19 triệu tấn alumin và 2,2 – 2,5 triệu tấn nhôm kim loại mỗi năm...
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm, trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
Trong tổng thể quy hoạch, Đắk Nông hiện lên như một “hạt nhân” trọng điểm, với nhiều lợi thế vượt trội cả về trữ lượng quặng, điều kiện khai thác lẫn vị trí chiến lược.
Nhiều khu vực giàu tài nguyên bô xít tại tỉnh đã được đưa vào quy hoạch thăm dò và khai thác, bao gồm Nhân Cơ, Tuy Đức, Quảng Tín, Nhân Đạo, Quảng Sơn, Đắk Ha...
Đặc biệt, tổ hợp bô xít – alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, hiện đang vận hành hiệu quả. Đây được xem là mô hình mẫu trong công cuộc phát triển công nghiệp chế biến sâu quặng bô xít.
Không chỉ dừng lại ở khai thác, chế biến alumin, Đắk Nông còn được quy hoạch để phát triển các tổ hợp luyện nhôm hiện đại. Đắk Nông sẽ là địa bàn chủ lực để triển khai các dự án alumin và nhôm kim loại, với định hướng hình thành trung tâm công nghiệp nhôm của cả nước.
Nhiều khu vực giàu tài nguyên bô xít tại tỉnh Đắk Nông đã được đưa vào quy hoạch thăm dò và khai thác
Với tinh thần đó, Đắk Nông đã xác định phát triển công nghiệp nhôm là mục tiêu kinh tế, là chiến lược để bứt phá và tái cấu trúc nền kinh tế địa phương. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2020 –2025), Đắk Nông đã chọn phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo là một trong ba trụ cột tăng trưởng kinh tế, song hành cùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch sinh thái.
Việc hình thành và vận hành các nhà máy sản xuất alumin do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư là bước đi quan trọng trong ngành công nghiệp nhôm
Đặc biệt, theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm quốc gia và đến năm 2050, trở thành trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của cả nước. Đây không chỉ là khẩu hiệu, mà là định hướng cụ thể với các bước đi rõ ràng: tập trung đầu tư hạ tầng công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực luyện nhôm, sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ nhôm; gắn phát triển công nghiệp với kinh tế xanh, công nghệ cao và bảo vệ môi trường bền vững...
Công ty Nhôm Đắk Nông đã thử nghiệm việc phủ lớp bùn sau tuyển rửa lên bề mặt, sau đó trồng keo lên trên
Từ lợi thế, Đắk Nông đang từng bước triển khai các giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của Việt Nam.
Những bước đi đầu tiên đang cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc bứt phá từ tài nguyên thô đến công nghiệp chế biến sâu, hiện đại và bền vững.
Việc hình thành và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư là bước đi quan trọng trong ngành công nghiệp nhôm
Một trong những bước đi quan trọng là việc hình thành và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ – do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư.
Dự án có công suất ban đầu 650.000 tấn alumin/năm, đi vào hoạt động ổn định từ năm 2017 và hiện nay đang hoạt động đạt hiệu quả cao. Nhà máy là “viên gạch đầu tiên” trong chuỗi công nghiệp nhôm của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm và phát triển hạ tầng công nghiệp.
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đang hướng đến doanh nghiệp số vào năm 2030
Nếu sản xuất alumin là bước khởi động thì luyện nhôm mới là bước đi đột phá để Đắk Nông khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp nhôm.
Nhằm hiện thực hóa điều này, Đắk Nông kêu gọi đầu tư triển khai Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông.
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang sản xuất thành phẩm có giá trị cao; làm chủ công nghệ luyện kim nhôm, vốn là lĩnh vực đặc thù và đòi hỏi kỹ thuật cao; gắn kết ngành nhôm với các lĩnh vực khác như năng lượng, vật liệu mới, công nghiệp phụ trợ…
UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố 12 mỏ bô xít là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, với tổng diện tích trên 354km², phân bố rộng khắp tại các địa phương như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa. Đây là các khu vực có hàm lượng nhôm cao, thuận lợi cho khai thác và chế biến với quy mô công nghiệp.
Bô xít được khai thác lộ thiên từ các vùng đất đỏ ở huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)
Việc công bố các mỏ này nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, đặt nền móng pháp lý và quy hoạch rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Trên cơ sở đó, tỉnh có thể chủ động cấp chủ trương cho các dự án thăm dò, khai thác và chế biến bô xít theo hướng tuần hoàn, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp nhôm bền vững. Đây là bước đi thể hiện tư duy dài hạn và hành động cụ thể – từ khâu kiểm soát tài nguyên, chuẩn bị đất đai, hạ tầng cho đến việc định hướng nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu...
Đắk Nông phấn đấu năm 2025 cấp chủ trương đầu tư từ 1 - 2 dự án tổ hợp nhà máy chế biến quặng bô xít. Trước khi cấp chủ trương đầu tư, tỉnh sẽ thẩm định kỹ năng lực của các nhà đầu tư nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính khả thi của dự án.
Công nhân vận hành tại khu vực lò nung của Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông)
Tỉnh Đắk Nông đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các dự án bô xít, do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, với nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, tháo gỡ khó khăn, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai. Tỉnh đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm, làm cơ sở pháp lý để ban hành các chính sách đồng bộ. Đắk Nông báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin – nhôm.
“
Từ những tấn alumin đầu tiên tại Nhân Cơ, Đắk Nông đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ luyện nhôm và xuất khẩu sản phẩm giá trị cao. Dù hành trình còn nhiều thách thức nhưng với lợi thế tài nguyên và xu hướng ưa chuộng vật liệu xanh, nhôm đang trở thành chìa khóa phát triển mới của Việt Nam.
Những bước đi đầu tiên đã đặt nền móng rõ ràng cho khát vọng lớn. Đắk Nông không chỉ dừng lại ở khai thác tài nguyên thô, mà đang định hình một chuỗi giá trị công nghiệp nhôm hoàn chỉnh: từ quặng bô xít – sản xuất alumin – luyện nhôm – sản phẩm công nghiệp chế biến sâu.
Với định hướng, mục tiêu rõ ràng từ Trung ương, cùng quyết tâm từ địa phương và sự tham gia của các tập đoàn lớn, Đắk Nông đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá trở thành thủ phủ công nghiệp nhôm của Việt Nam.
Đây là bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, là sự khẳng định vị thế của Tây Nguyên trên bản đồ công nghiệp nặng quốc gia.
Năm 2025, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV dành gần hơn 7,9 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động
Một trong những bước đi rõ rệt để hiện thực hóa sản phẩm nhôm ngay trên địa bàn là Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư.
Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, với diện tích 129,42ha và tổng công suất thiết kế lên đến 450.000 tấn nhôm/năm, chia làm 3 phân kỳ.
Hệ thống điều khiển tại nhiều phân xưởng chủ lực của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được đầu tư nâng cấp thường xuyên
Hiện tại, nhà máy đã hoàn thành xây dựng khu văn phòng, khu nhà ở cho chuyên gia, cùng với nhà xưởng ...
Song song đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống lưới điện mạch vòng 220kV cấp điện cho dự án, bảo đảm đủ nguồn điện cho quá trình điện phân nhôm – một trong những khâu đòi hỏi năng lượng lớn và ổn định nhất trong chuỗi sản xuất.
Dự kiến quý II/2026, nhà máy sẽ đi vào vận hành sản xuất phân kỳ 1 với công suất 150.000 tấn nhôm/năm. Dự án này là bước đi quan trọng để sản xuất nhôm kim loại ngay tại địa phương và là cột mốc đánh dấu việc Đắk Nông chính thức bước vào chuỗi sản xuất nhôm hoàn chỉnh, từ khai thác bô xít – chế biến alumin – luyện nhôm – sản phẩm công nghiệp.
Các dây chuyền sản xuất tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV được vận hành tự động
Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề xuất và đang chuẩn bị triển khai tổ hợp bô xít – alumin – nhôm Đắk Nông 2, với công suất lên tới 2 triệu tấn alumin và 0,5 – 1 triệu tấn nhôm/năm.
Đây là một trong những tổ hợp công nghiệp lớn nhất ngành nhôm ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ hệ thống dự án liên quan là hơn 182.000 tỷ đồng.
Vận chuyển sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ tới nơi tiêu thụ
Việc sản xuất nhôm ngay tại Đắk Nông là bước chuyển quan trọng giúp nâng tầm giá trị tài nguyên, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô và mở ra khả năng xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp nhôm bền vững.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để địa phương đón đầu xu thế phát triển năng lượng tái tạo, xe điện, vật liệu nhẹ – xanh – tái chế, vốn đang là xu hướng toàn cầu.
“
Với định hướng, mục tiêu rõ ràng từ Trung ương, cùng quyết tâm từ địa phương và sự tham gia của các tập đoàn lớn, Đắk Nông đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá trở thành thủ phủ công nghiệp nhôm của Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, là sự khẳng định vị thế của Tây Nguyên trên bản đồ công nghiệp nặng quốc gia.
Câu chuyện nhôm ở Đắk Nông là câu chuyện phát triển kinh tế, câu chuyện về khát vọng, bản lĩnh và niềm tin. Niềm tin rằng từ vùng đất đỏ này, Việt Nam sẽ có một “thủ phủ nhôm” mang tầm vóc quốc tế. Niềm tin rằng từ lòng đất, những gì bền vững và giá trị nhất sẽ được đánh thức bằng trí tuệ con người.
Thực hiện: Thùy Dương, Lê Dung, Lê Phước, Nguyễn Lương Trình bày: Nguyễn Hiền (Trong bài có sử dụng một số hình ảnh tư liệu)
Bình luận (0)