Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thủ phủ nhôm và đòi hỏi giao thông, nhân lực, môi trường

Ngành công nghiệp nhôm Đắk Nông đang phát triển mạnh mẽ, nhưng để bứt phá cần giải quyết đồng bộ bài toán hạ tầng giao thông, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực kỹ...

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông29/04/2025

Ngành công nghiệp nhôm Đắk Nông đang phát triển mạnh mẽ, nhưng để bứt phá cần giải quyết đồng bộ bài toán hạ tầng giao thông, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, bền vững.

nen1(1).jpg
tit1(1).png

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư, đưa vào vận hành hai dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Tây Nguyên. Hiện nay, quặng bô xít từ các mỏ về nhà máy tuyển được vận chuyển bằng ô tô chuyên dùng, sử dụng đường nội bộ trong mỏ. Tinh quặng bô xít (sau tuyển rửa) được đưa về nhà máy sản xuất alumin được vận chuyển bằng băng tải, có mái che.

h9.jpg
Tinh quặng bô xít (sau tuyển rửa) được đưa về nhà máy sản xuất alumin

Sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Tân Rai và Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đều được xuất khẩu. Sau quá trình chế biến, sản phẩm alumin sẽ được các xe ô tô tải vận chuyển bằng đường bộ từ nhà máy xuống cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai). Ở chiều ngược về, các xe tải này sẽ chở than từ cảng lên các nhà máy.

Xe vận chuyển alumin
Xe vận chuyển alumin

Theo TKV, mỗi nhà máy alumin vận chuyển hàng hóa đi - về khoảng gần 23.000 chuyến mỗi năm. Các xe vận chuyển có tải trọng lớn, lưu thông trên các tuyến đường đèo dốc, nhỏ hẹp và qua các khu dân cư nên dễ gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong kế hoạch của mình, khoảng năm 2030, TKV sẽ nâng công suất lên 2 triệu tấn mỗi nhà máy. Tại Lâm Đồng, TKV sẽ xây dựng một nhà máy điện phân nhôm có công suất 0,5 triệu tấn/năm. Tại Đắk Nông, TKV sẽ đầu tư mới thêm Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 với công suất 2 triệu tấn alumin và 0,5 triệu tấn nhôm/năm.

8.jpg
Khai thác bô xít tại mỏ bô xít khu vực huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Dự kiến sau khi đầu tư, TKV có thể sản xuất đạt sản lượng lớn nhất là 6 triệu tấn alumin và 1 triệu tấn nhôm mỗi năm. Riêng tại Đắk Nông, sản lượng thiết kế có thể lên tới 4 triệu tấn alumin và 0,5 triệu tấn nhôm. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng gấp hơn 6 lần so với hiện tại, gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông.

h12(1).jpg
Chế biến quặng bô xít thành alumin (nguyên liệu chính để luyện nhôm) ở Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Không riêng gì TKV, hiện nhiều tập đoàn trong nước đã nộp hồ sơ để đầu tư, khai thác, chế biến bô xít tại Đắk Nông với tổng vốn đăng ký lớn. Theo quy hoạch của Trung ương, Đắk Nông sẽ xây dựng thêm 4 nhà máy về khai thác, chế biến bô xít với tổng mức đầu tư mỗi dự án không dưới 1 tỷ USD. Đây là thời cơ rất lớn để Đắk Nông bứt phá, phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

nhom5.jpg
Khoảng năm 2030, TKV sẽ nâng công suất lên 2 triệu tấn alumin mỗi nhà máy

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông vận tải của khu vực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Riêng với Đắk Nông, hiện nay chỉ có duy nhất phương thức vận tải là đường bộ. Đây là điểm nghẽn lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc mở rộng các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị nhôm nói riêng.

h3.png
h4.png
1920x1080-0.png
1920x1080-4.png
1920x1080-1.png

________________

tit2(1).png

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, do nguồn lực hạn chế, việc đầu tư hạ tầng giao thông tại Đắk Nông chưa đồng bộ. Để phát huy lợi thế và thúc đẩy khát vọng phát triển, Đắk Nông xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định, phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của tỉnh.

anh-10-352a2492.jpg
Lễ khởi công Dự án thành phần 2 của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được tỉnh Đắk Nông tổ chức trang trọng ngày 28/4/2025

Thời gian qua, Đắk Nông đã tích cực phối hợp với tỉnh Bình Phước thúc đẩy triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Dự án này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 6/2024.

anh-11.jpg
Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc Việt - một trong những nhà thầu thi công dự án - đã đưa máy móc đến tập kết để thi công ngay sau lễ khởi công

Cuối tháng 4/2025, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông đã đồng loạt tổ chức khởi công dự án thành phần đi ngang qua địa bàn, thuộc dự án cao tốc. Dự kiến, cao tốc sẽ đầu tư và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027. Ở một hướng khác, tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông hiện đã làm việc và thống nhất đầu tư các tuyến giao thông kết nối địa phương. Trong đó, hai tỉnh xúc tiến về việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28 và xây dựng tuyến đường giao thông động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Hiện nay, các tỉnh đang xúc tiến khảo sát tuyến đường cao tốc kết nối TP. Phan Thiết (Bình Thuận) - TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) - TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). 3 tỉnh sẽ họp và thống nhất phương án đầu tư hợp lý nhất để kiến nghị Trung ương bổ sung tuyến cao tốc này vào quy hoạch.

anh-11-352a2502.jpg
Đông đảo người dân địa phương tham dự lễ khởi công tìm hiểu thông tin hướng tuyến, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Nếu các trục đường được nâng cấp và cao tốc kết nối 3 tỉnh hình thành, Đắk Nông sẽ có thêm trục kết nối sang phía Đông, hướng ra biển.

Cung đường vận chuyển chuỗi sản xuất nhôm nói riêng, hàng hóa nói chung từ Đắk Nông sẽ có thêm lựa chọn khi di chuyển qua Lâm Đồng, kết nối xuống TP. Hồ Chí Minh bằng cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được xúc tiến đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: Cao tốc được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới đối với Đắk Nông và Tây Nguyên. Những con đường này sẽ góp phần gỡ được điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo thành đột phá cho ngành công nghiệp nhôm nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.

box1.gif
dji_0567.jpg
tit3.png

Ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm đang trên đà phát triển, kéo theo đó là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm ổn định, lâu dài.

nhom4.jpg
Nguồn nhân lực Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV luôn được quan tâm đào tạo

Không chỉ dừng lại ở sản xuất, tại nhà máy luôn chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ công nhân vận hành thiết bị đến công nghệ tự động hóa, số hóa… tất cả đều được đầu tư, đào tạo bài bản và liên tục cập nhật kiến ​​thức.

Hàng năm, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV luôn dành nguồn lực nhất định cho công tác đào tạo. Riêng năm 2025, công ty dành hơn 7,9 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn đơn vị.

h11.jpg
Từ công nhân vận hành thiết bị đến công nghệ tự động hóa, số hóa…đều được đầu tư, đào tạo bài bản và liên tục cập nhật kiến ​​thức

Lãnh đạo công ty cho biết, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của công ty trong bối cảnh tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Công tác đào tạo được phát triển đồng đều ở cả 3 đối tượng lao động chính trong công ty, bao gồm: cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung; chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, quản lý; công nhân kỹ thuật các ngành nghề chính. Đây chính là 3 trụ cột không thể thiếu để phát triển công ty trong giai đoạn mới.

Ngoài Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông đã quy hoạch xây dựng 4 dự án nhà máy alumin thực hiện chế biến quặng bô xít tại các cụm mỏ số 2, 3, 4, 5. Đó là: Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 (Đắk Glong); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 3 (Đắk Song); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 4 (Tuy Đức); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 5 (Đắk Glong).

anh2(1).png
Nhà máy alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Đắk Nông hiện đã thống nhất cho chủ trương đầu tư các dự án tổ hợp nhà máy chế biến quặng bô xít thuộc các cụm mỏ 2, 3, 4, 5 bảo đảm phù hợp với Quyết định 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đúng quy định pháp luật.

Các dự án đang xin chủ trương đầu tư đều tập trung vào chế biến sâu khoáng sản bô xít và tối thiểu phải cho ra sản phẩm alumin. Công nghệ chế biến alumin, luyện nhôm và các sản phẩm sau nhôm của các dự án đều tiên tiến, trang thiết bị hiện đại.

nhom2.jpg
Dây chuyền sản xuất bô xít - alumin

Tương tự, Nhà máy Điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân dự kiến sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên vào quý II/2026. Khi đi vào hoạt động, dự án đóng góp khoảng 900 triệu USD vào GDP của tỉnh mỗi năm. Và đặc biệt là tạo ra khoảng 950 việc làm trực tiếp.

Việc đầu tư số lượng lớn các tổ hợp bô xít - alumin - nhôm này tại Đắk Nông đang đòi hỏi một nguồn lao động lớn, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu vận hành cho các nhà máy.

Không nằm ngoài xu thế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện đã xác định chiến lược phát triển ngành nhôm. Giai đoạn 2021 – 2030, TKV đặt mục tiêu sản xuất từ ​​1,4 - 2,8 triệu tấn alumin mỗi năm và sản xuất ra tấn nhôm thỏi đầu tiên vào năm 2030. Giai đoạn tiếp theo, sản phẩm alumin của TKV có thể đạt tới 4 – 6 triệu tấn/năm. Để thực hiện mục tiêu này, nguồn nhân lực luôn được đơn vị xác định là yếu tố then chốt.

a6.jpeg
Giai đoạn 2021 – 2030, TKV đặt mục tiêu sản xuất từ ​​1,4 - 2,8 triệu tấn alumin mỗi năm

Ông Nguyến Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc TKV thông tin, đơn vị hiện đã và đang phát triển nhiều chính sách cải cách trong tuyển dụng, đào tạo, hợp tác quốc tế. Theo đó, tập đoàn sẽ hợp tác đào tạo với nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, tập trung đào tạo, tuyển dụng nguồn lực chất lượng cao có trình độ ngoại ngữ, có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế.

Tập đoàn tiếp tục cử cán bộ các cấp đi học hỏi, tham quan thực tế tại các mỏ nước ngoài có trình độ công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại. Tập đoàn tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm quản lý vận hành với các tổ chức quốc tế…

nhom1.jpg
Việc đầu tư số lượng lớn các tổ hợp bô xít - alumin - nhôm này tại Đắk Nông đang đòi hỏi một nguồn lao động lớn

Công nghiệp nhôm đang trên đà bứt phá. Bài toán nguồn nhân lực cũng cần được giải quyết bằng một chiến lược dài hạn, bài bản và đồng bộ. Đào tạo phải đi trước một bước, bởi chỉ khi con người làm chủ được công nghệ, ngành công nghiệp này mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế bền vững.

box2.gif

_______________

tit4.png

Môi trường trong chuỗi sản xuất nhôm đang được kiểm soát tốt và kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi khi áp dụng thêm công nghệ hiện đại.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, ngay từ khi bắt đầu triển khai vào năm 2010 đã được yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường. Năm 2017, nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và liên tục cập nhật các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro môi trường. Hệ thống thu gom nước thải, giảm tiếng ồn và xử lý bụi cũng được nâng cấp, giúp chất lượng không khí và nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép.

h4(1).jpg
Ngay từ khi bắt đầu triển khai sản xuất đã được yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường

Trong quá trình vận hành, Nhà máy Alumin Nhân Cơ từng đối mặt với một số vấn đề môi trường. Đáng chú ý, vào tháng 9/2017, nước thải sau xử lý từ hồ chứa bị rò rỉ do mưa lớn kéo dài, dù đã được xử lý kịp thời. Một số thời điểm khác, hiện tượng phát tán bụi ra khu vực xung quanh do hoạt động sản xuất cao điểm cũng từng được ghi nhận và nhanh chóng khắc phục.

Theo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, từ đó tới nay, nhà máy không xảy ra các vụ việc mang tính sự cố về môi trường. Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ được kiểm soát tốt.

89.jpg
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã trồng thử nghiệm thành công việc trồng keo trên diện tích thải bùn sau tuyển rửa

Trong giai đoạn 2017 - 2024, TKV đã chi khoảng 100 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Toàn bộ diện tích hơn 204ha sau khai thác bô xít phục vụ sản xuất alumin tại Đắk R’lấp đã được trồng lại cây keo theo đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo giấy phép này, nhà máy có trách nhiệm vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng quy trình. Nhà máy phải bảo đảm chất lượng khí thải, nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý sự cố nếu xảy ra ô nhiễm vượt ngưỡng.

h7.jpg
Vận chuyển bô xít về nhà máy

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho biết, quá trình sản xuất, vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ thời gian qua bảo đảm các quy định pháp luật về môi trường. Quá trình vận hành nhiều năm qua không xảy ra sự cố môi trường, được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.

“Quá trình vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật công nghệ, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Chất lượng khí thải, nước thải, tiếng ồn, bụi… đều dưới ngưỡng cam kết”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho hay.

95.jpg
Công ty Nhôm Đắk Nông đã thử nghiệm việc phủ lớp bùn sau tuyển rửa lên bề mặt, sau đó trồng keo lên trên

Thời gian qua, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã triển khai hàng loạt biện pháp, sáng kiến và công trình bảo vệ môi trường. Các giải pháp thử nghiệm được đưa ra nhằm bảo đảm môi trường sản xuất luôn an toàn theo quy định pháp luật.

Mới đây, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã trồng thử nghiệm thành công việc trồng keo trên diện tích thải bùn sau tuyển rửa. Tại một khu đất khoảng 6ha sau khai thác bô xít, Công ty Nhôm Đắk Nông đã thử nghiệm việc phủ lớp bùn sau tuyển rửa lên bề mặt, sau đó trồng keo lên trên.

Qua theo dõi của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, toàn bộ diện tích keo được trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là tiền đề quan trọng cho phương án đưa bùn sau tuyển rửa ngược lại khai trường bô xít nhằm tạo mặt bằng, nhất là khi TKV đang có kế hoạch mở rộng, nâng cấp và đầu tư thêm các tổ hợp sản xuất bô xít - alumin - nhôm.

a2-9.jpg

Một điểm mới rất đáng chú ý là việc TKV thử nghiệm công nghệ thải bùn đỏ khô trong quá trình sản xuất alumin. Đây là giải pháp tiên tiến, mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và kỹ thuật so với phương pháp thải ướt truyền thống, đang được sử dụng tại hai nhà máy alumin của TKV.

Theo đại diện TKV, bùn đỏ là chất thải dạng lỏng (có độ pH cao) sinh ra trong quá trình sản xuất alumin từ quặng bô xít. Trong quá trình sản xuất alumin, bùn đỏ phát sinh được bơm ra các hồ chứa chuyên dụng, có lót bạt chống thấm nhằm ngăn ngừa thẩm thấu kiềm vào nước ngầm.

h9(1).jpg

Công nghệ thải ướt bùn đỏ tốn chi phí cao do cần diện tích lớn để xây dựng các khoang chứa. Việc quản lý chất thải tại các khoang chứa cũng cần chặt chẽ để tránh tràn bùn ra môi trường khi có mưa lớn.

Trong khi đó, công nghệ thải khô bùn đỏ được thực hiện bằng phương pháp cô đặc bùn thành dạng sệt có hàm lượng chất rắn cao. Chất thải khô bùn đỏ khô sẽ được vận chuyển đến bãi chứa để đắp chồng thành từng lớp, cho phép tiết kiệm đất và nâng cao tính ổn định của bãi chứa.

box3.gif

Từ năm 2025, TKV bắt đầu thử nghiệm công nghệ thải khô tại tổ hợp alumin Tân Rai (Lâm Đồng). Bước đầu, việc áp dụng công nghệ này đã mang lại nhiều lợi ích khi tiết kiệm tài nguyên đất, an toàn về môi trường và giảm tổng chi phí đầu tư.

Đại diện TKV cho hay: Theo định hướng của mình, TKV đang có kế hoạch nâng cấp hai tổ hợp alumin Tân Rai và Nhân Cơ lên công suất 2 triệu tấn alumin/năm. TKV đầu tư mới một dự án alumin công suất 2 triệu tấn/năm tại Đắk Nông trước năm 2030. Với nhiều tín hiệu tích cực về môi trường, chúng tôi sẽ mở rộng, áp dụng công nghệ thải khô bùn đỏ cho tất cả các dự án mở rộng, đầu tư mới của mình.

Thực hiện: Thùy Dương, Lê Dung, Lê Phước, Nguyễn Lương
Trình bày: Phong Vũ
(trong bài có sử dụng một số hình ảnh tư liệu)

cuoi.jpg

Nguồn: https://baodaknong.vn/thu-phu-nhom-va-doi-hoi-giao-thong-nhan-luc-moi-truong-250882.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm