Tại bản Hua Nà, xã Lục Dạ, chiều chiều đi dọc tuyến đường chạy dọc trung tâm bản và các ao, hồ trên cánh đồng của bản bắt gặp người dân ra đồng lùa vịt về chuồng nhốt. Bà Vi Thị Tú vừa lội xuống mương kiểm tra chuồng nhốt vịt, bà cho biết hiện bà đang nuôi hơn 300 con vịt thịt. "Đàn vịt này được nhân rộng từ số vịt 100 con tôi được hỗ trợ theo mô hình chia sẻ giống của Hội Nông dân. Nhờ nguồn hỗ trợ này mà tôi cũng như nhiều hộ khác có thêm hướng phát triển kinh tế mới" - bà Vi Thị Tú cho biết.
.jpg)
Nói thêm về cách làm chia sẻ vịt giống ở bản Hua Nà, chị Ngân Thị Sơn - Trưởng bản cho biết, từ mô hình Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 900 con vịt giống cho 3 hộ gia đình vào đầu năm 2024, mỗi hộ được nhận 300 con vịt giống bầu Quỳ lai. Các hộ được Hội Nông dân tỉnh “tài trợ” vịt giống sẽ chăm sóc để con giống phát triển, đến giai đoạn bán thương phẩm được cam kết sẽ trích nguồn lợi nhuận để mua 200 con vịt giống chuyển giao cho hộ khác mà bà con thường gọi vui là “thế hệ thứ 2”. “Với cách làm chuyển giao hỗ trợ con giống theo bậc thang cho các “thế hệ”, mỗi “bậc” sẽ giảm 100 con giống, đến nay nguồn hỗ trợ vịt giống ở bản Hua Nà đã được bàn giao qua 3 bậc thang hộ nuôi”, chị Sơn cho biết.
Hộ Trưởng bản Ngân Thị Sơn là hộ tiên phong triển khai đầu tiên, sau khoảng 4 tháng chăm sóc 300 con giống, chị Sơn bán vịt thịt với giá trung bình 150 ngàn đồng/kg. Mỗi con vịt đạt khoảng 1,5-2kg. Sau khi bán 300 con vịt, chị Sơn trích một số tiền mua 200 con giống chuyển giao cho hộ “thế hệ thứ 2” là hộ bà Ngân Thị Hoàng. Tiền mua con giống tuỳ từng thời điểm, dao động khoảng 15 - 20 ngàn đồng/con.
.jpg)
Tiếp tục sau 4 - 5 tháng nuôi, hộ bà Ngân Thị Hoàng đã thu hoạch và trích nguồn chuyển giao 100 con vịt giống cho hộ bà Vi Thị Tú. “Đợt chuyển giao thứ ba này có 3 hộ được tiếp nhận giống, ngoài bà Tú còn có các hộ Hà Văn Linh, Vi Thị Cầu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Dạ Lương Văn Tùng cho biết, cùng với nguồn giống được chuyển giao, các hộ ở bản Hua Nà còn tham gia vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm số lượng giống, trung bình mỗi hộ nuôi 200-300 con/lứa. Mỗi năm người dân chăn nuôi 2-3 lứa. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình ở bản Hua Nà đều nuôi vịt bầu lai, hình thành làng nuôi vịt theo hướng chăn nuôi theo xanh sạch, tận dụng thức ăn tự nhiên, rau cỏ trong vườn nhà.
.png)
Từ phong trào này, vịt nuôi ở Hua Nà đang dần “có tiếng” ở Lục Dạ cũng như các xã lân cận nhờ chất lượng thịt ngon, được thị trường đón nhận, thương lái về thu mua tại nhà cho bà con.
Những dịp lễ, Tết, người dân các bản làng ở Lục Dạ thường tổ chức nhiều gặp gỡ vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, kèm theo đó các hoạt động ẩm thực cũng rôm rả với những món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chị Ngân Thị Sơn- Trưởng bản Hua Nà cho biết thêm, phong tục ẩm thực truyền thống của đồng bào Thái không thể thiếu các món thịt gà, lợn nướng, xôi lam, canh cá, bánh sừng trâu... và hai năm nay món vịt nướng đang dần xuất hiện nhiều trên bàn ăn của các gia đình, nhất là những dịp hội hè, lễ, Tết. Điều đáng nói, nguồn thịt vịt được chính người dân địa phương chăn nuôi theo hướng xanh, sạch.
Nguồn: https://baonghean.vn/danh-tieng-lang-nuoi-vit-hua-na-o-huyen-mien-nui-con-cuong-10295901.html
Bình luận (0)