Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm - cánh cửa cho tương lai

BBK - Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, góp phần quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn26/05/2025

dao-tao.jpg
Học sinh Trường Cao đẳng Bắc Kạn đi tham quan, học tập, trải nghiệm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Là một trong những đơn vị đào tạo công lập chủ lực của tỉnh, Trường Cao đẳng Bắc Kạn mỗi năm tiếp nhận vài trăm học sinh tham gia học tập. Nhu cầu học nghề của người dân, nhất là lớp trẻ ngày càng tăng. Hiện nay, trường đang đào tạo đa dạng các ngành nghề như nông - lâm nghiệp, thú y, cơ khí, nấu ăn, điện dân dụng, điện công nghiệp… với các trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng.

Trong năm học 2024 - 2025, nhà trường đang tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho 466 học sinh, sinh viên đến từ các huyện trong tỉnh. Hình thức đào tạo ngày càng linh hoạt, phù hợp với lựa chọn của nhiều học sinh, có thể kết hợp giữa học văn hóa và học nghề, hoặc tập trung đào tạo nghề chuyên sâu. Điều này không chỉ giúp các em rút ngắn thời gian học tập mà còn nhanh chóng thích nghi với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

cao-dang.png
Giờ thực hành của học viên Khoa Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trường Cao đẳng Bắc Kạn.

Không dừng lại ở công tác giảng dạy, Trường Cao đẳng Bắc Kạn còn đặc biệt chú trọng công tác định hướng nghề nghiệp, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Ngày hội việc làm, truyền thông định hướng nghề nghiệp qua video clip, hình ảnh trên website, fanpage, các chương trình chuyên đề trên Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Kạn, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi…

Trong năm 2024, trường đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn, kết nối việc làm với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn ICOGroup, Công ty CP Giáo dục EZ Việt Nam, Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động… Thông qua đó, học sinh - sinh viên được tiếp cận thông tin tuyển dụng, được hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu việc làm, tìm hiểu thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các buổi tư vấn trực tiếp tại lớp học, qua điện thoại, mạng xã hội cũng được nhà trường thực hiện thường xuyên, sát với nhu cầu thực tế.

Trong quá trình học tập, học sinh, sinh viên của trường còn được đưa đi thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp các em nâng cao kỹ năng tay nghề, tác phong công nghiệp. Nhờ những nỗ lực trên, tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%.

hco-nghe.jpg
Giờ thực hành của học sinh lớp Trung cấp Công nghệ Hàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Bạch Thông liên kết tổ chức.

Không chỉ các trường lớn, tại tuyến huyện, công tác đào tạo nghề cũng có nhiều đổi mới. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bạch Thông là một điển hình. Nhiều năm qua, Trung tâm đã chủ động liên kết với các trường ngoài tỉnh như: Trường Trung cấp Công nghệ Việt Mỹ, Trung cấp Công nghệ - Y khoa Trung ương, Trung cấp Công nghệ Hàn, chế biến món ăn… để mở các lớp trung cấp, sơ cấp, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người học.

phan-1.jpg
Lớp học nghề ngắn hạn trồng và chăm sóc rau màu ở xã Nguyên Phúc do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Bạch Thông tổ chức rất phù hợp với lao động nông thôn.

Ông Ngô Hồ Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Bạch Thông chia sẻ: “Các lớp học nghề phần lớn dựa trên nhu cầu thực tế của học viên. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đã được doanh nghiệp tuyển dụng, một số khác chọn con đường xuất khẩu lao động để tìm kiếm cơ hội đổi đời”.

Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Bạch Thông còn tổ chức nhiều lớp đào tạo ngắn hạn tại các xã phù hợp với lao động nông thôn, người đang nuôi con nhỏ... như kỹ thuật trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm, chế biến món ăn… Sau khóa học, các học viên đã có thêm kiến thức, kỹ năng áp dụng vào trong sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Tiêu biểu như anh Cao Thịnh Hữu ở thôn Bản Vén, xã Đôn Phong, hay ông Đinh Kim Khuê ở thôn Nà Xỏm, xã Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông) là những người đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi có quy mô, cho thu nhập ổn định.

nghe.jpg
Lớp học nuôi và phòng trị bệnh thủy cầm tại xã Cẩm Giàng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Bạch Thông tổ chức.

Có thể thấy, đào tạo nghề không chỉ giúp người lao động nâng cao tay nghề, tiếp cận việc làm bền vững, mà còn là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Việc phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – người học, sẽ tiếp tục là "chìa khóa" mở ra tương lai tươi sáng cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh./.

Nguồn: https://baobackan.vn/dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-canh-cua-cho-tuong-lai-post71014.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm