Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dạy học 2 buổi/ngày: Giải bài toán thiếu giáo viên

TP - Để triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS, ngành giáo dục phải bổ sung hàng chục nghìn giáo viên, trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như giáo dục thể chất, mĩ thuật, âm nhạc.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong09/05/2025

Cần bổ sung giáo viên

Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ này cho biết đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo T.Ư bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo Quyết định số 72 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022- 2026. Theo Bộ GD&ĐT, tính đến hết kỳ I năm học này, cả nước còn khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng, trong khi cả nước còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập.

Dạy học 2 buổi/ngày: Giải bài toán thiếu giáo viên ảnh 1

Nghệ sĩ Hà Myo giao lưu với học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghệ An) trong chương trình truyền thông nói không với thuốc lá của báo Tiền Phong. Ảnh: Trọng Tài

Ông Đinh Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đám, huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) cho hay, trên huyện đảo, một số trường có quy mô nhỏ nên giáo viên môn phụ thường “kiêm nhiệm” vài trường. Trường Tiểu học Xuân Đám có 4 lớp với 8 giáo viên. Trong đó, giáo viên thể chất không có vì không đủ định biên nên sử dụng giáo viên liên trường. Đây cũng chính là khó khăn của nhà trường khi triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày với yêu cầu tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất, văn hóa văn nghệ để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, ông Tấn cho hay, nhà trường có giáo viên âm nhạc, mĩ thuật nên thành lập các câu lạc bộ để học sinh có thể tham gia theo nhu cầu riêng.

Ông Đỗ Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) chia sẻ theo định biên, với 14 lớp, nhà trường cần 26 giáo viên. Nhưng hiện nay, nhà trường được giao 21 giáo viên, thiếu 5 giáo viên. Chính vì vậy, dù đủ cơ sở vật chất nhưng học sinh của Trường THCS thị trấn Bảo Lâm chỉ được học 7 buổi/tuần. Thầy Đệ cho hay, trường có 1 giáo viên thể dục, 1 giáo viên mĩ thuật, chưa có giáo viên âm nhạc.

Nghệ sĩ sẵn sàng giảng dạy

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, để triển khai dạy buổi 2 miễn phí, Nhà nước phải có ngân sách cấp bù để trả tiền cho giáo viên. Giáo viên đã dạy đủ định biên 19 tiết/tuần theo quy định trong chương trình chính khóa buổi 1, số tiết dạy vượt, phải có nguồn kinh phí trả cho giáo viên. Bà Hà đề xuất cơ quan quản lí cần có văn bản hướng dẫn nhà trường về số tiết của buổi 2 gồm những môn nào. Vì những tiết học này nằm ngoài chương trình chính khóa; đồng thời có gợi ý, định hướng chung cho nhà trường những tiết học đó nên như thế nào. Từ định hướng này, trường chủ động triển khai phù hợp đặc điểm của mỗi trường theo vùng miền, đối tượng học sinh. Với yêu cầu mới của dạy học 2 buổi/ngày, bà Hà khẳng định việc tăng cường các tiết học văn thể mĩ trong nhà trường không dễ. Theo bà Hà, Trường THCS Trưng Vương có 53 lớp, có 3 giáo viên dạy mĩ thuật, nếu tăng cường thêm, chỉ được ở một số lớp dù đã quá định biên giảng dạy của thầy cô. Như vậy sẽ không đáp ứng đủ nguyện vọng của 100% lớp học. Môn âm nhạc, giáo dục thể chất tương tự.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc mời nghệ sĩ, vận động viên tới trường để giảng dạy cho học sinh, nghệ sĩ Hà Myo (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)- gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, cho biết đã từng đến giao lưu với học sinh của hơn 100 trường trên khắp cả nước về nghệ thuật hát xẩm Hà Nội. Cảm nhận của nghệ sĩ Hà Myo là học sinh tò mò, háo hức với nghệ thuật hát xẩm. Có lẽ lần đầu tiên các em được “chạm” vào xẩm, được nghe, được hát cùng. Theo nghệ sĩ Hà Myo, việc được gặp gỡ trực tiếp nghe nghệ sĩ biểu diễn sẽ có tác động và truyền cảm hứng rất lớn đến học sinh, khác với những tiết học trên lớp. Nghệ sĩ Hà Myo khẳng định sẵn sàng tham gia đồng hành cùng nhà trường để mang những kiến thức về nghệ thuật âm nhạc truyền thống tới học sinh. “Giảng dạy trong nhà trường, tôi sẵn sàng hi sinh quyền lợi vật chất vì tôi mong muốn được truyền cảm hứng tới các em học sinh về nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Khi đó, bản thân tôi hoặc rất nhiều những nghệ sĩ khác, đó là trách nghiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, với văn hóa dân tộc”, Nghệ sĩ Hà Myo nói.

Ca sỹ Phúc Tiệp (giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khẳng định ủng hộ gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm. Riêng với lĩnh vực âm nhạc, ca sỹ Phúc Tiệp cho rằng, nên để những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tổ chức dạy sẽ sát với thực tiễn hơn. ThS Phúc Tiệp đề xuất nên có những lớp học ngắn hạn dành cho học sinh 3 cấp học khoảng 15 tiết học/năm. Với việc triển khai này này, ThS Phúc Tiệp cho rằng kết thúc 12 năm học, học sinh Việt Nam sẽ biết chơi ít nhất 1 nhạc cụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (đơn vị thực hiện thí điểm chương trình giáo dục nhà trường từ năm 2013) chia sẻ, chủ trương dạy học 2 buổi/ngày là định hướng đúng đắn, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về phát triển giáo dục.

Theo bà Thu Anh, để triển khai hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày, vai trò của hiệu trưởng là then chốt. Họ phải làm tốt ba nhiệm vụ quan trọng: Khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Chương trình giáo dục phải hài hòa giữa học tập chính khóa và các hoạt động trải nghiệm, văn - thể - mĩ; Xây dựng cộng đồng học tập trong nhà trường để giáo viên luôn có cơ hội học về cách dạy, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục, cách biến lớp học thành không gian sáng tạo và truyền cảm hứng học tập cho học sinh; Tạo sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh và huy động nguồn lực xã hội. Nhiều hiệu trưởng đã thành công trong việc huy động cha mẹ tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp việc học trở nên gần gũi và hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh khẳng định gợi ý của Tổng Bí thư mang tính chiến lược, nhằm tạo ra sự kết nối giữa giáo dục và thực tiễn, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh thông qua những tấm gương sống động, có thành tựu thực tế. Tuy nhiên, cần có các chính sách hỗ trợ rõ ràng để triển khai vào thực tiễn.

Nguồn: https://tienphong.vn/day-hoc-2-buoingay-giai-bai-toan-thieu-giao-vien-post1740574.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm