Chiều 12/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng đến năm 2030”.
Hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa mang tính liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia về công nghiệp văn hóa, đại diện ngành văn hóa-du lịch Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam…
Phát triển công nghiệp văn hóa đang là trụ cột mới của tăng trưởng kinh tế, góp phần khẳng định vị thế quốc gia; đồng thời, góp phần tích cực trong phát triển bền vững, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng lòng tự hào dân tộc và sự tự tin trong hội nhập quốc tế.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng, tận dụng lợi thế, đồng thời, hỗ trợ khắc phục nhược điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa giữa các địa phương, cần thiết phải thực hiện liên kết giữa các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố trong khu vực.
![]() |
Du lịch đường sông, một trong những lĩnh vực có thể triển khai liên kết giữa các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích tiềm năng và định vị các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, gồm 13 lĩnh vực: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Xuất bản; Kiến trúc.
Từ thực tế kể trên, các đại biểu đề xuất Hà Nội nên tập trung liên kết với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng phát triển 4 nhóm ngành, gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ và ẩm thực.
Các đại biểu cũng đề xuất các mô hình liên kết. Thí dụ liên kết theo địa phương, với các hình thức: Liên kết Hà Nội-Nam Định với dòng sản phẩm nghi lễ; Liên kết Hà Nội-Hải Dương với dòng sản phẩm làng nghề gốm; Liên kết Hà Nội-Ninh Bình với hành trình trải nghiệm di sản kết hợp giáo dục… Ngoài ra, còn có liên kết theo chiều dọc (chuyên ngành như du lịch, thủ công mỹ nghệ…), liên kết hỗn hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp…
Các đại biểu cũng đề xuất cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của địa phương trong việc tạo cơ chế chính sách hợp tác công-tư; đồng thời kết nối doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết đạt hiệu quả cao và có tính bền vững.
Nguồn: https://nhandan.vn/day-manh-lien-ket-giua-cac-dia-phuong-de-phat-trien-cac-san-pham-cong-nghiep-van-hoa-post879465.html
Bình luận (0)