Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế 2 con số

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cũng đồng thời kỳ vọng vào việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy tạo công ăn việc làm và thu nhập, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực tiêu dùng và dịch vụ.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai16/04/2025

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,4% kim ngạch xuất khẩu quý 1/2025.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,4% kim ngạch xuất khẩu quý 1/2025.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế. Đối với một nền sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều tác động không thuận, kết quả trên là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng “hai con số” theo yêu cầu đề ra của năm 2025 đòi hỏi cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Giao nhiệm vụ tăng trưởng cho từng địa phương

Theo báo cáo của cơ quan thống kê quốc gia, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2025so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 04 địa phương trên cả nước. Đáng chú ý, tăng trưởng GRDP của các tỉnh đạt cao chủ yếu nhờ tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và thực sự là động lực tăng trưởng.

Trong số liệu tăng trưởng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 90,92 tỷ USD, chiếm 88,4% kim ngạch xuất khẩu quý đầu năm càng cho thấy vai trò của công nghiệp trong tăng trưởng kinh tế.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1 đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 59/63 địa phương cũng là một chỉ số đáng quan tâm, bởi năm nay là năm đầu tiên giao nhiệm vụ tăng trưởng/KPI về tăng trưởng về cho từng địa phương.

“Việc chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cũng đồng thời kỳ vọng vào việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy tạo công ăn việc làm và thu nhập, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực tiêu dùng và dịch vụ trong nước,” tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt nói.

Là một ngành xuất khẩu trong top đầu của cả nước. Các doanh nghiệp dệt may trong quý đầu năm cũng thu được nhiều kết quả khả quan. Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, trong quý đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vinatex ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Để có kết quả tăng trưởng như vậy, trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã cắt lỗ và có lợi nhuận. Cùng với đó, tất cả các đơn vị ngành May đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt.

“Nhiều doanh nghiệp ngành may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2/2025 và đang thương thảo cho quý 3/2025. Tuy nhiên, trong quý 1, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của Mỹ,” đại diện Vinatex thông tin.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương.

Khơi thông thị trường

Mặc dù quý đầu năm đạt được nhiều kết quả khả quan, song sang quý 2/2025, các ngành công nghiệp cũng cần giải quyết rất nhiều tồn tại cũng như thách thức phía trước, trong đó có việc giải phóng lượng hàng tồn kho khá đáng kể.

Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1/2025 là 90,0% (bình quân quý 1/2024 là 68,7%).

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trong năm nay của cả nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ cũng như Nghị quyết số 25 của Chính phủ (ngày 5/2/2025) về việc giao chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp-thương mại cho từng ngành từng lĩnh vực, từng địa phương.

Ông Bùi Huy Sơn Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp gắn với tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án công nghiệp và năng lượng trọng điểm, đồng thời Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án trọng điểm của quốc gia.

“Cơ quan chức năng đang rất khẩn trương triển khai dự án hạ tầng lớn về đường sắt quốc gia, các dự án về đường cao tốc quốc gia, trong đó có phần đóng góp của lĩnh vực công nghiệp để phục vụ đáp ứng cả về công nghệ, cả về chế tạo, cả về nguyên vật liệu cho các dự án này. Để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng sản xuất công nghiệp thì đảm bảo về năng lượng luôn là một yêu cầu hàng đầu,” ông Bùi Huy Sơn cho hay.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng trở nên khó khăn hơn do các đòi hỏi về tiêu chuẩn ngày càng khắt khe và áp đặt thuế cao nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của nhiều quốc gia, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ nên quan tâm đến thị trường nội địa, với rất nhiều lĩnh vực chúng ta có thể có đơn hàng cho sản xuất và phát triển.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề xuất theo Quy hoạch điện 8 và sau này Chiến lược phát triển điện của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng tái tạo, vì vậy cần phải bắt đầu tham dự ngay từ ban đầu, đồng thời cần một chính sách nội địa hóa một cách dài hơi để các doanh nghiệp kể cả FDI thúc đẩy tiêu thụ những linh kiện, phụ tùng ở trong nước đã sản xuất được.

Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu.
Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu.

"Nếu chúng ta có chiến lược ngay từ ban đầu và có kế hoạch nội địa hóa rõ ràng thì các bên đều có sự chuẩn bị và nếu như có sự chuẩn bị thì chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam có thể tham dự được vào chuỗi cung ứng của lĩnh vực năng lượng tái tạo này," bà Bình khuyến nghị.

Để phát triển bền vững ngành công nghiệp trong một nền sản xuất xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi số; đầu tư vào nhà máy thông minh, tự động hóa dây chuyền sản xuất; các chương trình về triển khai lưới điện thông minh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo…

Hơn nữa, chuyển đổi số trong sản xuất là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, vì vậy, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh, đồng thời tập trung vào chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy thông minh, sản xuất tự động hóa và áp dụng IoT, AI, dữ liệu lớn để nâng cao hiệu suất.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/day-manh-san-xuat-cong-nghiep-tao-dong-luc-cho-phat-trien-kinh-te-2-con-so-post400277.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm