Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dạy trẻ yêu biển, đảo từ những điều giản dị

Giữa những buổi sinh hoạt đều đặn tại các trường học, những lá cờ đỏ thắm in hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện ngày một nhiều hơn trong không gian lớp học và phòng đoàn. Ở Đơn Dương, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới đã trở thành một phần gần gũi trong đời sống thanh thiếu nhi, giản dị, thiết thực nhưng đủ sức khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng15/05/2025

Học sinh huyện Đơn Dương tham gia buổi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới do Huyện Đoàn phối hợp tổ chức
Học sinh huyện Đơn Dương tham gia buổi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới do Huyện Đoàn phối hợp tổ chức

Thời gian qua, Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” được Huyện Đoàn Đơn Dương triển khai rộng rãi đến các cơ sở đoàn - đội trên toàn huyện. Qua đó, hơn 100 bản đồ thể hiện đầy đủ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đã được treo tại trụ sở, lớp học, phòng đoàn. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lâu dài, khi không gian học tập và sinh hoạt của thanh thiếu nhi dần trở thành nơi ghi dấu biểu tượng về tình yêu quê hương, đất nước.

Không dừng lại ở hình ảnh trực quan, các hoạt động tuyên truyền còn được tổ chức bài bản, có chiều sâu. Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, học sinh và đoàn viên được tìm hiểu khái quát về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo, biên giới đối với phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Những thông tin về luật pháp quốc tế, các văn bản pháp lý của Việt Nam, các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giải quyết vấn đề trên Biển Đông cũng được truyền tải một cách chọn lọc, dễ hiểu.

Điều đáng ghi nhận là cách tiếp cận được điều chỉnh phù hợp với từng lứa tuổi. Với học sinh tiểu học, nội dung tuyên truyền được cụ thể hóa qua hình ảnh, bản đồ, hoạt động tương tác. Các em được khuyến khích thảo luận, đặt câu hỏi, vẽ tranh, kể chuyện; từ đó tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Em Lê Huỳnh Gia Mỹ - học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Thạnh Mỹ chia sẻ: “Em thích nhất là khi được nhìn bản đồ và nghe cô giáo nói về Biển Đông. Em hiểu biển không chỉ để tắm hay đi chơi, mà là nơi các chú bộ đội đang ngày đêm bảo vệ. Em cảm thấy tự hào và biết ơn lắm”. 

Không chỉ ở bậc tiểu học, các buổi tuyên truyền còn được triển khai đều đặn đến cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tại các xã, thị trấn. Nội dung được mở rộng thêm về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, những bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kết quả trong hoạt động bảo vệ biên giới, vùng biển thời gian qua.

Việc tuyên truyền không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn được mở rộng trên không gian mạng. Nhiều cơ sở đoàn vận động đoàn viên thay ảnh đại diện, hình nền thiết bị cá nhân gắn với bản đồ Việt Nam. Cùng với đó, nhiều phần việc cụ thể cũng đã được thực hiện ngay tại cơ sở, như: tặng bản đồ cho các chi đoàn thôn, tổ chức thi vẽ tranh chủ đề biển, đảo, vẽ bích họa tuyên truyền tại các tuyến đường nông thôn, treo pano cổ động tại các khu vực dân cư…

Song song đó, Huyện Đoàn cũng cử cán bộ tham gia các hoạt động cấp tỉnh như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, đóng góp cho các công trình thanh niên hướng về biên giới, hải đảo. Ngoài ra, tại các trường học, nhiều đơn vị còn kết hợp tuyên truyền chủ quyền biển, đảo với hoạt động thi đua thường niên như: thi kể chuyện, đọc sách, viết cảm nhận. Cách làm này không chỉ tăng hiệu quả tiếp cận mà còn giúp học sinh hình thành tư duy lịch sử và ý thức công dân ngay từ tuổi nhỏ.

Nhờ cách làm phù hợp, hoạt động xuyên suốt, công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo tại huyện Đơn Dương đang từng bước đi vào chiều sâu. Những hình ảnh, dữ liệu tưởng như khô khan đang dần trở nên gần gũi qua từng buổi sinh hoạt, mẩu chuyện, bài vẽ của học sinh. Theo anh Nguyễn Bảo Kiên - Bí thư Huyện Đoàn Đơn Dương: “Việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới không thể làm dàn trải hay lý thuyết. Chúng tôi cố gắng chọn cách truyền tải phù hợp với từng nhóm tuổi. Với thiếu nhi là hình ảnh bản đồ, là các hoạt động tương tác; với thanh niên là dẫn dắt từ các dữ liệu thực tế. Điều quan trọng là tạo được sự gắn bó, để mỗi em tự ý thức được trách nhiệm của mình. Từ tấm bản đồ treo trong lớp học, từ lời kể về người lính nơi đảo xa, tình yêu quê hương được gieo vào nhận thức của các em một cách tự nhiên. Đó là nền tảng quan trọng để khi lớn lên, các em sẽ không chỉ ghi nhớ hình dáng đất nước, mà còn biết trân quý, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng ấy bằng tất cả trách nhiệm và lòng tự hào”.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/day-tre-yeu-bien-dao-tu-nhung-dieu-gian-di-7bd4290/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm