Đoàn công tác thăm quan Bảo tàng lịch sử Côn Đảo
Vì độc lập, vì tự do...
Trong hành trình, đoàn công tác đến thăm Bảo tàng Côn Đảo - nơi lưu trữ những trang sử hào hùng, nằm ngay trung tâm thị trấn huyện Côn Đảo, được xây dựng hiện đại và trang trọng. Bên trong là một không gian tĩnh lặng, trang nghiêm với hơn 2.000 tư liệu, hiện vật trưng bày về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ thời tiền sử, sơ sử đến giai đoạn phát triển hiện nay. Trong đó, điều làm chúng tôi rất ấn tượng cảm xúc về lịch sử đấu tranh Nhà tù Côn Đảo, trong thời kỳ nơi đây từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế bình dị nhưng vô cùng ấn tượng, bao gồm 1 gian khánh tiết và các chủ đề chính: Thiên nhiên Côn Đảo, Côn Đảo trận tuyến, trường học, Côn Đảo địa ngục trần gian và Côn Đảo ngày nay. Với mỗi chủ đề, các hiện vật được trưng bày theo một phong cách khác nhau và mang lại cho người xem nhiều cảm xúc đặc biệt. Chân dung những nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng kiên cường bất khuất trong suốt những năm tháng đấu tranh đã để lại cho chúng tôi về một biểu tượng cao đẹp, khó quên trong ký ức khi đến đây, đặc biệt là di tích Nhà tù Côn Đảo.
Hướng dẫn chúng tôi thăm quan khu di tích nhà tù, bà Nguyễn Ngọc Như Xuân, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo, cho biết nhà tù tồn tại trong 113 năm, từ năm 1862 đến 1975. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (hay còn gọi là chuồng cọp) tại Côn Đảo. Đây là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sĩ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức... Nơi đây đã có khoảng 200.000 lượt tù nhân là chiến sĩ yêu nước thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam bị giam cầm, tra tấn và hy sinh tại “địa ngục trần gian”, có 20.000 người tù đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo này.
Tại “Chuồng cọp”, tù nhân không một lúc nào được yên, bất cứ lúc nào cũng có những cặp mắt soi mói của cai ngục, bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị đánh, bị rải vôi bột... Không chỉ thế, chuồng cọp còn có hệ thống nhà giam không có mái che, nơi được gọi là “phòng tắm nắng”. Cách thức tra tấn là tù nhân sẽ lột bỏ hết quần áo và nằm phơi mình ra giữa trời nắng gắt, mưa dầm...
Vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần, các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức, như tuyệt thực, viết kiến nghị, đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, được nhận thư từ, sách báo... “Chuồng cọp” trở thành linh hồn trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo, gắn liền với chiến công phong trào chống ly khai và chống chào cờ, gắn liền với tên tuổi “Ông già chuồng cọp”, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu và năm ngôi sao toàn thắng Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một, cũng như nhiều tấm gương kiên trung, buất khuất bảo vệ khí tiết tại “Chuồng cọp”...
Đoàn công tác thăm quan di tích lịch sử “Chuồng cọp”
Tiếp nối truyền thống
Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương, chia sẻ mỗi lần về thăm di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đều để lại trong lòng ông thêm nhiều cảm nhận sâu sắc về sự đấu tranh bất khuất, anh dũng của các nhà yêu nước, các chiến sĩ cách mạnh trước kẻ thù, với tinh thần kiên trung, bất khuất luôn luôn sẵn sàng hy sinh không tiếc xương máu để giành lại độc lập, tư do cho Tổ quốc và nhân dân. “Đối với chúng tôi, những người cựu chiến binh sẽ tiếp tục không ngừng rèn luyện, học tập để gìn giữ bản lĩnh và phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh; đồng thời nêu gương, tuyên truyền đến các thế hệ trẻ kế thừa truyền thống yêu nước nồng nàn của cha ông ta. Từ đó, thế hệ trẻ thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân, không ngừng nỗ lực, ra sức phấn đấu học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hùng cường”, ông Trần Hữu Tài nói.
Đại tá Lê Minh Phương, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chia sẻ sau khi tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử tại Côn Đảo, ai cũng càng bội phần cảm phục tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường của các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ trước kẻ thù. Tuy không một tấc vũ khí trong tay nhưng với trái tim rực lửa, lòng yêu nước nồng nàn đã làm cho kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước. Những tấm gương vĩ đại về sự hy sinh quên mình của các nhà yêu nước, anh hùng liệt sĩ như ngọn cuồng phong đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong nhân dân trên mọi miền của đất nước.
“Nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc, chúng tôi sẽ tập trung giáo dục, truyền thụ cho các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp nối truyền thống, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Đại tá Lê Minh Phương cho hay.
Hành trình về với các di tích lịch sử tại Côn Đảo đã giúp chúng tôi càng thêm hiểu biết sâu sắc hơn về sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do và chủ quyền của Tổ quốc. Hòa bình ngày hôm nay được đánh đổi bằng biết bao sự hy sinh, biết bao xương máu của các thế hệ cha ông. Họ đã đặt lợi ích Tổ quốc lên trên tất cả, sẵn sàng hy sinh bản thân vì hòa bình độc lập, tự do cho dân tộc. Chúng tôi, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, luôn luôn ghi nhớ, biết ơn và càng trân trọng những công lao, những hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước, tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển thịnh vượng...
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần. Nhà tù Côn Đảo là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cộng sản trên trận tuyến nhà tù; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau... |
ĐỖ TRỌNG
Nguồn: https://baobinhduong.vn/de-cho-dat-nuoc-dung-len--a344476.html
Bình luận (0)