Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để quy hoạch trở thành động lực phát triển

(Chinhphu.vn) - Tháng 8 năm 2024, một doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị đề xuất đầu tư dự án kho bãi tập kết hàng hóa với tổng vốn hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, khu đất dự kiến triển khai dự án lại nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất công nghiệp của tỉnh. Để dự án được thực hiện, địa phương buộc phải điều chỉnh quy hoạch, trình lên các bộ, ngành liên quan để thẩm định và phê duyệt. Quy trình này mất rất nhiều thời gian, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi, hàng loạt chi phí phát sinh.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ26/05/2025

Để quy hoạch trở thành động lực phát triển- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rất rõ định hướng: Cơ quan quản lý xây dựng các quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác rồi công bố công khai, người dân, doanh nghiệp cứ thế làm theo - Ảnh VGP: Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Vĩnh Long

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp phải tình trạng dở khóc dở cười tương tự khi muốn đầu tư vào các dự án nhưng vướng mắc do quy hoạch không kịp thời cập nhật hoặc không phù hợp với thực tế phát triển.

Luật Quy hoạch năm 2017 được kỳ vọng tạo ra một bước ngoặt thể chế quan trọng: thay thế hàng trăm quy hoạch rời rạc, chồng chéo bằng một hệ thống tích hợp, thống nhất và minh bạch. Tuy nhiên, sau hơn sáu năm triển khai, đạo luật từng được ca ngợi như một cuộc "cách mạng quy hoạch" này đã xuất hiện những bất cập.

Trong khi đó, Việt Nam đang triển khai sáp nhập từ 63 tỉnh, thành xuống còn 33 đơn vị cấp tỉnh, nhằm tăng quy mô, gia tăng nội lực và hiệu quả quản lý. Quá trình tái thiết kế bố cục hành chính này chắc chắn sẽ kéo theo nhu cầu điều chỉnh quy hoạch các tỉnh và vùng, đặt ra sát hạch cho khả năng thích ứng và tính linh hoạt của Luật Quy hoạch hiện hành.

Trong bối cảnh đó, việc nhìn lại một cách khách quan các ưu điểm và hạn chế của Luật Quy hoạch là cần thiết để chuẩn bị cho lộ trình cải cách sắp tới. Những hạn chế, bất cập và cản trở cho sự phát triển, dứt khoát phải bị loại bỏ.

Những điểm sáng không thể phủ nhận

Luật Quy hoạch 2017 ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề quy hoạch chồng chéo, manh mún. Việc thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia theo 3 cấp (quốc gia, vùng, tỉnh) đã góp phần định hình trật tự thể chế cho quy hoạch khác nhau, tránh tình trạng các quy hoạch tài nguyên, đất đai, hạ tầng, xây dựng mâu thuẫn và xung đột với nhau.

Luật cũng yêu cầu công khai hóa quy hoạch trên Cổng thông tin quy hoạch quốc gia, đặt nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu số và giúp doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận thông tin. Một số địa phương đi đầu trong lập quy hoạch như Quảng Ninh, Long An đã tận dụng tốt cơ hội để xây dựng tầm nhìn phát triển bài bản.

Để quy hoạch trở thành động lực phát triển- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng dở khóc dở cười khi đầu tư vào các dự án nhưng vướng mắc do quy hoạch không kịp thời cập nhật hoặc không phù hợp với thực tế phát triển

Những bất cập thực tiễn cần thẳng thắn nhìn nhận

Thứ nhất, mô hình tích hợp được lý tưởng hóa quá mức. Việc gom tất cả các loại quy hoạch vào một bản tích hợp không phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực và địa phương. Mỗi loại quy hoạch có phương pháp lập, thời hạn, mục tiêu khác nhau. Việc ép tích hợp vào một khuôn duy nhất dễ dẫn đến hình thức, rối rắm và khó điều chỉnh khi có thay đổi thực tế.

Thứ hai, thiếu quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa các cấp độ quy hoạch – từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương. Điều này gây khó khăn trong quá trình triển khai, dẫn đến tình trạng chờ đợi lẫn nhau giữa các cấp và ngành.

Thứ ba, Luật không đề cập đầy đủ đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết – vốn là công cụ thiết yếu trong triển khai phát triển đô thị, phân bổ đất đai và thu hút đầu tư. Sự thiếu vắng này làm tê liệt khả năng điều hành cụ thể của cấp cơ sở, khiến địa phương "tay không bắt giặc" trong quản lý không gian phát triển.

Thứ tư, việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay gặp rất nhiều thủ tục hành chính, thậm chí phải trình lên trung ương, khiến nhiều dự án đầu tư bị đình trệ. Không những vậy, chính quyền địa phương còn phải tốn kém để thuê tư vấn, cập nhật dữ liệu, xin ý kiến... làm phát sinh chi phí lớn về thời gian và tài chính.

Thứ 5, việc quy hoạch của địa phương thường không tích hợp hoặc "quên" tích hợp các quy hoạch của các dự án đã được phê duyệt trước đó dẫn đến doanh nghiệp đang đúng thành sai trong quy hoạch. Doanh nghiệp lại phải chạy đôn chạy đáo để tích hợp quy hoạch của dự án với quy hoạch của địa phương. Lại một rừng thủ tục phải vượt qua, làm mất thời gian, cơ hội và tốn nhiều chi phí phát sinh…

Bài học từ thế giới: Linh hoạt, phân tầng và minh bạch

Thực tế cho thấy không có mô hình quy hoạch tích hợp hoàn hảo nào trên thế giới. Nhưng có những quốc gia đã rất thành công trong việc điều tiết quy hoạch một cách linh hoạt, hiệu quả.

Tại Hà Lan, quy hoạch quốc gia chỉ đóng vai trò định hướng chiến lược – xác lập các hành lang phát triển, vùng sinh thái, năng lượng, đô thị… Các địa phương có toàn quyền triển khai quy hoạch chi tiết, miễn là không mâu thuẫn với khung chung. Điều này tạo ra sự linh hoạt cần thiết và khuyến khích tính sáng tạo địa phương.

Hàn Quốc thì duy trì đồng thời nhiều loại quy hoạch – từ quy hoạch phát triển vùng đến quy hoạch chuyên ngành. Khi có xung đột giữa các quy hoạch, nước này không "ép tích hợp" mà có cơ chế hòa giải và điều chỉnh linh hoạt.

Singapore đi xa hơn: tất cả quy hoạch đều được số hóa, công bố trên nền tảng bản đồ số cho toàn dân, nhà đầu tư và cơ quan công quyền cùng tiếp cận, phản biện, theo dõi và cập nhật. Thủ tục lập và phê duyệt được rút gọn tối đa nhờ hệ thống công nghệ đồng bộ và năng lực kỹ trị cao.

Bài học rút ra rất rõ: không tích hợp bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng công cụ dữ liệu, sự minh bạch và phân quyền rõ ràng.

Để quy hoạch trở thành động lực phát triển- Ảnh 3.

Quy hoạch phải trở lại đúng vai trò: là tầm nhìn dẫn đường, là công cụ tổ chức không gian phát triển, là động lực để quốc gia vươn lên.

Khuyến nghị sửa đổi: Để quy hoạch trở thành động lực phát triển

Một là, cần thiết kế lại Luật Quy hoạch theo mô hình phân tầng – phối hợp – phân quyền. Trong đó, cấp trung ương định hướng chiến lược, các bộ, ngành lập quy hoạch ngành riêng, còn địa phương tập trung vào quy hoạch phân khu, chi tiết và triển khai.

Hai là, luật hóa trở lại quy hoạch phân khu và chi tiết như các cấp quy hoạch có giá trị pháp lý rõ ràng, trao công cụ điều hành cho cấp cơ sở.

Ba là, thay vì tích hợp cứng nhắc, cần cho phép tồn tại nhiều lớp quy hoạch có thể đối thoại và điều chỉnh lẫn nhau thông qua cơ chế hòa giải quy hoạch.

Bốn là, phân cấp thực chất cho địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch để rút ngắn thời gian phản ứng với cơ hội đầu tư, đổi mới.

Năm là, đẩy mạnh số hóa và công khai dữ liệu quy hoạch, kết nối hệ thống thông tin giữa các cấp, các ngành để tạo nền tảng cho sự minh bạch và phối hợp hiệu quả.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã nêu rất rõ định hướng đột phá: Cơ quan quản lý xây dựng các quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác rồi công bố công khai, người dân, doanh nghiệp cứ thế làm theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện, làm những gì luật pháp không cấm; còn chính quyền thay vì phải tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.

Cải cách để không lỡ nhịp phát triển

Luật Quy hoạch là nỗ lực lớn trong cải cách thể chế. Nhưng chính vì kỳ vọng lớn, nên khi thực thi chưa đúng, hệ lụy lại càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với các chương trình sáp nhập hành chính, thu hút FDI chiến lược, phát triển hạ tầng quy mô lớn và chuyển đổi số toàn diện – không thể để quy hoạch trở thành lực cản.

Đã đến lúc cần sửa luật – không phải để phủ nhận nỗ lực cải cách ban đầu, mà để hoàn thiện thể chế phù hợp với thực tiễn và khát vọng phát triển. Quy hoạch phải trở lại đúng vai trò: là tầm nhìn dẫn đường, là công cụ tổ chức không gian phát triển, là động lực để quốc gia vươn lên.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng


Nguồn: https://baochinhphu.vn/de-quy-hoach-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-102250526063157903.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm