Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Mở ra khởi đầu mới

GD&TĐ - Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là biểu hiện cụ thể, khép lại một cách làm cũ, mở ra khởi đầu mới...

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại02/07/2025

Trước ý kiến băn khoăn về độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, cần có sự đánh giá, phân tích phổ điểm sau khi có kết quả thi và nhìn nhận thấu đáo, toàn cảnh vấn đề; tránh nhận xét, đánh giá cảm tính ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, phụ huynh và rộng hơn việc tiếp tục đổi mới giáo dục.

Cần lắng nghe và kiên định

Về đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm nay, TS Toán học Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định độ khó không bằng năm trước, chỉ là “chuyển dịch từ khó kỹ thuật (của các bài cuối trong đề trắc nghiệm 50 câu cũ), sang khó của đọc hiểu, mô hình hóa”. Thực sự khó trong đề chỉ có 2 câu ở phần trả lời ngắn, 1 câu phần trắc nghiệm đúng sai.

“Tôi nghĩ mọi người kêu vì thay đổi thôi, và kỳ vọng cao quá. Học sinh của tôi đặt mục tiêu 8 điểm thì thấy các em vui vẻ”. Nói điều này, ông Trần Nam Dũng cho rằng, với đề Toán, học sinh trung bình đạt 4,5 điểm không khó; khá có thể được điểm 6, 7, 8. Điểm 8,5 đến 9 không ít, nhưng trên 9 không nhiều.

“Về cơ bản đề Toán năm nay tốt, Bộ GD&ĐT nên kiên định đi theo hướng này. Đề bao quát kiến thức nền tảng, kiểm tra được các năng lực toán học cốt lõi là tư duy và lập luận, mô hình hóa toán học, giao tiếp toán học, giải quyết vấn đề toán học. Đề không đánh đố, không sa đà kỹ thuật, tránh học tủ và đánh lụi; độ phân hóa tốt, phổ điểm sẽ có dạng phân phối chuẩn. Bạn nào đạt điểm cao thật sự có năng lực tốt.

Tuy nhiên, đề cần gọn hơn; chỉ cần một vài bài phát biểu dưới dạng toán thực tế, còn lại nên chân phương, đi thẳng vào bản chất toán học. Độ dài đề khoảng 3 trang là vừa. Cấu trúc các phần cũng cần làm kỹ hơn. Đề thi năm nay, 2 bài khó nhất đều thuộc phần tổ hợp, như thế hơi lệch”, ông Trần Nam Dũng góp ý.

Với môn Ngữ văn, chia sẻ của PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2028, việc ra đề thi như “làm dâu trăm họ”. Trong các kỳ thi lớn, đề Ngữ văn luôn nhận được nhiều ý kiến; cùng một đề, kẻ khen, người chê…. Điều này bình thường, vì văn chương là lĩnh vực ai cũng có thể góp ý, phán xét, mỗi người khen hay chê xuất phát từ những góc nhìn khác nhau.

Với hiểu biết về Chương trình Ngữ văn 2018, kinh nghiệm dạy học, biên soạn sách giáo khoa, ra đề thi, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định: Nhìn tổng quát, có thể còn điều này, điều khác cần làm tốt, hay hơn, nhưng đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2025 đã căn bản đáp ứng được yêu cầu của đề thi đánh giá năng lực theo Chương trình GDPT 2018. Cụ thể là yêu cầu về năng lực đọc hiểu, viết.

Theo yêu cầu đánh giá năng lực, đề thi không sử dụng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa, tài liệu, sách ôn thi; cũng không sử dụng lại ngữ liệu đã dùng trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua và thi thử tốt nghiệp THPT của các tỉnh thành. Câu hỏi đọc hiểu đáp ứng 3 mức độ: Biết, hiểu, vận dụng; yêu cầu viết đoạn văn, bài văn nghị luận với một số chữ quy định.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, theo chương trình cũ, đề thi chỉ quanh quẩn mấy tác phẩm đã học. Đặt trong bối cảnh ấy, đề Ngữ văn năm nay là bước tiến mạnh mẽ, dù còn phải tiếp tục làm tốt hơn. Đề thi này chính thức khép lại thời giáo viên chỉ chạy theo trang bị kiến thức, dạy tủ, đoán mò; học sinh học thuộc tài liệu có sẵn… đi thi chỉ chép lại, nói theo người khác. Đồng thời, mở ra một giai đoạn mới: Dạy cách đọc, cách viết văn bản (cách học).

Với mỗi văn bản đọc hiểu hoặc viết bài, học sinh cần nói lên tiếng nói riêng, nêu được suy nghĩ cá nhân và biết làm ra bài văn của chính mình, dù còn có thể vụng về, mắc lỗi. Cũng khép lại thời kỳ đề thi mòn sáo; mở ra giai đoạn đề thi, đáp án được thiết kế theo yêu cầu năng lực, khác đáp án theo nội dung. Với định hướng năng lực, các nội dung cụ thể không quan trọng bằng hướng, cách suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của học sinh…

mo-ra-khoi-dau-moi2.jpg
Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Lê Cường

Nhìn thấu đáo, toàn diện, tránh cảm tính

Trước ý kiến về độ khó của đề thi, đặc biệt môn Toán, Tiếng Anh, TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hưng Yên nêu quan điểm: Cần có sự đánh giá, phân tích phổ điểm sau khi có kết quả thi và ý kiến chuyên gia để nhìn nhận thấu đáo, toàn cảnh vấn đề; hạn chế nhận xét, đánh giá cảm tính ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, phụ huynh, rộng hơn là việc tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. TS Nguyễn Viết Huy đồng thời lý giải rõ hơn giúp tạo sự yên tâm, tin tưởng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay như sau:

Thứ nhất, việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh được Bộ GD&ĐT tính toán, điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tối đa như: Tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp, còn lại 50% tính điểm từ quá trình 3 năm học THPT. Thí sinh có các môn thi đều đạt trên 1 điểm (thang điểm 10) và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên là được công nhận tốt nghiệp THPT.

Bằng tốt nghiệp THPT không xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình như trước đây, góp phần giảm bớt áp lực trong quá trình học tập, thi cử. Như vậy, học sinh mọi vùng miền có quá trình học tập nghiêm túc trong 3 năm THPT thì không phải lo lắng gì về vấn đề thi, xét tốt nghiệp.

Thứ hai, số môn thi tốt nghiệp giảm từ 6 môn xuống còn 4; không chỉ góp phần giảm áp lực thi cử mà còn liên quan đến định hướng nghề nghiệp. Do đó, việc học sâu hơn, thậm chí có thêm các chuyên đề nâng cao để có đủ năng lực giải quyết một số câu hỏi ở cấp độ tư duy vận dụng là dễ hiểu; học sinh, giáo viên cần làm quen, điều chỉnh cách học, cách dạy trong những năm học tới. Những nền tảng kiến thức này còn giúp học sinh tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.

Thứ ba, trong sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để giải quyết những bài toán lớn về công nghệ chiến lược, cần dạy học sinh cách giải quyết vấn đề; đối mặt với những bài toán khó trong thực tiễn mà mình phải nỗ lực, cố gắng hết sức; vui vẻ với thành quả do mình tạo ra; hướng đến môi trường học thật, thi thật, nhân tài thật, cho dù ban đầu còn bỡ ngỡ. Tất nhiên, quá trình đó luôn có sự hỗ trợ, định hướng của thầy cô, sự đồng hành của phụ huynh.

“Để làm tốt hơn, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà giáo; kiên định trong thực hiện mục tiêu; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, đồng bộ trong quản lý chỉ đạo; sự đồng lòng của các cấp, ngành; sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; cố gắng của mỗi thầy cô”, TS Nguyễn Viết Huy chia sẻ.

Chặng đường đổi mới còn dài, cần lắng nghe các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện tốt hơn cách ra đề thi theo yêu cầu mới. Tuy nhiên cũng cần đủ bản lĩnh để tin vào những gì mình đã làm. Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là biểu hiện cụ thể, khép lại một cách làm cũ, mở ra khởi đầu mới, cách đánh giá mới góp phần “bẻ ghi” để con tàu dạy và học Ngữ văn chuyển sang hướng đúng, có hiệu quả hơn. - PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-mo-ra-khoi-dau-moi-post738056.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm