Đề thi các môn Toán, Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 đang gây chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Có ý kiến cho rằng đề quá khó, mang tính đánh đố; người khác lại ủng hộ cách ra đề mới. VietNamNet mở diễn đàn để ghi nhận các ý kiến đa chiều, góp phần cải tiến kỳ thi và nâng cao chất lượng dạy - học.

Bài viết dưới đây là phân tích dưới góc nhìn chuyên môn về đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 của TS Cao Thị Hồng Phương, giảng viên, nhà nghiên cứu và đào tạo giáo viên.

Là người giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo giáo viên tiếng Anh, tôi tự hỏi: Đề thi Tiếng Anh hiện nay có phản ánh đúng triết lý giáo dục chúng ta hướng tới, hay đang khiến học sinh, giáo viên và phụ huynh thêm mệt mỏi?

Khi triết lý giáo dục không gặp thực tiễn đề thi

Chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018 đặt trọng tâm vào phát triển năng lực toàn diện, trong đó coi tiếng Anh là công cụ quan trọng để học tập, giao tiếp và hội nhập với thế giới. Dù năm nay đề thi môn Tiếng Anh tốt nghiệp THPT đã có những đổi mới về chủ đề, ngữ cảnh giao tiếp gần gũi hơn, nhưng cấu trúc vẫn thiên về nhận diện ngôn ngữ chứ chưa thực sự tạo cơ hội cho học sinh vận dụng tiếng Anh. Chúng ta đang dạy để học sinh sử dụng tiếng Anh hay chỉ để làm bài thi giỏi?

Ở Singapore, kỳ thi O-Level English, phần nói chiếm tới 20-30% tổng điểm. Phần viết, học sinh phải hoàn thành dạng viết email, gắn với tình huống thực tế. Hệ thống NCEA của New Zealand (đánh giá theo chuẩn đầu ra) chia kỹ năng tiếng Anh ra thành từng phần, viết sáng tạo và đọc hiểu văn bản dài. 

Mỗi năng lực đều có cách kiểm tra khác nhau, phần lớn do chính các trường thực hiện và một phần nhỏ do nhà nước tổ chức. Tôi từng chấm bài học sinh viết nghị luận với yêu cầu trích dẫn tài liệu và lập luận sắc sảo. Từ những trải nghiệm đó, tôi càng thấy rõ, nếu chỉ kiểm tra những gì dễ chấm, dễ đo thì ta đang đánh mất cơ hội phát triển những năng lực thật sự của người học.

W-thi tot nghiep.jpg
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Bài thi Tiếng Anh hiện nay mang mục tiêu kép vừa để xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, việc chỉ có một đề chung khiến những học sinh không dùng Tiếng Anh để xét tuyển cũng phải chịu áp lực không cần thiết. 

Tôi nghĩ đến các cuộc khảo thí ở một số hệ thống giáo dục tiên tiến mà nước ta cũng đang hướng tới. Ví dụ, ở New Zealand học sinh được chọn chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu học tập và nghề nghiệp, và các bài thi được chia thành nhiều cấp độ. Điều này giúp học sinh chọn lối đi phù hợp với năng lực của mình. Việt Nam hoàn toàn có thể cân nhắc mô hình này. Một đề thi phân tầng sẽ giúp giảm áp lực, nâng cao công bằng, và khẳng định giá trị nhân văn trong đánh giá học sinh.

Khi “học để thi” lấn át “học để phát triển”

Tôi từng nghĩ luyện đề là con đường vào đại học. Nhưng càng nghiên cứu sâu về giảng dạy và đánh giá, tôi càng nhận ra, quá trình học có thể đã bị biến dạng vì áp lực thi cử. Khi việc học trở thành công cụ để vượt qua một bài kiểm tra, nó sẽ không còn là hành trình khám phá, giao tiếp, phát triển tư duy bằng tiếng Anh.

Trong vai trò đào tạo giáo viên, tôi gặp nhiều thầy cô hào hứng với phương pháp dạy học tích cực, nhưng khi về với thực tế lại bị buộc dạy theo đề minh họa. Như vậy, người dạy, người học có lẽ đang bị cuốn vào vòng xoáy dạy và học để thi, làm phai nhạt ý nghĩa thật sự của việc học tiếng Anh là để sử dụng, để kết nối và để sẵn sàng cho tương lai học tập, làm việc.

Một triết lý tiến bộ là “assessment for learning”, đánh giá nhằm cải tiến việc dạy và học. Trong khi đó, hệ thống hiện nay vẫn thiên quá nhiều về “assessment of learning”, kiểm tra tổng kết với một bài thi quyết định, học sinh ít có cơ hội sửa sai. 

Ở New Zealand, các bài thi nội bộ cho phép học sinh nộp lại nếu chưa đạt yêu cầu, giáo viên góp ý, phản hồi, để học sinh có sản phẩm tốt hơn. Nếu chúng ta muốn khơi dậy động lực học tập thật sự, các kỳ thi đánh giá cũng nên phản ánh tinh thần ấy - đánh giá không chỉ để phân loại, mà còn để trao quyền, tạo động lực cho người học. 

Những cải tiến có thể bắt đầu ngay

Chúng ta có thể bắt đầu bằng những cải tiến cụ thể để làm tốt hơn cho toàn hệ thống. Thứ nhất, thiết kế đề thi theo hướng phân tầng rõ ràng: Phần cơ bản đảm bảo chuẩn đầu ra tốt nghiệp, phần nâng cao phục vụ xét tuyển đại học. 

Thứ hai, tích hợp thêm các nhiệm vụ ngôn ngữ thực, như bài viết ngắn hoặc phản hồi tình huống, dù vẫn trong hình thức trắc nghiệm. 

Thứ ba, tăng cường đào tạo giáo viên về đánh giá trong lớp học, để lớp học không chỉ xoay quanh luyện đề. Bên cạnh đó, cần công khai phân tích thông số, trước và sau kỳ thi, gồm thử nghiệm, phổ điểm, độ khó, độ phân loại của đề, giúp minh bạch hóa và cải tiến liên tục. 

Tôi cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên là cánh cửa quan trọng mở ra cơ hội công bằng cho hàng ngàn học sinh chứ không nên trở thành cuộc đua chỉ cho người giỏi nhất, càng không nên gây hoang mang trong dư luận. 

Mỗi bài thi cần là một tấm gương phản chiếu lại cách dạy, học và triết lý giáo dục mà ta đang hướng đến. Nếu đề chỉ kiểm tra những gì dễ đo, dễ chấm, vô tình sẽ bóp nghẹt những điều khó đo lường như tư duy phản biện, khả năng diễn đạt, sự sáng tạo, hay năng lực giao tiếp trong thế giới thật.

Tuy chúng ta chưa thể kỳ vọng một kỳ thi như các nước phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể bắt đầu từ những bước đi đúng đắn. Khi chúng ta cùng kiên nhẫn cải tiến, từ cách dạy, cách học đến cách đánh giá, dù xuất phát điểm khác nhau, học sinh Việt Nam vẫn có thể tự tin bước ra thế giới bằng chính năng lực thật sự của mình. 

‘So sánh đề thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh với bài thi IELTS là khập khiễng’Nhiều người cho rằng với độ khó của đề Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh đạt 7.0 IELTS cũng chưa chắc làm được hết. Theo thầy Võ Anh Triết, việc so sánh với bài thi IELTS là khập khiễng bởi mỗi bài thi phục vụ một mục tiêu khác nhau.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/de-tieng-anh-thi-tot-nghiep-thpt-2025-do-nang-luc-hay-tao-ap-luc-2417192.html