Đoàn ĐBQH thành phố Huế thảo luận tại tổ 7 cùng các đoàn: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kiên Giang.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất nghiên cứu lại toàn diện mô hình thanh tra tài chính. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp |
Cần nâng tầm mô hình giám sát tài chính
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) bày tỏ quan ngại về bất cập trong mô hình tổ chức cơ quan thanh tra hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ông cho rằng, cấu trúc tổ chức thanh tra hiện hành “đã lạc hậu, thậm chí thấp hơn cả thanh tra của Bộ Tài chính”. Mô hình giám sát tài chính của Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia có thị trường phát triển như Hàn Quốc.
Dẫn chứng từ các vụ việc lớn trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán thời gian qua, đại biểu Nam nhận định nhu cầu tăng cường giám sát là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế về năng lực và công cụ của lực lượng thanh tra hiện nay.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất nghiên cứu lại toàn diện mô hình thanh tra tài chính theo hướng nâng cao vị trí pháp lý, thẩm quyền và năng lực tổ chức. Gợi mở từ kinh nghiệm cải cách Tổng Kiểm toán Nhà nước –cơ quan này được Quốc hội thành lập, đại biểu Nam cho rằng: “Tại sao không nghiên cứu một mô hình tương tự cho cơ quan giám sát tài chính?”
Ông Nguyễn Hải Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc so sánh kinh nghiệm quốc tế, nêu ví dụ về Thái Lan, Singapore và cả Lào – nơi mô hình giám sát tài chính được tổ chức ở cấp pháp lý cao hơn Việt Nam – để từ đó đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc và toàn diện.
Cũng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên) hoan nghênh tinh thần tinh gọn nhưng lưu ý nhiều điểm kỹ thuật chưa thống nhất. Ông dẫn ví dụ về quy định liên quan đến thẩm quyền Tổng Thanh tra Chính phủ: “Có nơi đề cập nội dung về lãng phí, có nơi lại không". Các mâu thuẫn này cần được rà soát kỹ để đảm bảo sự nhất quán.
Bên cạnh đó, ông đề xuất đưa các quy định mang tính thủ tục – như thời điểm công bố kế hoạch thanh tra – ra khỏi luật, giao cho văn bản dưới luật quy định nhằm đảm bảo tính linh hoạt và dễ điều chỉnh khi thực tiễn thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đồng tình với việc tăng thành viên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp |
Tăng biên chế tư pháp là cần thiết và có cơ sở
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đồng tình với việc tăng thành viên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lên 27 biên chế người là phù hợp, có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Đề án tinh gọn bộ máy của hai cơ quan này đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua, trong đó nêu rõ việc tăng cường nhân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Từ thực tiễn, ông dẫn chứng: Kể từ khi thành lập ba Tòa án, Viện Kiểm sát cấp cao năm 2015, mỗi năm xử lý hơn 12.000 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Khi mô hình này kết thúc, toàn bộ đơn thư sẽ chuyển về Tòa án và Viện Kiểm sát Tối cao, tạo áp lực rất lớn nếu không kịp bổ sung biên chế.
Ngoài ra, ông đề nghị duy trì tiếp nhận đơn thư ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, tránh dồn về Hà Nội gây quá tải và gây khó khăn cho người dân các vùng xa. “Có người phải đi lại 5–7 lần mỗi năm để gửi đơn tại Hà Nội,” ông Hải nói.
Đề cập đến cấp cơ sở, ông Hải nhấn mạnh hiện nay công an xã đã được giao quyền điều tra một số loại án, nhưng Viện Kiểm sát cấp huyện chưa có lực lượng kiểm sát viên thường trực tại xã, dẫn tới tình trạng “giao trách nhiệm nhưng không có người thực hiện”. Ông đề nghị bổ sung biên chế, hoặc ít nhất là cơ chế điều động phù hợp.
Liên quan đến Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải ủng hộ đề xuất trao quyền điều tra cho trưởng, phó công an xã/phường với các vụ án có khung hình phạt dưới 7 năm tù, đánh giá đây là bước đi cần thiết nhằm xử lý vi phạm ngay từ cơ sở.
Còn đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) tập trung góp ý cho đề án đổi mới tổ chức tòa án và viện kiểm sát. Theo ông Công, mô hình “khu vực hóa” hiện nay còn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự phù hợp với nguyên lý tư pháp. Ông đề xuất tổ chức các cơ quan này theo đúng cấp xét xử: sơ thẩm – phúc thẩm – giám đốc thẩm, nhằm tăng tính độc lập, hạn chế sự can thiệp và nâng cao chất lượng xét xử.
Liên quan đến công tác tiếp công dân, ông cho rằng việc Thanh tra Chính phủ là đầu mối tại trụ sở tiếp dân Trung ương nhưng thiếu sự hiện diện của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – những cơ quan trực tiếp liên quan khiếu nại, tố cáo tư pháp – là một bất cập. Hệ quả là nhiều vụ việc phải chuyển về Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để xử lý bước đầu.
“Tòa và viện cần cử cán bộ trực tiếp tham gia tiếp dân tại trụ sở Trung ương. Nếu cần, nên luật hóa cơ chế này và mở rộng các điểm tiếp dân tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để người dân không phải ra Hà Nội”, ông Công đề xuất.
Lê Thọ
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/de-xuat-doi-moi-mo-hinh-giam-sat-to-chuc-tu-phap-153397.html
Bình luận (0)