Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thông tin tại buổi họp báo - Ảnh: TRẦN HUẤN
Thông tin được ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - chia sẻ trong buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào chiều 24-7 tại Hà Nội.
Thể chế hóa quy định "cấm sóng" nghệ sĩ vi phạm pháp luật để "chắc tay hơn"
Về bộ quy trình thí điểm hạn chế hình ảnh và hoạt động trên báo chí, truyền thông, trên sân khấu nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, ông Tự Do cho biết bộ quy trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 10-2024.
Nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan vẫn chưa triển khai được quy trình thí điểm này với nghệ sĩ, người nổi tiếng nào.
Ngoài ra còn có lý do chủ quan. Đó là quy trình hạn chế hình ảnh, hoạt động của nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật này chưa được thể chế thành pháp luật.
“Chúng tôi cũng cân nhắc làm vậy có đúng quy định không, có bị kiện không. Trong các quy định pháp luật không có quy định nào quy định người nổi tiếng khi vi phạm pháp luật không được xuất hiện trên báo, đài.
Do đó khi ban hành bộ quy trình hạn chế hình ảnh này thì kêu gọi trên tinh thần tự nguyện của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí có thể làm hoặc không làm. Chúng tôi muốn thể chế quy trình này thành quy phạm pháp luật để làm chắc tay hơn”, ông Tự Do nói.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online về mong muốn thể chế hóa quy trình hạn chế hình ảnh nêu trên, ông Tự Do cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Thủ tướng đồng ý cho ban hành thành một quy phạm pháp luật.
Trước mắt có thể đưa thành một quyết định của Thủ tướng. Xa hơn có thể đề xuất đưa vào Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được đề xuất sửa đổi trong năm tới.
Trong thời gian sớm nhất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ họp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương để bàn việc làm thí điểm việc hạn chế hình ảnh này.
Ông Tự Do cho biết việc này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nên ông tin rằng có thể triển khai quy trình thí điểm này với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng trước khi thể chế nó thành pháp luật.
6 tháng gỡ 30.000 tài khoản giả mạo
Về tình trạng lừa đảo trên mạng hoành hành thời gian gần đây, ông Lê Quang Tự Do thừa nhận hiện nay trên không gian mạng, đặc biệt là trên Facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo các doanh nghiệp lừa đảo với nhiều hình thức khác nhau.
Nó đặc biệt rộ lên trong khoảng 3 năm gần đây, với thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, có tổ chức. Vừa rồi công an công bố nhiều thông tin triệt phá đường dây tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia lừa đảo người dân Việt Nam.
Trước tình trạng đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an đã có những biện pháp ngăn chặn, như dùng biện pháp chặn gỡ về kỹ thuật để chặn gỡ các tài khoản giả mạo để lừa đảo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Ông Tự Do cho biết mới đây Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã họp với đại diện Facebook, YouTube, TikTok là ba mạng xã hội có nhiều tài khoản giả mạo, để yêu cầu họ thiết lập các thuật toán bằng AI ngăn chặn các tài khoản giả mạo lừa đảo.
"Trong 6 tháng đầu năm các nền tảng này đã gỡ khoảng 30.000 tài khoản giả mạo, nhưng vẫn không xuể", ông Tự Do nói.
Ngoài ra biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cung cấp thông tin đầy đủ để tạo sức đề kháng cho người dân cũng được làm tích cực.
A05 Bộ Công an gửi các tin nhắn qua số di động đến từng người dân, gần như hàng tuần, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội mà họ thu thập được.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng công bố các thủ đoạn lừa đảo này trên website phòng chống tin giả và thông tin sai sự thật, cũng như tiếp nhận những phản ánh của người dân trên trang web đó để chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý.
Tuy vậy, ông Tự Do thừa nhận dù rất cố gắng nhưng trong bối cảnh phát triển của AI quá nhanh chóng và tinh vi hiện nay thì hai biện pháp này chưa đạt hiệu quả cao, rất cần sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.
"Biện pháp kỹ thuật gỡ các tài khoản giả mạo để lừa đảo chỉ là biện pháp ngọn thôi. Mỗi người dân cần có sức đề kháng trong việc phòng chống hành vi lừa đảo trên không gian mạng", ông Tự Do nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-the-che-hoa-viec-cam-song-nghe-si-vi-pham-phap-luat-20250724183104475.htm
Bình luận (0)