Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến, cơ sở thực tiễn cho thấy, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Huy Tiến, thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn cho biết, thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, viện kiểm sát nhân dân đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm, vi phạm. Mặc dù các chủ thể vi phạm đã bị xử lý về trách nhiệm hình sự nhưng phần dân sự gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Cũng có trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự nhưng phải giải quyết vấn đề dân sự để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho nhóm dễ bị tổn thương thì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khởi kiện, nên đã gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ triệt để, hiệu quả.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết và có căn cứ.
Với thực tiễn trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội cho phép việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm về nội dung trên theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội sau đó cho hay, qua thẩm tra, vẫn còn một số nội dung chưa rõ, thiếu cụ thể. Trong đó, có nội dung, để tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính. Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, phân loại hành vi trước khi khởi kiện; đồng thời bổ sung nguyên tắc nhằm tránh việc dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính; làm rõ thêm căn cứ, điều kiện và phạm vi khởi kiện của viện kiểm sát nhân dân để tránh lạm quyền hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-xuat-thi-diem-vien-kiem-sat-khoi-kien-dan-su-de-bao-ve-loi-ich-cong-post795925.html
Bình luận (0)