Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất xây dựng Luật Giáo dục đại học mới

Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Chính phủ báo cáo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ03/04/2025

giáo dục - Ảnh 1.

Trường đại học Kinh tế TP.HCM là một trong bốn trường đã được chuyển đổi thành đại học được Bộ GD-ĐT đánh giá mô hình này mang lại nhiều ưu việt - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong đó đánh giá nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật này là yêu cầu cần thiết để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát triển bền vững và nâng cao chất lượng hệ thống.

Cơ hội để phát triển ngành

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13; Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, mang lại thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, tự chủ đại học được triển khai thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Nhưng qua thời gian vẫn còn những bất cập trong hệ thống cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Vì vậy việc sửa đổi luật là vô cùng quan trọng, là cơ hội để phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Báo cáo về việc đánh giá thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cũng nhận định Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế...

"Mô hình đại học hai cấp kém hiệu quả"

Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 264 cơ sở giáo dục đại học gồm hai đại học quốc gia, ba đại học vùng, bốn đại học khác và 255 trường đại học, học viện, trong đó 171 trường trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương, 26 trường trực thuộc UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và 77 cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình hai cấp như mô hình hiện nay của hai đại học quốc gia và ba đại học vùng) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ. 

Trong thực tế, tổ chức và hoạt động của các đại học hai cấp gặp một số vấn đề: mô hình tổ chức, quản trị có thêm một cấp trung gian, dễ trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả. Khó khăn trong việc phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa cấp đại học với các trường đại học thành viên khi từng trường đại học cũng được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình như các trường khác...

Triển khai quy định của Luật Giáo dục đại học, bốn trường đã được chuyển đổi thành đại học trong đó có một trường tư thục: Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2022), Đại học Kinh tế TP.HCM (2023), Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Duy Tân (2024). 

Trong khi đó, khác với mô hình đại học hai cấp, các đại học này có các trường, khoa thuộc đại học nhưng không có trường đại học thành viên.

Mô hình mang lại nhiều ưu việt như bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền tự chủ trong các hoạt động; tạo điều kiện cho sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, được học với những giảng viên giỏi nhất...

Thực tế hoạt động cho thấy tất cả bốn đại học này đều thể hiện năng lực và uy tín tốt trong quản trị đại học, thu hút các nguồn lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khả năng hội nhập quốc tế.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã hoàn thiện dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm sau khi có ý kiến thống nhất của hội đồng thẩm định, trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục đại học đã không còn phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.
Nguyễn Thị Thu Thủy (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT)

Xây dựng luật thay thế

Căn cứ đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong triển khai thi hành Luật Giáo dục đại học, bối cảnh và các yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ GD-ĐT đề xuất định hướng các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2012 và 2018, trên cơ sở đó đưa những nội dung liên quan cần cấp bách sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Nhà giáo, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội trong năm 2025.

Xây dựng Luật Giáo dục đại học mới, thay thế luật năm 2012 và 2018 và trình Quốc hội vào năm 2027 như trong chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (đã được Thủ tướng phê duyệt) bảo đảm đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2026-2030.

Bộ GD-ĐT đề xuất định hướng các nội dung cần sửa đổi, bổ sung: sắp xếp, thu gọn số đầu mối các cơ sở theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới (sau khi được Thủ tướng phê duyệt) cùng với việc sắp xếp, tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong của các trường.

Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT kiến nghị đưa các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực về bộ này quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cần hoàn thiện quy định về chính sách học bổng, miễn học phí

Về hệ thống giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT kiến nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng để bao quát tất cả tổ chức và cơ sở giáo dục hoạt động giáo dục đại học, bao gồm cả các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục đại học trực tuyến, xuyên biên giới.

Quy định rõ phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương, cơ chế phối hợp như quy định về việc chia sẻ thông tin, phối hợp giám sát và giải quyết vấn đề giữa Bộ GD-ĐT, các bộ ngành và địa phương; đặc biệt đối với các trường đại học tư thục, các trường đại học nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện các quy định về chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi cho người học theo mở rộng đối tượng, có ưu tiên cho các nhóm ngành trọng điểm; khuyến khích thành lập các quỹ tín dụng, quỹ học bổng và các quỹ khác hỗ trợ người học sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; bổ sung quy định về cơ chế giám sát việc thực hiện bảo đảm quyền lợi người học.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
Trở lại chủ đề
TRẦN HUỲNH

Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-xay-dung-luat-giao-duc-dai-hoc-moi-20250403081718088.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm