Thí sinh tại điểm thi THPT Phú Nhuận rời phòng thi sau khi hoàn thành phần thi môn toán - Ảnh: NGUYÊN KHANG
Nếu xét tuyển một điểm chuẩn chung cho các tổ hợp, thí sinh sử dụng tổ hợp A01, B00 và A01 sẽ có cơ hội ít hơn A00, C00.
Đó là chưa kể các tổ hợp có các môn địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Việc phân hóa này chủ yếu tập trung ở mức điểm từ 24 trở lên. Từ 18 đến 22 điểm số lượng thí sinh các tổ hợp vẫn rất đông đảo, sự cạnh tranh rất lớn.
Điểm thi các tổ hợp giảm mạnh và chênh lệch lớn
Năm nay Bộ GD-ĐT không công bố phổ điểm theo 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống toán - lý - hóa (A00), toán - lý - tiếng Anh (A01), toán - hóa - sinh (B00), toán - văn - tiếng Anh (D01) và văn - sử - địa (C00). Theo dữ liệu do Tuổi Trẻ phân tách từ điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy điểm thi của các tổ hợp này đều giảm mạnh ở mức điểm từ 24 trở lên.
Thống kê cho thấy năm 2024, ở tổ hợp A00 có hơn 101.000 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên, từ 27 điểm cũng có hơn 13.000 thí sinh đạt được. Thế nhưng mức điểm 24 năm nay chỉ còn gần 29.000 thí sinh đạt được, số thí sinh đạt 27 điểm cũng giảm phân nữa.
Nếu như năm trước 23 điểm là mức có nhiều thí sinh đạt nhất với hơn 40.000, nhưng năm nay điểm thi rải đều hơn, mức nhiều thí sinh đạt nhất quanh điểm 18 - 19 với hơn 13.000 thí sinh. Như vậy chỉ tính riêng mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất năm nay giảm đến 4 đến 5 điểm so với năm 2024. Sự cạnh tranh tập trung nhiều ở mức điểm từ 20 đến 23 với khoảng 46.000 thí sinh.
Tổ hợp C00 cũng có lượng thí sinh từ 24 trở lên giảm mạnh so với năm trước, nhưng số lượng vẫn còn dồi dào. Năm trước có hơn 195.000 thí sinh đạt 24 điểm trở lên, năm nay chỉ còn gần 56.000.
Ở mốc 27 điểm, số lượng cũng giảm rất sâu từ hơn 42.000 của năm 2024 xuống chỉ còn hơn 9.200 trong năm nay. Mốc điểm nhiều thí sinh đạt nhất năm 2024 là 22 với hơn 80.000 thí sinh, năm nay giảm xuống quanh mức 19 - 20 điểm. Như vậy sự cạnh tranh khốc liệt nằm ở phân khúc từ 20 đến 23 điểm với khoảng 90.000 thí sinh.
Riêng tổ hợp B00, do lượng thí sinh đăng ký dự thi môn sinh học năm nay giảm hơn 4 lần so với năm trước nên ngoài yếu tố đề thi, số lượng thí sinh cũng tác động không nhỏ đến việc giảm điểm xét tuyển. Đây là tổ hợp chủ lực tuyển sinh khối ngành y khoa - sức khỏe ở các trường đại học lớn. Với điểm thi năm nay, nhiều khả năng điểm chuẩn nhiều ngành sức khỏe sẽ không còn cao vót như năm 2024.
Trong đó, từ chỗ hơn 71.000 thí sinh đạt điểm từ 24 trở lên của năm trước, năm nay giảm đến 12 lần, chỉ còn hơn 5.900 thí sinh. Số thí sinh có điểm thi từ 27 trở lên từ hơn 6.500 của năm trước nay chỉ còn 1.055.
Không chỉ vậy, do số lượng thí sinh dự thi giảm mạnh nên các thông số khác của tổ hợp này cũng giảm thê thảm. Nếu như năm 2024 mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 22 với hơn 44.000 thí sinh thì năm nay giảm xuống mức 16 - 17 điểm và cũng chỉ có vỏn vẹn hơn 3.700 thí sinh đạt mức này. Khoảng 20.000 thí sinh có điểm thi từ 18 đến 23.
Đề thi môn toán và tiếng Anh năm nay được cho là khó, phân loại cao nhất trong số các môn thi. Kết quả thi hai môn này thấp nhất so với các môn trong tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt với thí sinh chọn thi và xét các tổ hợp có đồng thời cả toán và tiếng Anh sẽ ít có cơ hội cạnh tranh hơn ở phân khúc điểm giỏi.
Chẳng hạn với tổ hợp A01, năm trước có đến 80.000 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên nhưng năm nay chỉ còn hơn 13.000, ít hơn rất nhiều so với A00. Mức điểm 27 còn giảm nhiều hơn, từ 9.000 còn hơn 1.100.
Năm trước mức điểm thí sinh đạt nhiều nhất quanh mức 22 - 23 điểm, năm nay mức 18 - 19 điểm có nhiều thí sinh nhất. Có khoảng 42.000 thí sinh đạt điểm thi từ 20 đến 23. Con số này tương đồng với số thí sinh tổ hợp A00 nên sự cạnh tranh gay gắt tập trung quanh mức điểm này.
Với tổ hợp D01, số lượng điểm từ 24 trở lên, nhất là 27 điểm, giảm thê thảm nhất. Có đến hơn 163.000 thí sinh đạt điểm 24 trở lên trong kỳ thi năm 2024, năm nay chỉ còn hơn 13.000. Số thí sinh đạt 27 điểm trở lên năm trước áp đảo các tổ hợp A00, A01 với hơn 18.000 thí sinh đạt được. Thế nhưng năm nay chỉ còn vỏn vẹn 276 thí sinh - thấp hơn rất nhiều số thí sinh cùng mức điểm của A00, A01.
Tuy nhiên tổ hợp này có hơn 130.000 thí sinh có điểm thi từ 20 đến 23, đây là con số lớn hơn nhiều các tổ hợp A00, A01. D01 thất thế trong cạnh tranh ở mức điểm 26 - 27 nhưng lợi thế ở mức điểm dưới 24.
Xét chung sẽ mất công bằng?
Hiện nay, nhiều trường đại học như Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Tài chính - Marketing... chỉ xét tuyển một điểm chuẩn chung cho tất cả các tổ hợp. Trong đó các khối ngành kinh tế, công nghệ thường xét tuyển các tổ hợp A00, A01, D01; trường khối xã hội xét chung C00 và D01.
Việc xét chung một điểm chuẩn trong bối cảnh năm nay tiềm ẩn nguy cơ mất công bằng với các nhóm thí sinh.
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM cho rằng nhiều năm qua trường xét điểm chuẩn riêng cho các tổ hợp nhằm đảm bảo sự phân hóa cũng như công bằng với thí sinh các tổ hợp.
Thí sinh thi cùng đề cùng thang đo sẽ cạnh tranh dựa vào điểm số. Mỗi môn thi có mức độ phân hóa, khó dễ khác nhau, khi xét chung sẽ thuận lợi cho thí sinh này và bất lợi cho thí sinh kia, nhất là trong bối cảnh năm nay.
"Phổ điểm các môn thi có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi đó năm nay thí sinh chỉ thi 4 môn, việc kết hợp tổ hợp xét tuyển rất hạn chế so với 6 môn của năm 2024. Xét một điểm chuẩn sẽ nhẹ nhàng cho trường và chỉ nên áp dụng khi phổ điểm tương đồng. Khi phổ điểm có sự chênh lệch lớn nhưng xét một điểm chuẩn là không ổn khi thí sinh tổ hợp này không thể cạnh tranh sòng phẳng với tổ hợp kia" - vị trưởng phòng này nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Đại học Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM cho biết hiện chưa có phương án xét điểm chuẩn riêng cho từng tổ hợp.
Thí sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 không giấu được vui mừng khi hoàn thành tốt phần thi văn - Ảnh: THANH HIỆP
So sánh phổ điểm để biết mình ở đâu
Ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - đưa ra lời khuyên nên so sánh điểm thi với phổ điểm để biết mình đang ở đâu trên toàn quốc.
Ví dụ: bạn được 24 điểm, nằm ở top 30% hay 50%? Đối chiếu điểm thật với điểm chuẩn năm trước. Nếu điểm không cao, ưu tiên ngành/trường có mức điểm vừa tầm, tránh chọn toàn nguyện vọng quá cao rồi bị rớt hết.
Xác định mục tiêu rõ ràng: ngành hay trường quan trọng hơn? Hãy tìm trường phù hợp với năng lực. Đừng quên cân nhắc cả nguyện vọng an toàn và dự phòng. Thí sinh nên chọn khoảng 5-7 nguyện vọng chất lượng xếp theo thứ tự: thứ tự 1-2 nguyện vọng cao hơn điểm thật (nếu có thể "đặt cửa may rủi"), 2-3 nguyện vọng vừa sức (ngang với năng lực), 2-3 nguyện vọng an toàn (dưới năng lực một chút nhưng bạn vẫn thích học). Nguyện vọng nào xếp trước sẽ được xét trước. Hãy đặt thứ tự theo mức độ yêu thích, không phải theo độ "khó".
Tính toán các phương thức phù hợp phổ điểm
Ông Lê Trung Đạo, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết trường đã nhận thấy sự chênh lệch lớn về điểm giữa các môn thi và tổ hợp. Trường đang tính toán các phương án xét tuyển để phù hợp với thực tế phổ điểm thi của thí sinh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung - hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết trường cũng nắm được thông tin điểm thi của thí sinh năm nay giảm, chênh lệch. Tuy nhiên trường chưa có dữ liệu thí sinh đăng ký nên chưa có thông tin cụ thể.
"Tuy nhiên trường cũng sẽ đưa ra nhiều phương án xét tuyển dự phòng để phù hợp với thực tế" - ông Trung nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho hay trong quá trình lọc ảo, nếu trường thấy có sự chênh lệch điểm quá lớn giữa các tổ hợp sẽ chủ động điều chỉnh điểm chuẩn thấp hơn cho những tổ hợp điểm thấp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-cac-to-hop-chenh-lech-lon-co-hoi-cua-thi-sinh-ra-sao-20250716230825403.htm
Bình luận (0)