Lực lượng kiểm ngư Thanh Hóa kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính kết hợp với tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 2023, Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa được thành lập (thuộc quản lý của Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa). Dù hoạt động chưa lâu, lực lượng kiểm ngư đã tích cực, chủ động, nêu cao trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, gian khổ, tiếp nhận quản lý, nhanh chóng làm chủ, khai thác các trang bị, tàu thuyền được biên chế; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, nghiệp vụ, kỷ luật, kỷ cương, phương pháp, tác phong công tác.
Kiểm ngư Thanh Hóa đã duy trì thực thi hiệu quả pháp luật về kiểm ngư; thúc đẩy phát triển nghề cá, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản; tích cực triển khai hiệu quả các chỉ thị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); kịp thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm của tàu cá, tàu dân sự của Việt Nam và tàu nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của Thanh Hóa; hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Cùng với đó, lực lượng kiểm ngư thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển, để họ yên tâm khai thác hải sản dài ngày.
Ngày 23/3/2025, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực ven biển huyện Hậu Lộc, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-836-TS nhận được thông tin từ tàu cá TH-93369-TS do ông Nguyễn Văn Chung là chủ tàu kiêm thuyền trưởng trú tại xã Minh Lộc (Hậu Lộc) đề nghị được hỗ trợ đưa thuyền viên bị tai nạn ngoài biển vào bờ để cấp cứu.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Lê Công Tỉnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc (Hậu Lộc) đã điều động tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-836-TS và cano tiếp cận tàu có người bị nạn, đưa ông Nguyễn Văn Khải, thuyền viên tàu cá bị dập nát bàn tay lên bờ chữa trị thành công. Đến nay sức khỏe của ông đã ổn định.
Theo Trưởng Phòng Kiểm ngư, Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa Nguyễn Văn Trung, cán bộ, kiểm ngư viên luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là trong mùa mưa bão, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”.
Để ngư dân tự giác chấp hành pháp luật thủy sản, tạo điều kiện tốt cho công tác kiểm tra, kiểm soát, hạn chế phải xử lý vi phạm, lực lượng kiểm ngư rất chú trọng công tác giáo dục, phổ biến cho ngư dân về pháp luật thủy sản và các chỉ thị, quy định liên quan.
Từ tháng 1/2024 đến nay, lực lượng kiểm ngư cùng các đơn vị liên quan đã in và phát 62.000 tờ rơi, 23.000 sổ tay cho ngư dân; tổ chức 142 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho khoảng 7.800 cán bộ, ngư dân tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển và TP Thanh Hóa; phát trên 5.000 lượt tin bài trên loa phát thanh tại các địa phương, cảng cá, trạm biên phòng; phát 400 áo phao, 2.000 lá cờ Tổ quốc cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá.
Việc thực thi pháp luật trên biển đã được tăng cường. Lực lượng đã thành lập các tổ xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân về các quy định của pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.
Qua thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng kiểm ngư, đã kịp thời ngăn chặn và giảm dần các hành vi khai thác IUU, như: sử dụng tàu cá không đăng ký, đăng kiểm; không lắp đặt thiết bị hoặc không duy trì tín hiệu giám sát hành trình; hoạt động sai vùng, sai nội dung trong giấy phép khai thác; sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; vi phạm vùng biển nước ngoài...
Ông Hoàng Văn Trọng, phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), chủ tàu cá TH-91196-TS, cho biết: “Ngày 22/3/2025, tôi vươn khơi khai thác thủy sản thì gặp lực lượng kiểm ngư tuần tra. Qua kiểm tra, tôi vi phạm “không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động khai thác thủy sản”. Dù bị phạt 7,5 triệu đồng nhưng tôi rất ủng hộ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng. Quá trình kiểm tra, tôi còn được các cán bộ giải thích về lỗi, phát tờ rơi ghi khá đầy đủ những thông tin cần thiết để ngư dân tiện liên lạc mỗi khi gặp sự cố trên biển. Với sự hướng dẫn đó, chúng tôi đã hiểu được nhiều vấn đề về pháp luật trên biển".
Năm 2024, Kiểm ngư Thanh Hóa phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã xử lý 306 vụ vi phạm với số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 2,6 tỷ đồng; quý I/2025 xử lý 20 vụ với số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 205 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Đồng cho biết: “Lực lượng kiểm ngư sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển. Lực lượng đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng trong tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; giữ vững an ninh, trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Bài và ảnh: Anh Tuân
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/diem-tua-cua-ngu-dan-noi-dau-song-245910.htm
Bình luận (0)