Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng chính sách tiếp sức giảm nghèo ở Nghĩa Hành

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) được xem là đòn bẩy để các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi19/04/2025

Nguồn vốn TDCS được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hành cho vay trực tiếp có ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội địa phương. Với 12 điểm giao dịch cố định tại 12 xã, thị trấn và 205 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 74 thôn, tổ dân phố đã giúp các đối tượng thụ hưởng thuận lợi trong việc tiếp cận các chương trình về tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Soi, ở tổ dân phố Phú Bình Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), chúng tôi ấn tượng với cơ ngơi của gia đình. Bà Soi cho biết, nếu không có nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, gia đình tôi sẽ không thể có được thành quả như hôm nay.

Những năm trước, cuộc sống gia đình bà Soi gặp nhiều khó khăn. Thế nên, dù đất rộng, nhưng gia đình không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, dẫn đến hiệu quả thấp, thu nhập bấp bênh. Được chính quyền thị trấn Chợ Chùa thông tin về nguồn vốn TDCS từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, bà Soi mạnh dạn đăng ký vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, gia đình bà đầu tư mua con giống, nâng cấp chuồng trại để nuôi bò vỗ béo và heo nái sinh sản. Nhờ đó, đến nay, gia đình bà Soi đã sở hữu 4 con bò 3B, cùng 7 heo nái sinh sản, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 200 heo giống. Giá heo giống tăng cao, có thời điểm lên 1,2 - 1,5 triệu đồng/con, giúp gia đình bà có nguồn thu nhập khá, sửa sang nhà cửa khang trang. Bà Soi dự kiến sau khi trả xong vốn vay, sẽ tiếp tục đăng ký vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để đầu tư nuôi bò sinh sản.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cuộc sống gia đình ông Lê Văn Dương, cùng ở tổ dân phố Phú Bình Tây, cũng dần ổn định nhờ nguồn vốn TDCS tiếp sức. Ông Dương chia sẻ, thu nhập từ nghề nông luôn bấp bênh, dẫn đến cuộc sống chưa ổn định, nên gia đình tôi không có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Mọi chuyện thay đổi từ khi gia đình tiếp cận được vốn vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Có vốn, tôi đầu tư kết hợp chăn nuôi và trồng trọt theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Sản xuất thuận lợi, thu nhập được cải thiện, tôi tiếp tục đầu tư xưởng may gia công và dần dần phát triển. Hiện xưởng may tạo việc làm cho 4 - 5 lao động địa phương; kinh tế gia đình ổn định hơn trước.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha, xác định nguồn vốn TDCS là “điểm tựa” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tích cực triển khai các chương trình TDCS đến người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Các chương trình cho vay đều có lãi suất thấp, thời gian vay dài, không cần thế chấp tài sản, giúp người dân có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 421 tỷ đồng, với trên 7.000 hộ vay. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, Phòng Giao dịch đã giải ngân trên 31 tỷ đồng, cho trên 500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay.

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành phối hợp với các địa phương, hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về chính sách cho vay ưu đãi. Qua đó giúp người dân, nhất là các đối tượng thụ hưởng nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về các chương trình vay vốn ưu đãi, để chủ động tiếp cận.

Ông Đỗ Văn Kha cho hay, cùng với việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay nhằm định hướng người vay sử dụng vốn đúng mục đích, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp lồng ghép nguồn vốn TDCS với các hoạt động khuyến công, khuyến nông. Từ đó giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các tổ TK&VV duy trì sinh hoạt, tạo điều kiện để các tổ viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và tương trợ lẫn nhau. Các chương trình tín dụng có dư nợ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn có thể kể đến như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Soi, ở tổ dân phố Phú Bình Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) có cơ hội đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Soi, ở tổ dân phố Phú Bình Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) có cơ hội đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành còn tuyên truyền, hướng dẫn các tổ trưởng tổ TK&VV cài đặt, sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý TDCS. Qua đó giúp giao dịch giữa tổ trưởng các tổ TK&VV với cán bộ ngân hàng tại các điểm giao dịch diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Tổ trưởng Tổ TK&VV Hội Nông dân thị trấn Chợ Chùa Nguyễn Thị Diệu cho hay, phần mềm quản lý TDCS được cài đặt trong điện thoại giúp tôi thuận tiện trong việc tra cứu, nắm bắt, theo dõi thông tin về các chương trình tín dụng và quy trình cho vay. Không những vậy, phần mềm cũng giúp tôi theo dõi, thống kê các khoản thu của 32 tổ viên được nhanh chóng, đầy đủ, chính xác.

Theo đánh giá của huyện Nghĩa Hành, nguồn vốn TDCS không chỉ “tiếp sức” để hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Vì vậy, vốn TDCS được xem là động lực tiếp sức người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

 

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm nhìn nhận, điểm nổi bật trong thực hiện TDCS trên địa bàn huyện là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể... trong việc huy động các nguồn lực, giúp nguồn vốn chính sách tăng trưởng nhanh. Nhờ đó, nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững được tăng cường; nguồn vốn TDCS được huy động, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và phát huy  hiệu quả.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-nghia-hanh/202504/tin-dung-chinh-sach-tiep-suc-giam-ngheo-o-nghia-hanh-bed369d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm