Nơi đây nắm giữ vị trí giao thông chiến lược: Nằm giữa giao lộ của 3 trục kinh tế liên vùng gồm quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ; tỉnh lộ 741 - trục công nghiệp thương mại vận chuyển hàng hoá trực tiếp từ tỉnh Bình Dương và TPHCM; tỉnh lộ 753 - tuyến đường đang thi công mở rộng, tương lai trở thành quốc lộ 13C xuyên qua rừng Mã Đà, kết nối thẳng đến sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải khi cầu Mã Đà hoàn thành.
Từ trung tâm TP Đồng Xoài, di chuyển mất hơn 2 giờ về TPHCM, mất hơn 1 giờ đến tỉnh Bình Dương.
Năm 2024, thành phố này có tốc độ tăng trưởng 15,31%; thu nhập bình quân 124,5 triệu đồng/người/năm; Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) năm 2024 đạt 61.292,74 tỷ đồng, tăng 9,32% so với năm 2023.
Cùng với việc phát triển hạ tầng đồng bộ, Bình Phước đã quy hoạch loạt khu công nghiệp cấp vùng và cấp tỉnh. Trong ảnh là KCN Đồng Xoài I nằm trên quốc lộ 14, cách trung tâm TP Đồng Xoài khoảng 7km.
Bình Phước có diện tích tự nhiên hơn 6.873km2, lớn nhất trong 19 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, quy mô dân số hơn 1,14 triệu người. Tỉnh có 111 đơn vị hành chính cấp xã và 11 đơn vị hành chính cấp huyện.
Khu trung tâm hành chính của TP Đồng Xoài nằm dọc quốc lộ 14 với nhiều trụ sở, cơ quan, bưu điện, ngân hàng,...
Cũng trên quốc lộ 14, di tích lịch sử quốc gia Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài ghi dấu một phần lịch sử hào hùng của chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài. Tượng đài mang hình tượng 3 chiến sĩ trong tư thế hiệp đồng tác chiến, xông lên chiến đấu. Phía sau tượng đài còn có 2 bức phù điêu minh họa khí thế của trận đánh ''Đồng Xoài rực lửa'' năm xưa.
Nhà thi đấu đa năng là một phần trong khuôn viên rộng 22ha của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh, nơi đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp với nhiều hạng mục như 4 sân quần vợt, khán đài sân vận động, hệ thống máy tập thể thao ngoài trời và các phòng chức năng hiện đại.
Ngôi chùa Khmer duy nhất tại TP Đồng Xoài - chùa Sirivansa (chùa Miên) giúp đồng bào Khmer đang sinh sống trên địa bàn, huyện Đồng Phú và các vùng lân cận có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng như giữ gìn tôn giáo, tín ngưỡng. Chùa nổi bật với nét kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam Tông.
Bình Phước có 41 dân tộc thiểu số sinh sống, riêng TP Đồng Xoài có 17 dân tộc với 1.631 hộ, 5.737 người, chiếm khoảng 4% dân số thành phố. Những năm qua, địa phương luôn quan tâm việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh của người dân như công viên, quảng trường, bảo tàng,... được quan tâm đầu tư. Trong ảnh lần lượt là Công viên trung tâm Đồng Xoài, Công viên khu đô thị Cát Tường Phú Hưng, bảo tàng tỉnh,...
Giáo xứ Đồng Xoài nằm ngay trung tâm thành phố, nổi bật dưới nền trời xanh.
Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Theo dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính do UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Phước phối hợp xây dựng, hai tỉnh sẽ hợp nhất thành một thực thể hành chính mới với tên tỉnh Đồng Nai.
Sau sắp xếp, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có diện tích 12.737,17km2, tương đương 255% so với tiêu chuẩn quy định. Về quy mô dân số, tỉnh mới sẽ có 4.224.148 người, đạt 302% so với tiêu chuẩn, tạo nên một trung tâm hành chính - kinh tế có tầm vóc hàng đầu phía Nam.
Đặc biệt, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới sẽ được đặt tại thành phố Biên Hòa (sau sắp xếp là phường Trấn Biên).
Nguyễn Huế - Phước Sáng
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/dong-xoai-thu-phu-cua-tinh-rong-nhat-dong-nam-bo-truoc-khi-sap-nhap-2400496.html
Bình luận (0)