
Các đội thi tham gia diễn tập (Ảnh: NCA).
Diễn tập diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23/4. Theo hình thức thực chiến, các thành viên được chia thành hai đội: Đội tấn công (Red Team) và đội phòng thủ (Blue Team).
Đội tấn công có nhiệm vụ khai thác các lỗ hổng bảo mật của hệ thống mục tiêu một cách chủ động và liên tục trong suốt 24 giờ mỗi ngày.
Trong khi đó, đội phòng thủ phải nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công này. Đặc biệt, hệ thống mục tiêu được lựa chọn là một hệ thống thực tế đang cung cấp dịch vụ.
Các đội tham gia đã gửi về ban tổ chức hơn 40 báo cáo lỗ hổng, nhiều trong số đó được đánh giá cao về giá trị, góp phần nâng cao khả năng phòng thủ cho các đơn vị quản lý hệ thống mục tiêu.
Quá trình tìm kiếm và khắc phục các lỗ hổng được thực hiện theo thời gian thực, đảm bảo an toàn cho dịch vụ và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ bị khai thác.
Liên minh Ứng phó, Khắc phục Sự cố An ninh Mạng Quốc gia thành lập vào tháng 12/2024. Diễn tập thực chiến định kỳ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên minh, nhằm duy trì sự sẵn sàng và tăng cường khả năng phối hợp hiệu quả giữa các thành viên khi có sự cố xảy ra.
Tại Lễ tổng kết và rút kinh nghiệm diễn tập, Thượng tá Lê Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia, Trưởng ban tổ chức Diễn tập nhấn mạnh: "Diễn tập đã thể hiện tinh thần sẵn sàng cao của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia trong Liên minh. Đây là nguồn lực chất lượng, có trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho nhiệm vụ chung".

Các đội thi tại lễ tổng kết (Ảnh: BTC).
Nếu được tập hợp và đoàn kết, lực lượng này sẽ trở thành một đội quân hùng mạnh, đủ sức ứng phó và bảo vệ an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia trước các cuộc tấn công mạng, dưới sự điều phối của cơ quan quản lý nhà nước là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an.
Ban Tổ chức cho biết mục tiêu hàng đầu của Diễn tập là tạo cơ hội cho các thành viên nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong xử lý các sự cố an toàn, an ninh thông tin, từ đó phục vụ hiệu quả cho công việc chuyên môn và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Nâng cao nhận thức và năng lực đảm bảo an ninh mạng, đặc biệt trong công tác tổ chức và ứng phó sự cố; tăng cường tinh thần chia sẻ và phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; rèn luyện tư duy của chuyên gia tấn công mạng để triển khai phòng thủ an ninh mạng hiệu quả hơn.
Thành công của diễn tập lần thứ nhất sẽ là nền tảng vững chắc để Liên minh tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự trong tương lai, với quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, kinh nghiệm từ diễn tập lần này một lần nữa khẳng định: "Không có hệ thống nào an toàn tuyệt đối", vì vậy việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó và khắc phục sự cố là vô cùng quan trọng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/dien-tap-an-ninh-mang-quoc-gia-khong-co-he-thong-nao-an-toan-tuyet-doi-20250512163421746.htm
Bình luận (0)