Chiều 14-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Nghiên cứu dự thảo luật, ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) kiến nghị, sớm có hướng dẫn quy định liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất 1 chế độ công vụ từ Trung ương đến cơ sở để triển khai đồng bộ với lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thống nhất thực hiện.

Cùng với đó, ĐB Ngọc đề nghị, trong dự thảo cần có quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng để tạo điều kiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Đối với các quy định về đánh giá công chức, ĐB Đặng Bích Ngọc cho rằng, đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá đúng, trúng về chất lượng đội ngũ cán bộ.
Từ nhận định trên, ĐB Ngọc đề nghị, để đánh giá được kết quả sản phẩm của 1 cán bộ, công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ. Đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân để đảm bảo khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) ủng hộ chủ trương quản lý công chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn. Do đó, ngạch công chức trong dự thảo luật, theo đại biểu cần quy định mạch lạc hơn. "Cán bộ, công chức cần được đánh giá để xếp vào ngạch tương đương trình độ, năng lực, phẩm chất mà họ có; có thể qua thi hoặc xét tuyển nhưng phải đánh giá khách quan", ĐB Tuấn nhấn mạnh.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này để xác lập pháp lý cho việc liên thông đội ngũ cán bộ công chức cấp xã với cấp tỉnh, xây dựng một chế độ công vụ chung của cả hệ thống, từ Trung ương tới cấp cơ sở, đáp ứng được yêu cầu thiết kế lại đơn vị hành chính các cấp.

Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cũng là để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ. Bên cạnh đó, đảm bảo thống nhất đồng bộ với các quy định của Đảng về cán bộ, công chức, thể chế hóa các chủ trương của Đảng.
Đối với vị trí việc làm và mối quan hệ với ngạch công chức, Bộ trưởng Trà thông tin, dự thảo luật lần này đã xác lập một chế độ công vụ theo nguyên lý vị trí việc làm là trung tâm, là nền tảng, là cốt lõi để vận hành xuyên suốt toàn bộ hệ thống nền hành chính. Đảm bảo cho cơ sở để xác định biên chế, nguồn nhân lực và là căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và trả lương.
"Ngạch chỉ là công cụ phụ trợ mang tính kỹ thuật để phân định thứ bậc, trình độ chuyên môn trong công vụ và được thu gọn linh hoạt hóa, tích hợp vào hệ thống mô tả khung năng lực của vị trí việc làm. Do đó, chúng tôi quyết định bỏ thi nâng ngạch", Bộ trưởng Trà thông tin.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trong dự thảo luật đã "định vị" người có tài là chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng giá trị và đổi mới. Từ đó, có giải pháp nhân sự, vừa có sự lựa chọn chiến lược trong quản trị quốc gia trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức, bằng công nghệ…
Trong khi đó, trao đổi thêm về quy định đánh giá cán bộ, công chức, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lần này đã chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng, có minh chứng, có sản phẩm theo vị trí việc làm, theo chức trách được giao, có sản phẩm đầu ra cho đến đổi mới hệ quả đánh giá. Tuy nhiên, theo bà Trà, Chính phủ sẽ quy định cụ thể.
"Kết quả đánh giá được định lượng theo vị trí việc làm, đảm bảo đánh giá thực chất, công khai, minh bạch và chính xác. Từ đó, làm cơ sở thực hiện nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ý kiến.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dinh-vi-nguoi-co-tai-la-chu-the-dac-biet-trong-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-post795246.html
Bình luận (0)