Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đô thị La Gi: Sức sống tuổi đôi mươi

Trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn sẻ chia với nhiều nơi khó khăn, thị xã nỗ lực khai thác tốt nguồn thu từ đất để đầu tư hạ tầng nên nhiều năm nay, vốn đầu tư của thị xã luôn cao hơn vốn tỉnh chuyển về rất nhiều. Từ vốn “dẫn dắt” này, 5 năm qua, La Gi đã huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cao gấp 3 lần vốn nhà nước, quyết định xây dựng được đô thị ven biển rõ nét về thương mại - dịch vụ - du lịch mang tầm vóc của khu vực phía nam tỉnh.

Báo Bình ThuậnBáo Bình Thuận29/04/2025

Hội đủ xanh, sạch, đẹp

Như có hẹn trong tháng 4 này, thời điểm La Gi kỷ niệm 50 năm sau giải phóng và cũng đúng tròn 20 năm xây dựng đô thị, trên các tuyến đường của thị xã các loài hoa đều thi nhau trổ bông, khoe sắc. Mấy cây kèn hồng trên đường Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự đã bắt đầu phun những chùm hoa màu hồng nhạt thơ mộng. Hoa lim sẹt đã trải thảm vàng trên đường Nguyễn Trường Tộ, Lê Minh Công. Hoa móng bò chấm phá màu tím sặc sỡ mong manh trên nền lá xanh của hàng cây trên các tuyến đường nối ra biển như Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Du, Chu Văn An... Mấy cây giáng hương đã khoe sắc vàng e ấp trong vòm lá trên đường Hùng Vương, Ngô Đức Tốn. Chưa hết, trên và trong hàng rào nhà dân ở các phường Tân An, Phước Hội… cũng phủ nhiều loài hoa, cây cảnh, thể hiện sự chăm chút cho mảng xanh của không gian sống từng nhà.

duong-cmt8.jpg
Đường Cách Mạng Tháng 8. Ảnh: N.Lân
z6548769191231_87ed8eee8c8c82e9397a3c6775f46111.jpg

Nếu so năm ngoái, năm La Gi tăng tốc thực hiện tiêu chí đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị trên địa bàn tối thiểu là 5 m2/người cùng với 4 tiêu chí khác để thị xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định số 320 của Chính phủ, thì bây giờ, trong cảm nhận trước mắt thị xã như đã về đích. Thể hiện ở không gian chung xanh mát thoáng đãng, thành quả của chỉnh trang đô thị nhiều năm nay của thị xã, mà nổi bật là những tuyến đường mới mở ra, mới nâng cấp, cải tạo rộng thênh thang, có vỉa hè, có màu xanh với các loài hoa dặm tô vẻ đẹp phố thị. Điều đáng chú ý, nếu so với các đô thị khác trong tỉnh, việc chỉnh trang đô thị này của La Gi thuận lợi hơn, dù ở đâu phố cũng đông đúc người sinh sống và câu chuyện đền bù luôn kéo dài thời gian. Tuy nhiên, với La Gi, nhờ trước đây đã có xác định ranh giới phần lớn các tuyến đường nên khi có kinh phí là triển khai mở rộng, nâng cấp, không vướng víu đền bù như các nơi khác. Với 175,271km đường giao thông được đầu tư, nâng cấp trong 5 năm qua là bằng chứng cho điều đó. Tất nhiên, bên cạnh, còn nhiều yếu tố khác liên quan đến sắp xếp khoa học trong triển khai các thủ tục đầu tư để các công trình trên nhiều lĩnh vực có thể thi công và giải ngân tốt.

duong-nguyen-truong-to.jpg
Đường Nguyễn Trường Tộ, La Gi
duong-ngo-tat-to.jpg
Đường Ngô Tất Tố, La Gi
duong-nguyen-tri-phuong-tan-binh-la-gi.jpg
Đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: N.Lân
duong-nguyen-hue-la-gi-anh-n.-lan-.jpg
Đường Nguyễn Huệ, La Gi (ảnh N. Lân)
duong-hung-vuong-la-gi-anh-n.-lan-.jpg
Đường Hùng Vương, La Gi 

Thực tế, 5 năm qua, La Gi luôn là nơi giải ngân vốn đầu tư công nhanh và đạt tỷ lệ theo yêu cầu cao nhất so với các sở, ngành, địa phương và đơn vị trong tỉnh. Hơn thế, thị xã cũng là nơi huy động được số vốn đầu tư hạ tầng từ nguồn thu của chính địa phương luôn cao hơn nguồn vốn của tỉnh chuyển về. Có khi cao hơn gấp 3, như năm 2024, kế hoạch vốn ghi 267.566 triệu đồng thì đến cuối năm đã giải ngân 257.374 triệu đồng, đạt 96,19% kế hoạch, bằng 118,41% so cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn tỉnh là 59.566 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, còn nguồn vốn thị xã là 197.808 triệu đồng, đạt 95,01% kế hoạch, bằng 155,10% so cùng kỳ.

Xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nên việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thị xã qua từng năm cũng đều tăng. Theo báo cáo của Thị ủy La Gi, kết quả chung của giai đoạn 2021-2025, thị xã đã huy động được 9.221 tỷ đồng, tăng 125% so nhiệm kỳ trước. Đáng chú ý là trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 2.021 tỷ đồng tập trung vào những công trình trọng tâm, trọng điểm; còn nguồn vốn ngoài ngân sách là 7.200 tỷ đồng tỏa ra trên nhiều lĩnh vực. Nhờ vậy, La Gi đã quyết định xây dựng được đô thị ven biển rõ nét về thương mại - dịch vụ - du lịch mang tầm vóc của khu vực phía nam tỉnh.

cong-vien-hoang-dieu-2-(1).jpg
Công viên Hoàng Diệu
cau-hiep-tri.jpg
Cầu Hiệp Trí

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn La Gi tăng bình quân hàng năm 13,51%, vượt 3,51% so với chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó, chính quyền thị xã đã chú ý khai thác nguồn thu từ quyền sử dụng đất để tập trung vốn cho kế hoạch chỉnh trang đô thị.

Sự tiếp nối tự nguyện

Đô thị La Gi hiện tại có sự đóng góp của nhân dân cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cả thụ hưởng lẫn đóng góp, mà ít nhiều của điều đó xoay quanh cuộc sống người dân. Trước hết, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm còn 0,54%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 của La Gi theo con số ước từ Cục Thống kê tỉnh đạt 70,35 triệu đồng, trong khi năm ngoái đạt 65,028 triệu đồng… Tiếp nữa là những gì thiết thực nhất hàng ngày, quyết định nâng mức sống người dân. Ví như có 57/57 tuyến đường chính của thị xã được chiếu sáng, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh khu vực nội thị thị xã đạt 100%, nhiều khu dân cư có camera an ninh, các trạm y tế khang trang...

Với La Gi, nổi bật nhất của thay đổi vào thời điểm này là người dân cư xử với rác thải. Có thể, từ thụ hưởng môi trường sạch nhờ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Tân Bình với công suất khoảng 75-85 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đặt tại khuôn viên Cảng cá La Gi với công suất 1.000 m3 ngày/đêm, bây giờ người dân thị xã La Gi đã bắt tay phân loại rác tại nguồn như một thói quen hàng ngày. Tính đến thời điểm này, đây là điều rất ít địa phương trong tỉnh, ngay cả ở các vùng đô thị cũng chưa làm được đại trà, vì nhiều lý do như dân chưa vượt qua được thói quen, vì xe chở rác không phân loại rác…

Trước đó, giữa năm 2023, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Chỉ thị số 32 phát động cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường”. Từ đó đến nay, thị xã đã tổ chức đợt tuyên truyền kéo dài dưới nhiều hình thức từ lắp đặt pano, treo cờ phướn, loa phát thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, khu phố, tổ chức hội nghị tuyên truyền cho đến trang bị hơn 200 thùng rác lớn có nhãn phân loại, đặt ở các nơi công cộng, trụ sở cơ quan, các tuyến đường; phát tặng miễn phí cho người dân 886 sọt đựng rác, hơn 500 kg túi nilon các màu để hướng dẫn thực hiện phân loại; phát hơn 1.000 tờ rơi và ưu tiên dành rất nhiều thời gian phát thanh, tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn.

Quốc lộ 55 đi qua địa bàn La Gi.

Và bây giờ, La Gi đã có thể tự hào ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, góp phần tạo vẻ mỹ quan đô thị ven biển xanh, sạch, đẹp mà chính quyền đã nỗ lực xây dựng, không chỉ cho ngành du lịch biển. Đây là sự tiếp nối tự nguyện của người dân, cũng được xem là vốn quý giá trước vận hội đổi thay, khi đô thị mang tên La Gi không còn nữa và sắp tới được thay bằng 2 phường và 1 xã nhưng vai trò kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam thì vẫn tiếp tục. Nhất là tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) có chiều dài khoảng 76,86 km, quy mô thiết kế từ 6-8 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 9.246 tỷ đồng vừa được thông xe 1 đoạn vào ngày 19/4 và dự kiến sẽ hoàn tất toàn tuyến vào năm 2026, kết nối với vùng đất vốn thuộc La Gi. Lúc này, “sức sống tuổi đôi mươi” của đô thị mà Đảng bộ, nhân dân thị xã La Gi đã gầy dựng thời gian qua, trong đó có vốn quý từ ý thức người dân sẽ tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương mới.

Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/do-thi-la-gi-suc-song-tuoi-doi-muoi-129801.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm