Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TP.HCM hướng đến siêu đô thị, siêu thu nhập

Từ những năm chèo chống để vượt đói nghèo trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước sau ngày thống nhất, TP.HCM đã có bước tiến mạnh với thu nhập bình quân đầu người tăng vọt và hướng đến siêu đô thị trong kỷ nguyên mới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên29/04/2025

Thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 8.500 USD/năm

Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế TP.HCM còn đầy khó khăn. Giai đoạn 1976 - 1980, tăng trưởng GRDP của TP.HCM chỉ đạt 2,18%/năm, nhưng sau đó bắt đầu phát triển mạnh. Đặc biệt, từ 1991 - 2010, tăng trưởng kinh tế TP.HCM đạt tốc độ bình quân 2 con số, trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của TP đã tăng từ 700 USD vào năm 1996 lên đến 7.600 USD vào năm 2024. Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm nay mức thu nhập bình quân đầu người của TP phấn đấu đạt 8.500 USD. Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là mục tiêu thách thức nhưng TP có tiềm năng, cơ hội để đạt được.

TS Nguyễn Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng mức thu nhập lên đến 8.500 USD/năm của người dân TP nếu đạt được trong năm nay sẽ là một bước tiến vượt bậc so với giai đoạn trước năm 1975. Trước 1975, TP.HCM (khi đó là Sài Gòn) có nền kinh tế phát triển hơn so với nhiều khu vực khác trong nước, nhưng thu nhập bình quân đầu người, xét trên phương diện tự lực tự cường về kinh tế, vẫn còn thấp so với chuẩn quốc tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phản ánh những nỗ lực không ngừng của TP.HCM trong việc cải thiện kinh tế và đời sống người dân.

TP.HCM hướng đến siêu đô thị, siêu thu nhập- Ảnh 1.

TP.HCM hướng tới trở thành siêu đô thị, nâng cao thu nhập người dân

ẢNH: MAI THANH HẢI

"Một số nguyên nhân chính giúp TP.HCM đạt được mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người là đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và công nghệ cao, giảm dần sự phụ thuộc vào nông nghiệp. Các dự án hạ tầng lớn như metro, đường cao tốc và khu công nghệ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đồng thời, TP đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ giá trị gia tăng. TP.HCM là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ môi trường kinh doanh cải thiện và chính sách ưu đãi", ông Thắng phân tích.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số đã nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. TP cũng có những giải pháp đột phá trong lĩnh vực du lịch, như phát triển du lịch thông minh và tăng cường hợp tác liên vùng… Các chính sách đó không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hướng tới siêu đô thị

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, phân tích: Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu để hình thành một siêu đô thị trong kỷ nguyên mới không chỉ đánh giá ở ý nghĩa mở rộng về địa lý mà quan trọng hơn là tạo ra những cơ hội chiến lược mới để TP bứt phá mạnh mẽ về tốc độ tăng trưởng và nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp và dẫn dắt cả nước nhiều hơn nữa. Sự hợp nhất này giúp kết nối và cộng hưởng thế mạnh của ba địa phương, trong đó TP.HCM với vai trò trung tâm tài chính, công nghệ và dịch vụ cao cấp; Bình Dương với nền sản xuất công nghiệp hiện đại và năng động; Bà Rịa-Vũng Tàu với lợi thế dầu khí, cảng biển và du lịch quốc tế. Khi gộp lại, quy mô kinh tế và sức hút thị trường của toàn khu vực sẽ tăng vọt, trở thành thỏi nam châm thu hút vốn FDI, các tập đoàn đa quốc gia, và các sáng kiến đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Một trong những tác động tích cực nổi bật từ việc sáp nhập là giảm mạnh chi phí logistics và gia tăng hiệu quả kinh tế nội vùng. Khi các địa phương không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính riêng biệt, việc quy hoạch hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, sân bay, khu công nghiệp và đô thị sẽ được triển khai một cách đồng bộ và tối ưu.

TP.HCM hướng đến siêu đô thị, siêu thu nhập- Ảnh 2.

Thu nhập bình quân đầu người tại TP.HCM đã tăng mạnh sau 50 năm đất nước thống nhất

ẢNH: ĐỘC LẬP

Song song đó, siêu đô thị mới sẽ sở hữu một lực lượng lao động lớn về quy mô, đa dạng về kỹ năng và chất lượng cao. Trong kỷ nguyên số hóa, siêu đô thị hợp nhất còn có cơ hội bứt phá về công nghệ và phát triển đô thị thông minh. Với nguồn lực tài chính và nhân lực lớn hơn, TP.HCM có thể đẩy mạnh đầu tư vào các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa và các nền tảng đô thị xanh, bền vững.

Một điểm cộng không thể bỏ qua là việc tận dụng hiệu quả hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế. Việc kết nối liền mạch TP.HCM với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành trong tương lai gần sẽ tạo ra một mạng lưới logistics quốc tế quy mô lớn, đưa TP.HCM trở thành một trung tâm trung chuyển và thương mại trọng yếu của Đông Nam Á. Cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, dịch vụ logistics và du lịch quốc tế sẽ nở rộ, mở rộng thêm nhiều con đường nâng cao thu nhập cho cư dân đô thị.

Cuối cùng, sự hình thành siêu đô thị còn định hình lại phong cách sống và tiêu chuẩn sống cho người dân. Khi các tiêu chuẩn về hạ tầng, dịch vụ, giáo dục, y tế, giải trí được nâng cấp đồng bộ theo tầm quốc tế, người dân sẽ được sống trong môi trường an toàn hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Điều này không chỉ giúp thu nhập danh nghĩa tăng mà còn cải thiện thu nhập thực chất thông qua việc giảm chi phí xã hội và nâng cao phúc lợi.

Tuy nhiên, để những lợi thế này thực sự biến thành động lực tăng trưởng và nâng cao thu nhập cho người dân, đòi hỏi sự nỗ lực chiến lược, khả năng tận dụng cơ hội và năng lực vượt qua các thách thức rất lớn. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh, TP.HCM cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là xây dựng một chiến lược phát triển vùng thống nhất, tầm nhìn toàn cầu, làm nền tảng cho mọi quyết sách phát triển trong tương lai. Thứ hai, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và quốc tế. Thứ ba, thiết lập mô hình quản trị đô thị thông minh, liên thông, hiệu quả. Thứ tư, phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính quốc tế. Thứ năm, bảo đảm nâng cao chất lượng sống đô thị.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Thắng cho rằng sau khi sáp nhập, với quy mô lớn hơn, TP.HCM cần áp dụng mô hình quản trị đa trung tâm để phân bổ nguồn lực hiệu quả, giảm tải cho khu vực trung tâm và đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực. TP cần xây dựng quy hoạch tổng thể, tập trung vào phát triển các khu vực chuyên biệt như vùng công nghiệp, vùng cảng biển, vùng đô thị sinh thái và vùng dịch vụ cao cấp. Điều này giúp tối ưu hóa không gian phát triển và giảm thiểu tình trạng chồng chéo. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực, bao gồm đường vành đai, cảng biển, sân bay và các tuyến metro liên vùng. Hạ tầng đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế.

Cơ hội từ việc sáp nhập ba địa phương để hình thành siêu đô thị là rất lớn, nhưng không tự nhiên trở thành hiện thực. Thành công đòi hỏi một tư duy mới về quản trị vùng, chiến lược phát triển toàn diện và linh hoạt, và sự chủ động, sáng tạo của cả chính quyền lẫn cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi vượt qua được những thách thức nội tại và ngoại tại, TP.HCM mới thực sự bứt phá trở thành siêu đô thị toàn cầu, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân một cách bền vững.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/tphcm-huong-den-sieu-do-thi-sieu-thu-nhap-185250428212731218.htm



Chủ đề: tp.hcm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm