“Tiếng hát át tiếng bom”
Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh ra đời đánh dấu một bước ngoặc của nghệ thuật sân khấu truyền thống Khmer. Các tiết mục, chương trình nghệ thuật được Đoàn xây dựng luôn gắn với nội dung đoàn kết và nổi dậy chống Mỹ - Ngụy, với nhiều thể loại thơ ca, văn học viết, các kịch bản Dù kê dựa theo tuồng tích cổ, truyện dân gian được cải biên, phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Tiết mục múa “Chuôi chhai” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tại đêm diễn ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú ngày 09/3/2025.
Những nghệ sĩ của Đoàn không chỉ là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đem lời ca tiếng hát đến với công chúng mà còn thực sự là những chiến sĩ vũ trang, chống địch càn quét, bám dân làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; hành quân tiến sâu vào các ấp chiến lược biểu diễn phục vụ đồng bào đang bị địch kìm kẹp, dũng cảm phát loa hướng về đồn bốt của địch kêu gọi binh lính sáng suốt quay về với chính nghĩa.
Thành tích của Đoàn trong giai đoạn này đã được Tỉnh đội Trà Vinh trao tặng cờ luân lưu mang dòng chữ “Tiếng hát át tiếng bom” vào năm 1973; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhì (năm 1973) và 02 Huân chương Giải phóng hạng Ba (năm 1975).
Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn văn công Ánh Bình Minh đổi tên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh. Khi sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, Đoàn Ánh Bình Minh trở thành Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh Cửu Long. Đến năm 1992, tỉnh Cửu Long tách ra làm 02 tỉnh là Vĩnh Long và Trà Vinh, Đoàn trở về với tỉnh Trà Vinh.
Ông Thạch Sết (Nghệ sĩ Ưu tú Sang Sết, sinh năm 1952, ngụ tại Phường 7, thành phố Trà Vinh) từng là quyền Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh nhớ lại, những năm sau giải phóng, Đoàn gặp muôn vàn khó khăn, thù lao ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi người nghệ sĩ phải chi tiêu nhiều cho mỹ phẩm và phục trang để hóa thân vào các vai diễn trên sân khấu. Anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong Đoàn tự động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, kiên định “bám Đoàn” để hoàn thành sứ mệnh.
Nghệ sĩ Thạch Ngọc Xuân và Thạch Thị Tuyết cảnh trong vở “Chuyện tình chàng Via Sa Na” tại đêm diễn ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú đêm 09/3/2025.
Lúc này, ngoài biểu diễn các chương trình nghệ thuật trong nước, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Đảng, Nhà nước cử sang phục vụ hân dân Campuchia, phục vụ đồng bào chiến sĩ ở các tỉnh biên giới để bảo vệ Tổ quốc. Đến thời kỳ “mở cửa”, bước sang nền kinh tế thị trường đầy bỡ ngỡ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lại tiếp tục hỗ trợ Đoàn thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Bên cạnh những suất diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, Đoàn còn tổ chức những suất biểu diễn có doanh thu để cải thiện đời sống.
Hiện nay, phần lớn những nghệ sĩ có công khai sinh, đóng góp cho Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh thời kháng chiến không còn nữa, nhưng những chiến công hiển hách, khí phách của thế hệ nghệ sĩ "tay đàn, tay súng" năm nào còn mãi âm vang, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ nghệ sĩ hôm nay trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer, đưa Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh ngày càng phát triển vững bền.
"Tiếp lửa" tình yêu văn hóa Khmer
Thời gian qua, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh liên tục xây dựng các kịch mục mang lại giá trị nghệ thuật cao đáp ứng thị hiếu của nhân dân. Đến nay, Đoàn đã xây dựng được gần 100 vở diễn sân khấu Dù kê, trên 200 tiết mục ca múa nhạc tổng hợp. Hiện Đoàn thường xuyên biểu diễn phục vụ các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế; tổ chức các chuyến lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer… trong và ngoài tỉnh để phục vụ đồng bào các dân tộc.
Tại chuyến lưu diễn 3 đêm ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú mới đây của Đoàn, bà Thạch Thị Nhờ, 63 tuổi, xã Hàm Tân cho biết, 02 vợ chồng bà sống bằng nghề bán rau cải trong chợ. Cuộc sống tuy bận rộn, vất vả nhưng mỗi khi nghe tin Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh về ấp biểu diễn là hai vợ chồng bà đều tranh thủ thu dọn quầy rau cải thật sớm để về nhà. Hơn 18 giờ là ông bà đã có mặt tại điểm biểu diễn, chọn chỗ ngồi để thưởng thức trọn vẹn chương trình của Đoàn, kéo dài từ 19-23 giờ/đêm diễn.
Một cảnh trong vở sân khấu Dù Kê “Chuyện tình chàng Via Sa Na” do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh diễn phục vụ khán giả tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú đêm 09/3/2025.
Không chỉ những người lớn tuổi mong muốn được thưởng thức nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, các đêm diễn ở vùng sâu, vùng xa còn thu hút đông đảo thanh niên, em nhỏ người Khmer đến xem.
Em Trần Thị Sô Phe, 15 tuổi, ấp Vàm Ray cho hay, từ khi Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn tại địa phương, lần nào em cũng theo bà nội đến xem. Khi tiếng hát, lời ca, câu thoại bằng tiếng Khmer của những nghệ sĩ cất lên, niềm tự hào dân tộc trong em lại trỗi dậy. Thông qua những vở diễn, tuồng tích, em hiểu hơn về lịch sử, truyền thống và nét đẹp của văn hóa Khmer. Càng ngày em càng trân trọng nguồn cội và thêm yêu văn hóa dân tộc mình.
Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh cho biết, những chuyến lưu diễn tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn mang lại rất nhiều cảm xúc cho các nghệ sĩ trong Đoàn. Hàng nghìn cặp mắt chăm chú thưởng thức từng tiết mục mỗi đêm diễn, tình cảm yêu thương ấm áp, ái mộ, những tràng pháo tay, giọt nước mắt lưu luyến khi anh chị em văn nghệ sĩ tạm biệt rời đi… là nguồn động viên to lớn để những người nghệ sĩ ngày càng gắn bó và “say nghề”, không ngừng sáng tạo, vun bồi chuyên môn, nghiệp vụ để cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật Khmer.
“Điều tôi tâm đắc nhất là những đêm diễn ở vùng sâu, vùng xa hiện nay có rất nhiều thanh niên nam nữ, các em nhỏ đến xem. Điều này chứng tỏ chúng tôi không đơn thuần là biểu diễn nghệ thuật mà còn có thêm sứ mệnh nuôi dưỡng và "tiếp lửa" tình yêu văn hóa Khmer cho thế hệ trẻ; góp phần gìn giữ, bảo tồn và truyền bá giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer”, Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung bộc bạch.
Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trần Văn Đài cho biết, Đoàn hiện có khoảng 40 biên chế, với nhiều thế hệ diễn viên; hằng năm, biểu diễn gần 100 suất trong và ngoài nước, trong đó, khoảng 30 suất phục vụ nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, Đoàn còn làm công tác thu hình cho Đài Truyền hình khu vực và địa phương, mỗi năm từ 2 - 3 vở diễn và 2 - 3 chương trình ca múa nhạc để phục vụ nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của bạn xem đài.
Những cống hiến của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh đã được Trung ương, địa phương ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen; trong đó, có 09 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú... Đặc biệt, năm 2000, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/doan-nghe-thuat-khmer-anh-binh-minh-noi-tiep-lua-tinh-yeu-van-hoa-khmer-44785.html
Bình luận (0)