Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đoàn viên và kết nối

Tháng Bảy đang nhanh chóng đi qua với hai dấu mốc lớn: ngày khởi đầu với sự kiện công bố sáp nhập tỉnh thành, tinh giản bộ máy hành chính; và tuần cuối với ngày tri ân những anh hùng liệt sĩ nằm xuống. Bóng dáng đổi thay cả một dân tộc, dường như hiển hiện giữa hai dấu mốc đó!

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng13/07/2025

doanvien04.jpg
Đà Nẵng sau hơn 20 đô thị hóa mang lại nhiều điều kiện cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Một cựu lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cũ chia sẻ, việc cấu trúc lại địa giới hành chính không phải chuyện mới mẻ của đất nước; nhưng 50 năm sau ngày thống nhất, lập tức định hình lại hệ thống quản trị quốc gia, là vấn đề không đơn giản. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đến lúc này mới có sự sắp đặt lại? Dân tộc sau nửa thế kỷ đi qua, một lần nữa lại hợp nhất, đoàn viên, phải có lý do!

Kết nối gần hơn?

Nhìn vào bản đồ địa giới thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập, các chuyên gia đánh giá, có một trục giao thông cực kỳ quan trọng phải chú ý, là quốc lộ 14, nối liền từ trung tâm đô thị Đà Nẵng đến các vùng núi phía tây và chia sẻ về phía đông.

Thực trạng giao thông ấy, đã tồn tại từ lâu, với những phân nhánh được gọi tên chữ cái: B, H, D… và đã được người dân gọi tên khi đi lại thường xuyên. Nhưng phải đến hôm nay, khớp nối toàn bộ lộ trình giao thông “từ rừng đến biển”, yêu cầu hợp nhất một con đường quốc lộ 14 mới nghiêm túc đặt ra.

Nói vậy để hiểu, nhận thức hợp nhất, sáp nhập địa giới hành chính không hề là một “động tác vật lý”, mà gắn liền với rất nhiều mong mỏi, đợi chờ trong cộng đồng người dân. Dù đã bao năm thống nhất, họ vẫn bị cách biệt, chia tách vì những đoạn đường, khúc đèo… chưa được nối kết. Chính tư duy hành chính địa phương đã cản trở phần nào những con đường, lối đi ấy.

doanvien02.jpg
Những thế hệ trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng học được những gì qua hành trình phát triển quê hương?

Do đó, đã có nhà tư vấn phấn khởi nhận xét, việc Đà Nẵng gắn lại với Quảng Nam, là một lựa chọn “điều chỉnh” có tính lịch sử, thực sự gỡ đi khoảng cách do bối cảnh xã hội đã qua làm cản trở.

Khi địa phận hành chính đã quy tụ trở lại, trách nhiệm của các cấp quản lý xã hội là cần nhanh chóng có được sự nhìn nhận thấu đáo, liền lạc giữa các khu vực phát triển, để đề xuất ngay những phương án, giải pháp giúp kết nối xứ Quảng lại thống nhất.

Mà không chỉ dừng lại ở địa phận hành chính mới, các cấp quản lý giờ đây cũng cần khơi rộng tầm nhìn, có những hướng xử lý tầm khu vực, quy mô quản lý kinh tế, xã hội cấp vùng như từ chân đèo Hải Vân vào đến đèo Bình Đê, thậm chí vào tận đèo Cả. Với cách nhìn mở rộng như vậy, câu chuyện kết nối sức mạnh đất nước và dân tộc trở nên sáng tỏ, mạch lạc hơn rất nhiều.

Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất có diện tích tự nhiên hơn 11,8 nghìn km2, quy mô dân số hơn 3 triệu người. Có 2 sân bay, hai cảng biển loại 1 và hệ thống giao thông khá đồng bộ, kết nối liên hoàn theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa và cảng Chu Lai có thể đạt 20 triệu tấn/năm.

Hơn 20 năm đầu tư phát triển dáng vóc đô thị của Đà Nẵng đã mang lại một hiện trạng thuận lợi cho người dân, từ giao thông đến vận tải hàng hóa thương mại, từ kết nối tín hiệu viễn thông đến phát nhận bưu phẩm bưu cục…

Câu chuyện phải mất một ngày trời đi về từ xã Tây Giang đến trung tâm Đà Nẵng sẽ lùi vào kỷ niệm. Và sau sáp nhập, Đà Nẵng mới phải làm sao thật sự là một dải địa giới hành chính thông suốt, tiện dụng, thỏa lòng mơ ước của người dân. Kết nối gần hơn, thực sự là biểu hiện minh bạch của khát vọng non sông!

Đoàn viên qua từng con phố?

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, một người luôn đau đáu về văn hóa Quảng Nam cho biết, mới đây ông đã làm một chuyến du ngoạn lên vùng núi phía tây. Và nhận ra, những trái lòn bon Tiên Phước vẫn còn mất nhiều thời gian lắm mới về đến chợ Đà Nẵng; trong khi lòn bon Thái Lan lại bán đầy phố thị Đà Nẵng vì vận chuyển rất nhanh từ phía nam ra.

THACO đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của Quảng Nam. Ảnh minh họa: QUỐC TUẤN
THACO đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của Quảng Nam cũ, và được xem là trục phát triển phía nam của thành phố Đà Nẵng mới . Ảnh minh họa: QUỐC TUẤN

Khoảng cách địa lý hóa ra không hề là lý do chậm trễ, mà chỉ vì đường mối kết nối, trách nhiệm thông đường từ các cấp ngành quản lý, và từ chính năng lực thương mại hàng hóa địa phương.

“Một khi rổ cá từ Duy Hải chưa được chuyển nhanh về Hòa Khánh, hay chai nước mắm Nam Ô vẫn chỉ loanh quanh không vượt khỏi chợ Cồn, thì câu hỏi về kết nối và phát triển vẫn còn trở ngại lắm”, người họa sĩ già tâm tư.

Mở rộng góc nhìn này, câu chuyện hợp nhất các địa phương, tinh gọn bộ máy hành chính để sáp nhập thành công những địa giới, thật sự không chỉ nhìn ở một không gian địa lý cụ thể.

Các nhà tư vấn quy hoạch điểm chỉ, trục quốc lộ 1 nằm dọc đất nước, giờ sẽ mạnh mẽ hơn với những trục nội tỉnh mới, gắn liền núi và biển, miền cao và đồng bằng… như những đường xương cá liền lạc.

Cả một hệ thống logistics năng động và hiệu quả hơn đang hình thành từ chủ trương tinh giản và sáp nhập như vậy. Người đồng bào Tây Nguyên giờ đã vượt khỏi khuôn khổ địa giới riêng, những vòng cung địa chất Đông Tây Bắc Bộ cũng đã nối liền khi các tỉnh thành hợp nhất… Đó đều là những cơ hội rất mới và rất lớn để thay đổi tầm vóc mỗi địa phương, và hòa chung vào một dân tộc phát triển trong kỷ nguyên mới.

Nhiều người băn khoăn, sau sáp nhập, giữa một đô thị hiện đại hơn mà chật hẹp như Đà Nẵng, và một không gian mở rộng nhưng còn quá nhiều bài toán trục trặc là Quảng Nam, cần có sự giao thoa, dàn xếp thế nào để hiệu quả.

KCN Hòa Khánh được DSEZA chỉ đạo rà soát liên quan hoạt động cho thuê nhà xưởng, sử dụng đất của các doanh nghiệp đầu quý II/2025. Ảnh: X.S
KCN Hòa Khánh nằm ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Đà Nẵng giờ đây phải gánh trọng trách chia sẻ những bài học kinh nghiệm về đô thị hóa, dữ liệu số của mình với những vùng quê Quảng Nam; và ngược lại, ưu thế rộng rãi, hài hòa thiên nhiên của những vùng biển phía đông, núi rừng phía tây phải được san sẻ thành lợi thế thu hút đầu tư của Đà Nẵng mới.

Rồi vùng công nghiệp phụ trợ, tiêu dùng Đà Nẵng sẽ cần kết nối thế nào với vùng công nghiệp nặng Quảng Ngãi, vùng cát năng lượng Khánh Hòa sẽ dung hợp thế nào với vùng cao nguyên Gia Lai, Đắk Lắk…, tất cả là những câu hỏi, vấn đề thách thức lớn hơn nhưng đích xác hữu hiệu hơn.

Dân tộc vươn mình thay đổi, chính là ở từng nhịp kết nối sao cho hài hòa, thuận lợi ấy, và tầm vóc đoàn viên non sông đang hiển hiện ở từng góc phố đô thị hóa từ Huế vào tận miền Tây Nam Bộ…

Một tinh thần đoàn viên dân tộc đã hiển hiện ở công cuộc sáp nhập hôm nay, giống như cả dân tộc đã từng hành quân vào 50 năm trước vậy!

Nguồn: https://baodanang.vn/doan-vien-va-ket-noi-3265601.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm